Những nguyên tắc trong chính sách của Ấn Độ đối với châu Phi

Chuyến công du của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến các nước Rwanda, Uganda và Nam Phi vừa qua cho thấy tầm quan trọng của châu Phi đối với Ấn Độ đang ngày càng tăng lên.
Những nguyên tắc trong chính sách của Ấn Độ đối với châu Phi ảnh 1 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: Twitter)

Theo trang mạng eurasiareview, chuyến công du từ ngày 23-27/7 của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến các nước Rwanda, Uganda và Nam Phi cho thấy tầm quan trọng của châu Phi đối với Ấn Độ đang ngày càng tăng lên.

Đây là chuyến công du thứ 3 của Modi đến châu Phi. Năm 2015, ông đã thăm Seychelles và Mauritius, sau đó thăm Mozambique, Nam Phi, Tanzania và Kenya vào năm 2016.

Chuyến công du lần này cùng với các sáng kiến trước đó, như hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Ấn Độ-châu Phi lần thứ 3 năm 2015 và việc ra mắt Hành lang phát triển Á-Phi, cho thấy Ấn Độ đặt ưu tiên cao đối với châu Phi.

Rwanda: Tầm quan trọng chiến lược đang tăng lên

Điểm dừng chân đầu tiên của Thủ tướng Modi trong chuyến công du này là Rwanda. Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký 8 biên bản ghi nhớ (MoU) và thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, quốc phòng, da và các sản phẩm từ sữa, cũng như công bố 2 gói tín dụng trị giá 100 triệu USD/gói cho việc phát triển các khu công nghiệp và một hệ thống thủy nông.

Chuyến thăm của Modi là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Ấn Độ đến Rwanda. Điều này cho thấy tầm quan trọng của Rwanda đối với Ấn Độ đang tăng lên.

Có nhiều lý do khiến Rwanda trở nên quan trọng.

Thứ nhất, Rwanda là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực trung Phi, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình 8% một năm trong giai đoạn 2001-2015.

Thứ hai, Tổng thống Rwanda Paul Kagame hiện là Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) và ông ủng hộ nhiều sáng kiến thúc đẩy châu Phi hội nhập và cải cách.

Thứ ba, Rwanda còn đứng trên cả Ấn Độ khi là quốc gia đóng góp binh lính nhiều thứ ba cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc với tổng số 7.086 người.

Thứ tư, Rwanda là một trong những nước ít tham nhũng nhất ở châu Phi. Theo bảng chỉ số tham nhũng năm 2017, Rwanda là nước ít tham nhũng thứ 3 ở châu Phi và đứng ở vị trí thứ 45 trên toàn cầu, cao hơn vị trí thứ 81 của Ấn Độ. Do đó, Ấn Độ cũng có thể học hỏi nhiều từ Rwanda trong việc đấu tranh chống tham nhũng.

Cuối cùng, Rwanda là một trong những nước ủng hộ phụ nữ nhất thế giới. Theo Báo cáo về khoảng cách giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Rwanda nằm trong nhóm 5 quốc gia hàng đầu tôn trọng bình đẳng giới, đứng trên nhiều quốc gia phát triển, trong đó có cả Mỹ.

Xây dựng lại các mối quan hệ kinh tế và văn hóa với Uganda

Điểm dừng chân tiếp theo của Thủ tướng Modi là Uganda. Đây là chuyến thăm của một thủ tướng Ấn Độ đến Uganda sau 21 năm và Modi là Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên phát biểu trước Quốc hội Uganda.

Những nguyên tắc trong chính sách của Ấn Độ đối với châu Phi ảnh 2(Nguồn: Twitter)

Tại Uganda, Modi đã ký 4 MoU về quốc phòng, trao đổi văn hóa và quan hệ ngoại giao cũng như tuyên bố 2 gói tín dụng trị giá 141 triệu USD cho việc phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng và 64 triệu USD cho lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất sữa.

[Ấn Độ và Pháp ký hàng loạt thỏa thuận hợp tác quan trọng]

Tầm quan trọng của Uganda đối với Ấn Độ dựa trên 3 yếu tố:

Thứ nhất, trữ lượng dầu mỏ của Uganda được phát hiện năm 2006 là 6,5 tỷ thùng. Là quốc gia thâm hụt năng lượng, thật dễ hiểu khi Ấn Độ quan tâm đến hợp tác năng lượng với Uganda.

Thứ hai, Uganda có vị trí quan trọng trong khu vực khi Tổng thống Yoweri Museveni đang là Chủ tịch Cộng đồng Đông Phi (EAC) gồm 6 quốc gia thành viên. Có thể chính vì vai trò của Uganda trong EAC mà Thủ tướng Modi tuyên bố hỗ trợ EAC 1 triệu USD.

Cuối cùng, hiện có khoảng 30.000 người gốc Ấn ở Uganda và họ đóng góp đến 65% nguồn thu thuế của Uganda. Kết nối với những người Ấn Độ tha hương này dường như cũng là một động lực quan trọng đối với Thủ tướng Modi.

Đến Nam Phi để tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS

Điểm dừng chân cuối cùng của Thủ tướng Modi là thành phố Johannesburg của Nam Phi, nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 10.

Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng đối với hai nước khi 2018 là năm kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, kỷ niệm 125 năm sự kiện Pietermaritzburg có liên quan đến Mahatma Gandhi và kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nelson Mandela.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS, Thủ tướng Modi và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã tái khẳng định quan hệ đối tác giữa hai nước và ký 3 MoU về hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ vũ trụ, nông nghiệp và nâng cao tay nghề.

Tuy nhiên, chuyến công du Nam Phi của Thủ tướng Modi đặt trọng tâm lớn hơn vào Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 10. Tại diễn đàn này, Thủ tướng Modi nhấn mạnh những nỗ lực của Ấn Độ liên quan đến Hợp tác Nam-Nam ở châu Phi, kêu gọi hợp tác đa phương, thương mại quốc tế và trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ.

Có thể kết luận rằng chuyến công du châu Phi của Thủ tướng Modi có ý nghĩa quan trọng vì 4 lý do sau:

Thứ nhất, nó giúp giảm bớt một số chỉ trích liên quan đến sự thâm hụt rõ ràng của Ấn Độ với lục địa châu Phi. Trong 4 năm qua, Ấn Độ đã có 26 chuyến thăm cấp cao đến châu Phi, trong đó có 9 chuyến của thủ tướng còn lại là ở cấp tổng thống và phó tổng thống.

Các chuyến thăm này cho thấy chính phủ Modi mong muốn đối thoại cấp cao với lãnh đạo châu Phi.

Thứ hai, chuyến thăm này nêu bật tầm quan trọng ngày càng gia tăng của châu Phi trong chính sách đối ngoại chung của Ấn Độ.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Uganda, Thủ tướng Modi đã đưa ra những nguyên tắc trong chính sách của Ấn Độ đối với châu Phi.

Ông nhấn mạnh rằng Ấn Độ mong muốn xây dựng quan hệ đối tác phát triển với châu Phi. Một mối quan hệ độc đáo, khuyến khích thương mại tự do và mở, trao quyền cho người dân, nâng cao an ninh của nhau và khuyến khích cải cách trật tự toàn cầu.

Thứ ba, chuyến công du giúp nâng cao hợp tác kinh doanh giữa Ấn Độ và các nước châu Phi. Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ-Rwanda tại thủ đô Kigali, Modi đã kêu gọi sự hợp tác lớn hơn giữa các doanh nghiệp của Ấn Độ và các nước châu Phi.

Cuối cùng, chuyến công du này đã giúp nâng cao sự hiểu biết về các mối quan ngại cũng như các ưu tiên của nhau. Để duy trì thiện chí chung ở châu Phi, Ấn Độ nên đảm bảo thực hiện sớm nhất các cam kết đã đưa ra trong chuyến công du này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục