“Đổi đời” nhờ thanh long

Những nông dân làm giàu nhờ trồng cây thanh long

Nhiều nông dân từ hai bàn tay trắng, nhờ sự trợ giúp về vốn ban đầu của Ngân hàng Agribank để trồng thanh long đã trở nên giàu có.
Từ hai bàn tay trắng, nhờ trồng thanh long, anh Trần Minh Hiệp đã có cơ ngơi khang trang, cánh đồng trồng thanh long thẳng cánh cò bay, mỗi năm cho bạc tỷ.
Anh Hiệp chỉ là một trong số rất nhiều nông dân tỷ phú ở xã Hàm Thạnh (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), làm giàu từ đồng đất quê hương. Tỷ phú của đồng đất Con đường vào Ủy ban Nhân dân xã Hàm Thạnh (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) xanh ngát thanh long. Trái vụ, nhưng đan xen những vườn xanh là những ô thanh long cho ra quả ngọt. Giữa những ngôi nhà kiên cố, biệt thự nhỏ..., khách lạ không khó để nhận ra ngôi biệt thự khang trang nằm ngay bên lề đường của nông dân Trần Minh Hiệp. Đon đả mời khách, cô con gái đầu lòng của anh Hiệp ngoái ra đằng sau gọi bố. “Chắc ba em đang ở ngoài vườn thanh long,” cô nhoẻn miệng. Độ mươi phút, khi ấm trà đã ngấm, anh Hiệp từ cánh đồng trở về, trên tay là vài quả thanh long chín. Câu chuyện của người nông dân cần cù ấy đã khiến những người khách lạ không khỏi ngạc nhiên. Năm 1987, sau khi giải ngũ, Trần Minh Hiệp về quê ở xã Hàm Liêm. Cuộc sống khó khăn, năm 1990, anh đưa cả gia đình về thôn Dân Cường (xã Hàm Thạnh), mua được 0,5ha đất trồng trọt, kiếm kế sinh nhai. “Ban đầu cực lắm chú ạ. Vợ chồng tui quần quật khi ấy cũng chỉ trồng được 47 trụ thanh long. Vừa trồng, vừa học, vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) để đầu tư, mười năm sau, tôi trồng được 2.000 trụ và đến nay là hơn 8.000 trụ...,” anh Hiệp kể. Đến năm 2010, anh Hiệp đã “cất” cho mình được ngôi biệt thự khang trang thuộc loại nhất nhì xứ thanh long này. Năm 2012, chỉ tính riêng thu nhập của 5.000 trụ thanh long (3.000 trụ chưa cho thu nhập), anh đã “bỏ túi” được ngót nghét 1,5 tỷ đồng. Công việc nhiều, anh Hiệp thường xuyên thuê 6-12 lao động để phụ giúp công việc trồng và thu hoạch trái thanh long khi tới vụ. Thực tế cho thấy, nhiều nông dân ở Hàm Thạnh đã “phất” lên từ thanh long. Thậm chí, có những người làm ăn ở các thành phố nay cũng về mua đất để... làm nông dân. Anh Võ Như Triều (48 tuổi), một “nông dân trái vụ” cho hay, năm 2010, để vợ con ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh đem 800 triệu về quê đầu tư 2ha để trồng thanh long. Năm nay vườn thanh long của anh sẽ cho lứa trái ngọt đầu tiên. Theo nhiều nông dân, điều khó nhất của trồng thanh long chính là đòi hỏi kỹ thuật cao. Người nông dân nhiều kinh nghiệm sẽ biết được lúc nào thì tưới nước, bón phân bao nhiêu thì đủ. Thậm chí, ở mỗi độ tuổi, người trồng phải biết để bao nhiêu nhánh (dây) thanh long mỗi trụ để cây cho quả tốt. Bên cạnh đó, người trồng thanh long còn phụ thuộc rất nhiều của giá cả thị trường. Thông thường, vụ chính của thanh long vào tháng 4 và tháng 6 âm lịch nhưng người dân đã dùng các biện pháp kỹ thuật như thắp bóng điện để cây cho ra thêm 3 vụ trái mùa. Tính ở thời điểm hiện tại, giá thanh long ở Bình thuận là 25.000 đồng/kg. Trừ chi phí, người dân sẽ lãi khoảng 60%.
Những nông dân làm giàu nhờ trồng cây thanh long ảnh 1
Từ hai bàn tay trắng, ông Hiệp bây giờ đã là tỷ phú thanh long. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Nỗi lo... vượt quy hoạch Ông Nguyễn Duy Vũ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hàm Thạnh cho hay, địa phương này phát triển cây thanh long trên 10 năm nay. Nhờ cây thanh long, số hộ nghèo từ gần 30% đến nay đã giảm xuống còn dưới 3%. “Hiện, toàn xã có 1.560ha thanh long và 1.246ha trồng hoa màu. Diện tích trồng thanh long hàng năm vẫn tăng lên. Nếu thuận lợi giá cả, trung bình mỗi ha thanh long cho lãi khoảng 300 triệu/năm,” ông Vũ nói. Cũng theo ông Vũ, để được như ngày hôm nay, người dân Hàm Thạnh đã được sự “trợ sức” của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Từ những năm mới trồng thanh long, họ đã được ngân hàng cho vay vốn để phát triển sản xuất. Thậm chí, có nhiều hộ đã vay đến cả tỷ đồng. Trao đổi với phóng viên Vietnam+, bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bình Thuận cho hay, người trồng thanh long thu nhập rất cao. Lo lắng giá cả đầu ra bấp bênh, tỉnh Bình Thuận đã quy hoạch đến năm 2015, tổng diện tích trồng thanh long toàn tỉnh là 15.000 ha, song đến nay người dân đã trồng lên tới trên 19.085 ha (với 16.000 hộ trồng). Sản lượng thanh long toàn tỉnh vào năm 2012 là 360.000 tấn. Cũng theo bà Tuyết, có nhiều thời điểm, người trồng thanh long gặp vất vả vì rớt giá (vào mùa vụ chính, giá thanh long thường giảm 3-4 lần so với giá trái vụ). Bởi thế, người nông dân vẫn rất cần những nguồn vốn vay ưu đãi để giúp họ duy trì, phát triển sản xuất và làm giàu trên đồng đất quê hương./.
Theo ông Trần Văn Hai, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận, tổng dư nợ của ngân hàng này đầu tư cho cây thanh long là 980 tỷ (vốn ngắn hạn là 585 tỷ, trung hạn là 395 tỷ); trong đó dư nợ đầu tư trồng và chăm sóc thanh long là 730 tỷ, dư nợ cho thu mua và xuất khẩu thanh long là 250 tỷ.
Kỳ Dương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục