Những nỗ lực quốc phòng của Anh tại Đông Nam Á

Không ngạc nhiên khi tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Anh hồi tháng trước về khả năng quốc gia này thiết lập các căn cứ mới tại Đông Nam Á nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.
Những nỗ lực quốc phòng của Anh tại Đông Nam Á ảnh 1Binh sỹ Anh tham gia một cuộc tổng duyệt diễu binh ở Ipswich ngày 10/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng thediplomat.com, không ngạc nhiên khi tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson hồi tháng trước về khả năng quốc gia này thiết lập các căn cứ mới tại Đông Nam Á nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

Điều đáng nói ở đây là nó phản ánh một số nỗ lực về mặt quốc phòng mà Anh đã và đang triển khai tại khu vực suốt vài năm trở lại đây trong bối cảnh liên tục có những diễn biến phức tạp ở trong nước và khu vực.

Sự hiện diện về mặt quân sự của Anh tại Đông Nam Á cũng như trên toàn cầu không phải là điều gì quá mới mẻ.

Dù vị thế cường quốc thực dân đã suy thoái, song Anh vẫn duy trì sự hiện diện đáng kể trên khía cạnh quân sự tại Đông Nam Á cho tới khi chính phủ Thủ tướng Harold Wilson công bố chiến lược “Đông Suez” năm 1968, rút khỏi các căn cứ quân sự tại Malaysia, Singapore, Vịnh Batư và Maldives.

[Phép thử cho mối quan hệ của Anh với Trung Quốc và Đông Nam Á]

Mặc dù vai trò của Anh trong khu vực ngày nay được dư luận xem là diễn ra chủ yếu trong các lĩnh vực phi quân sự, nhưng thực tế London vẫn có sự hiện diện đáng kể trên phương diện này tại một số quốc gia, từ việc hỗ trợ các hoạt động song phương như huấn luyện hay xây dựng năng lực, cho tới các thỏa thuận đa phương quy mô hơn, ví dụ như các hoạt động gắn liền với Thỏa thuận Quốc phòng 5 nước (FPDA), môt thỏa thuận an ninh tập thể lâu bền với sự tham gia của cả Malaysia, Singapore, Australia, và New Zealand.

Trong vài năm trở lại đây, các nhà lập pháp Anh đã tìm cách tái khẳng định vai trò của quốc gia này tại châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng một cách trực tiếp và cụ thể hơn, bao gồm cả những nỗ lực trên bình diện quân sự. Điều này xuất phát từ bối cảnh trong và ngoài nước, như sự nổi lên ngày càng mạnh mẽ của châu Á với tư cách một khu vực có nhiều tiềm năng lợi ích, những lo ngại ngày càng nhiều về các hành vi trong khu vực của Trung Quốc, phức tạp nảy sinh từ vấn đề Brexit... những điều đó khiến vai trò tương lai của Anh trên trường quốc tế bị đặt dấu hỏi và buộc giới lập pháp phải nỗ lực tìm cách tự khẳng định mình thay vì trên cương vị một phần của châu Âu như trước đây.

Kết quả là, Anh ngày càng tập trung cao độ vào các khía cạnh quân sự tại châu Á. Sự chú ý của dư luận thường xoay quanh những diễn biến như hoạt động của tàu chiến Anh tại Biển Đông, song mọi chuyện không chỉ có vậy.

Cuối tuần qua, sự hiện diện về mặt quân sự của Anh tại Đông Nam Á lại trở thành tiêu điểm với dự định thiết lập các căn cứ mới trong khu vực sau khi Bộ trưởng Gavin Williamson nói rằng Anh sẽ xây dựng các căn cứ mới tại Đông Nam Á và vùng Caribbean.

Tuyên bố này thực tế không quá “kịch tính” như truyền thông miêu tả. Những nỗ lực gia tăng sự hiện diện về mặt quân sự của Anh tại một số quốc gia trong nhiều lĩnh vực liên quan không thu hút được sự chú ý của dư luận bằng cụm từ “căn cứ” đầy nhạy cảm.

Singapore và Brunei là hai địa điểm được truyền thông dự đoán sẽ là nơi Anh đặt căn cứ mới. Singapore đã được công khai nhắc đến là nơi Anh có kế hoạch tăng số nhân sự quốc phòng khu vực, trong khi Brunei, nơi Anh vẫn có sự hiện diện về mặt quân sự, là một trong số các quốc gia mà Anh ngày càng chú trọng củng cố quan hệ quốc phòng với nhiều hoạt động như diễn tập quân sự.

Mọi chuyện sẽ tiến triển cụ thể ra sao vẫn là điều chưa rõ ràng. Các quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé hơn có thể nhạy cảm về cách tiếp nhận và phản ứng trước những tuyên bố hay kế hoạch gia tăng hiện diện quân sự trong khu vực của các cường quốc, vì vậy không nên quá ngạc nhiên khi các diễn biến trên thực tế không quá nghiêm trọng như truyền thông nhắc đến.

Vẫn còn phải chờ xem kế hoạch gia tăng sự hiện diện quân sự của Anh tại khu vực ở mức độ nào, nhất là bởi khái niệm “căn cứ” thường được dùng một cách chung chung và khó có thể phản ánh chính xác ý nghĩa của sự hiện diện này.

Với những nỗ lực mà Anh đã và đang thực hiện tại Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương trên phương diện quốc phòng trong vài năm trở lại đây, chắc chắn các diễn biến khu vực sẽ là một chủ đề đáng để dư luận tiếp tục theo dõi sát sao trong năm 2019 và xa hơn nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục