Những nguyên nhân đẩy giá than thế giới tăng cao

Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tạo ra một nhu cầu năng lượng khổng lồ và khiến giá than thế giới tăng.
Mạng tin Dự báo Thị trường (Anh) ngày 17/6 có bài phân tích cho rằng với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tạo ra một nhu cầu năng lượng khổng lồ và khiến giá than thế giới tăng lên.

Theo bài báo trên, năm 2001, dân số Bắc Kinh được dự đoán sẽ đạt 14 triệu vào năm 2040. Nhưng mốc này đã bị vượt qua vào năm 2003 và vào thời điểm này đã lên đến 22 triệu người.

Cũng năm 2001, các chuyên gia dự đoán 10 năm sau ở Bắc Kinh sẽ có 1 triệu chiếc ôtô. Con số này cũng bị vượt qua năm 2003 và ngày nay thành phố này có tới 5 triệu chiếc xe ôtô.

Trung Quốc hiện là thị trường ôtô lớn nhất thế giới và đang nhanh chóng trở thành nước tiêu thụ lớn nhất thế giới đối với nhiều mặt hàng.

Phía sau những cửa hiệu và nhà hàng nhộn nhịp và 5 triệu chiếc ôtô chạy trên đường phố Bắc Kinh phản ánh nền kinh tế tiêu dùng hiện đại là một nền kinh tế “phích điện.”

Kết quả là, Trung Quốc phải tìm mọi cách có thể để xây thêm nhà máy điện. Mỗi ngày lại có một nhà máy được xây thêm, khiến Trung Quốc chiếm tới 80% tổng số nhà máy điện đang được xây dựng trên toàn thế giới.

Theo tạp chí Nhà Kinh tế, tổng công suất điện năng xây thêm của Trung Quốc trong năm 2010 vượt toàn bộ công suất các nhà máy điện của Brazil. Trong hai năm tới, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về sản lượng điện. Khoảng 80% lượng điện năng nói trên đến từ than đá. Năm 2000, Trung Quốc sử dụng lượng than đá bằng Mỹ. Giờ đây, Trung Quốc đã vượt Mỹ 3 lần.

Có một vấn đề liên quan đến than đá khiến nhiều người ngạc nhiên, đó là chúng ngày càng trở nên khan hiếm đối với Trung Quốc. Chuyên gia Richard Heinberg tại Viện Hậu cacbon cho biết Trung Quốc đang tiêu thụ khoảng 3 tỷ tấn than đá mỗi năm. Trong thập kỷ qua, công suất khai thác của nước này đã tăng thêm 2 tỷ tấn. Đó là một kỳ tích, nhưng vấn đề của Trung Quốc nảy sinh cũng chính từ đây.

"Hãy tưởng tượng làm cách nào để xây dựng một cơ sở hạ tầng khai thác và vận chuyển lớn gấp 3 lần cơ sở hạ tầng của Mỹ, chỉ trong vòng 10 năm. Đó là điều Trung Quốc sẽ phải làm để duy trì tốc độ tăng trưởng 7%/năm” - ông Heinberg nói. Tuy nhiên, ông nói thêm tốc độ tăng GDP 7%/năm là một con số khiêm tốn, bởi bấy lâu nay Trung Quốc vẫn thể hiện một kết quả cao hơn nhiều.

Một nhân tố hạn chế nữa là nước, thứ Trung Quốc hiện nay vẫn khá thiếu thốn. Ông Heinberg cho biết một nhà máy điện chạy than có công suất 500 MW sử dụng khoảng 2,2 tỷ gallon nước mỗi năm để tạo đủ hơi nước quay tuốcbin - tương đương lượng nước đủ cung cấp cho một thành phố 250.000 dân.

Trung Quốc sẽ phải tìm cách tự sản xuất ra lượng than cần dùng. Trên thực tế, sau nhiều năm sản xuất than trong nước đủ cung ứng cho nhu cầu, Trung Quốc bắt đầu phải nhập khẩu mặt hàng này.

Năm nay, lượng than Bắc Kinh nhập khẩu được dự đoán là 150 triệu tấn, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Con số này có thể không đáng kể so với nhu cầu của Trung Quốc, nhưng nó cũng tương đương 60% tổng lượng than đá xuất khẩu của Australia - nước xuất khẩu than lớn thứ hai thế giới.

Điều đó có nghĩa là nếu lượng than nhập khẩu của Trung Quốc tăng gấp đôi vào năm tới - không phải là một dự đoán viển vông - thì Bắc Kinh sẽ cần nhập một lượng than nhiều hơn khả năng sản xuất của Australia. Chỉ cần nhân đôi thêm một lần nữa và Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu 600 triệu tấn than/năm, tương đương tổng lượng than của tất cả các nước xuất khẩu năm ngoái.

Nếu dự đoán trên xảy ra, giá than thế giới sẽ tăng. Do than đá vẫn là nhiên liệu sản xuất điện chủ yếu của thế giới, nên nó sẽ gây hiệu ứng lan tỏa tới toàn bộ dây chuyền năng lượng./.

Vũ Hội (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục