Những nhận định về vụ phóng vật thể bay mới nhất của Triều Tiên

Báo chí phương Tây đã đưa ra một số nhận định ban đầu về việc Triều Tiên đã phóng 2 vật thể bay trong bối cảnh các cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Hàn Quốc và Mỹ.
Những nhận định về vụ phóng vật thể bay mới nhất của Triều Tiên ảnh 1Cuộc diễn tập pháo binh tầm xa của lực lượng pháo binh Triều Tiên ngày 2/3/2020. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Yonhap/AFP/Time.com/CNN.com đưa tin Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 2/3 cho biết Triều Tiên đã phóng 2 vật thể bay tầm ngắn không xác định.

Đây là vụ phóng đầu tiên kể từ sau khi Bình Nhưỡng hồi đầu năm 2020 cảnh báo về một “loại vũ khí chiến lược mới.”

Báo chí phương Tây đã đưa ra một số nhận định ban đầu về động thái này trong bối cảnh tình hình trong và ngoài Triều Tiên hiện nay, đặc biệt xét đến các cuộc bầu cử sắp diễn ra ở Hàn Quốc và Mỹ.

Theo JCS, Triều Tiên đã phóng hai vật thể này từ Wonsan, thành phố duyên hải miền Đông của nước này, hướng ra phía Đông Bắc. Cả hai vật thể này đã bay được khoảng 240km, đạt độ cao tối đa khoảng 35km.

[Triều Tiên khẳng định tập trận tấn công chỉ nhằm mục đích tự vệ]

Hãng tin Yonhap cho biết một quan chức Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 2/3 nhận định các vật thể mà Triều Tiên phóng là "các tên lửa đạn đạo tầm ngắn."

Theo AFP, động thái này diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ đang rơi vào tình trạng bế tắc và thời hạn chót mà Bình Nhưỡng đơn phương đặt ra để Washington đưa ra những nhượng bộ mới về nới lỏng các biện pháp trừng phạt đã hết hạn.

Tại một cuộc họp đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 12/2019, ông Kim tuyên bố Bình Nhưỡng không tự coi mình bị bó buộc về việc ngừng các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa và hạt nhân đồng thời dọa sớm sẽ tung ra một “loại vũ khí chiến lược mới.”

Triều Tiên có lịch sử lâu nay là tìm cách phô trương năng lực quân sự để đạt được những nhượng bộ nhất định.

Hãng tin CNN nói rằng nếu đây là một vụ thử tên lửa thì đây sẽ là vụ thử tên lửa đầu tiên mà Bình Nhưỡng tiến hành trong năm 2020.

CNN dẫn lời giới chuyên gia vũ khí cho rằng các vụ thử tên lửa là một phần quan trọng của nỗ lực nâng cao tính chính xác và khả năng đáng tin cậy của vũ khí.

Mặc dù các vụ thử vũ khí đóng vai trò quan trọng đối với các mục đích phát triển, song các động thái quân sự của Triều Tiên thường được sắp đặt để gây ra tác động chính trị tối đa ở trong và ngoài nước.

Các vụ phóng mới nhất nói trên diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên phạm vi cả nước, điều mà giới phân tích cho rằng sẽ gây ra tình trạng rối loạn ở quốc gia vốn thiếu thốn trang thiết bị y tế này.

Theo Yonhap, Triều Tiên trong những tuần qua đã duy trì các hoạt động quân sự ở mức thấp giữa lúc lo sợ về dịch bệnh COVID-19 vốn đang phát tán rộng khắp Trung Quốc đại lục và lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới.

Trang mạng time.com của Mỹ dẫn lời giới chuyên gia nghi ngờ liệu có phải Triều Tiên không tiến hành các hoạt động trình diễn vũ khí là để đẩy mạnh cuộc chiến chống virus corona hay không, dịch bệnh mà truyền thông Triều Tiên miêu tả là một vấn đề liên quan "sự sống còn của quốc gia."

Một số nhà phân tích cho rằng Triều Tiên cắt giảm hoạt động huấn luyện và các hoạt động khác liên quan việc tập hợp số lượng lớn binh lính nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan virus trong quân đội.

Theo The Time, vụ phô diễn sức mạnh mới nhất này của Bình Nhưỡng dường như nhằm thúc đẩy tinh thần quân đội, tăng cường sự đoàn kết nội bộ và chứng minh tình hình ở Triều Tiên vẫn ổn bất chấp những lo lắng bên ngoài về khả năng chiến thắng dịch bệnh của Triều Tiên.

Nhận định trên mạng xã hội Twitter, ông Ankit Panda, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, viết: “Khá chắc chắn rằng tháng Ba là mùa thử nghiệm tên lửa đối với Triều Tiên.”

Theo ông Ankit, dường như COVID-19 đã không làm thay đổi điều đó (hoặc Bình Nhưỡng quyết tâm làm ra vẻ COVID-19 không tác động tới điều đó).

Cho đến thời điểm này, Triều Tiên chưa báo cáo bất kỳ ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) nào trong bối cảnh dịch bệnh này đã khiến hơn 88.000 người nhiễm bệnh và hơn 3.000 người thiệt mạng ở quốc gia láng giềng Trung Quốc.

Ngoài ra, vụ phóng mới nhất này cũng diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc hồi tuần trước cho biết họ sẽ trì hoãn cuộc tập trận quân sự chung đã được lên kế hoạch từ trước để Seoul tập trung nỗ lực kiềm chế dịch bệnh cũng như đảm bảo sự an toàn cho quân nhân của họ.

Trước đó, Seoul-Washington cũng đã thu hẹp các cuộc tập  trận thường niên của mình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thương lượng với Bình Nhưỡng. Lâu nay, Triều Tiên luôn coi các cuộc tập trận này là cuộc tập dượt để xâm lược Bình Nhưỡng.

Theo quan sát của Yonhap, vụ thử mới nhất này diễn ra sau dịp kỷ niệm một năm hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa nhà lãnh đạo Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội.

Cuộc gặp hai ngày này kết thúc vào ngày 28/2/2019 mà không gặt hái được kết quả nào.

Kể từ sau hội nghị này, các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Bình Nhưỡng và Washington cũng không có tiến triển.

Seoul, đang chuẩn bị cuộc bầu cử quốc hội và đảng Dân chủ cầm quyền của Tổng thống Moon Jae-in, có thể phải chịu tác động về kinh tế do uy tín của ông Moon sụt giảm nhanh chóng.

Nhiều cử tri cho rằng ông Moon chưa thực hiện các cam kết của mình về cải thiện nền kinh tế, và bây giờ là tình trạng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng nhanh đồng thời chưa đạt được một thỏa thuận nào với Triều Tiên.

Trong khi đó, cử tri Mỹ ngày 3/3 cũng bỏ phiếu cho cuộc bầu cử “Siêu thứ Ba.”

Trả lời hãng tin CNN qua thư điện tử, giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha, bình luận: “Bình Nhưỡng dường như muốn gia tăng rủi ro trước thềm cuộc bầu cử của Hàn Quốc vào tháng Tư và trước cuộc bầu cử 'Siêu thứ Ba' của chiến dịch tranh cử ở Mỹ."

Giáo sư Yang Moo-jin, thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên (của Hàn Quốc), cho rằng những động thái quân sự mới nhất của Triều Tiên có ý nghĩa quan trọng đối với cả người dân trong nước cũng như ngoại giao quốc tế.

Giáo sư Yang nói: “Triều Tiên có thể đã nỗ lực nâng cao nhận thức và cảnh giác của binh sỹ giữa lúc hoạt động ngoại giao với bên ngoài đang ở thời kỳ yên ắng, đồng thời cũng thể hiện sự sẵn sàng của mình trong việc không ngừng củng cố các năng lực quân sự.”

Theo trang theo dõi hoạt động hàng không Aircraft Spots, Hải quân Mỹ đã điều máy bay do thám hàng hải P-3C đến hoạt động ở vùng trời trên bán đảo Triều Tiên hôm 29/2. Đây là động thái mới nhất trong hàng loạt hoạt động quân sự của Mỹ dường như nhằm giám sát chế độ Bình Nhưỡng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục