Những nút thắt khó gỡ giữa Anh và Bắc Ireland hậu Brexit

Kể từ tháng 1/2021, thực tế Brexit cho thấy Thủ tướng Johnson đã đưa đảo Anh ra khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan, trong khi để Bắc Ireland nằm lại trong quỹ đạo kinh tế của EU.
Những nút thắt khó gỡ giữa Anh và Bắc Ireland hậu Brexit ảnh 1Một phương tiện bị đốt cháy trong bạo lực bùng phát tại Newtownabbey, phía Bắc Belfast, thủ phủ Bắc Ailen ngày 3/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong vài tuần trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), được gọi là Brexit, năm 2016, John Major và Tony Blair - hai vị thủ tướng Anh gắn bó nhất với việc mang lại hòa bình cho Bắc Ireland - đã cùng nhau đến thủ phủ Belfast của Bắc Ireland.

Cả hai đưa ra một thông điệp cảnh báo rằng một cuộc bỏ phiếu rời khỏi EU sẽ gây bất ổn định cho thỏa thuận hòa bình Thứ Sáu Tốt lành giữa những người theo chủ nghĩa hợp nhất muốn Bắc Ireland nằm trong Liên hiệp Vương quốc Anh và những người theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ hòn đảo Ireland thống nhất.

Theo tờ Financial Times của Anh, tình trạng hỗn loạn bạo lực trên đường phố Bắc Ireland thời gian qua đã cho thấy những lo ngại của các ông John Major và Tony Blair dường như trở thành hiện thực.

Các băng nhóm trong cộng đồng người theo chủ nghĩa hợp nhất đã dẫn đầu các cuộc bạo động do chịu đựng nhiều bất bình, như việc cảnh sát bị cho là đã đối xử “nhẹ nhàng” khi các chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc vi phạm quy định về phong tỏa chống COVID-19.

Tuy nhiên, lý do cốt lõi, các cuộc biểu tình phản ánh sự tức giận của những người theo chủ nghĩa hợp nhất về vị thế của Bắc Ireland sau Brexit.

Thỏa thuận hòa bình Thứ Sáu Tốt lành ký năm 1998 tôn kính bản sắc của hai cộng đồng cạnh tranh nhau ở Bắc Ireland. Một biên giới rộng mở với Cộng hòa Ireland thừa nhận khát vọng của những người theo chủ nghĩa dân tộc về một Ireland thống nhất.

[Anh: Bạo loạn tại Bắc Ireland chưa có dấu hiệu lắng xuống]

Việc áp dụng nguyên tắc “đồng thuận” đảm bảo với những người theo chủ nghĩa hợp nhất rằng khu vực sẽ vẫn là một phần của Vương quốc Anh trừ khi và cho đến khi đa số đưa ra một quyết định khác.

Những người theo chủ nghĩa hợp nhất cảm thấy rằng, theo một số góc độ, Nghị định thư Bắc Ireland đi kèm thỏa thuận Brexit đã làm đảo lộn sự cân bằng này.

Việc Thủ tướng Boris Johnson kiên quyết chọn một Brexit “cứng” nhất đã tạo ra một “đường biên giới” kinh tế mới giữa Bắc Ireland và đảo Anh (gồm England, Scotland và Wales) để giữ cho biên giới trên bộ ở đảo Irealnd mở nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của thị trường chung EU.

Kể từ tháng 1/2021, thực tế Brexit đã phơi bày sự trống rỗng trong các tuyên bố của Thủ tướng rằng sẽ không nhìn thấy việc kiểm tra hải quan và quy định. Thực tế là Thủ tướng đã đưa đảo Anh ra khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan, trong khi để Bắc Ireland nằm lại trong quỹ đạo kinh tế của EU.

Các chính trị gia theo chủ nghĩa hợp nhất phản đối mạnh mẽ cách Nghị định thư này phân biệt đối xử Bắc Ireland của họ khác với phần còn lại của Vương quốc Anh.

Quyết định đơn phương của Thủ tướng Johnson tạm hoãn thực hiện các phần quan trọng của Nghị định thư đã khiến Brussels khởi kiện ra tòa. Không có gì ngạc nhiên khi các nước EU lo ngại rằng Thủ tướng Anh muốn phá vỡ thỏa thuận rút lui Brexit.

Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu đã không giúp gì trong trường hợp này mặc dù trước đó có lúc họ đã sử dụng nghị định thư này như một vũ khí trong cuộc tranh cãi về vaccine phòng COVID-19.

Một biên giới trên Biển Ireland là không thể tránh khỏi, nhưng động thái của Thủ tướng Johnson đã khiến ông mất lòng tin của đảng theo đường lối hợp nhất chủ chốt ở Bắc Ireland, Đảng Liên minh Dân chủ (DUP), cũng như của Brussels.

Nhiều người theo chủ nghĩa hợp nhất lo sợ rằng ông Johnson không quan tâm đến những thiệt hại đã gây ra cho Liên hiệp Vương quốc Anh. Việc khôi phục lại niềm tin sẽ mất nhiều thời gian.

Điều rõ ràng là Thủ tướng phải có trách nhiệm lấp đầy khoảng trống chính trị hiện đang bị chiếm giữ bởi các cuộc biểu tình bạo lực. Về điểm xuất phát, Thủ tướng nên tìm cách lấy lại lòng tin của EU và chính phủ Ireland bằng cách đưa ra cam kết rõ ràng về việc tuân thủ Nghị định thư Bắc Ireland.

Vương quốc Anh và EU hiện đang tiến tới một thỏa thuận về việc thực hiện Nghị định thư. Kết quả cuối cùng tốt nhất có lẽ là một cơ chế nhẹ nhàng giúp giảm thiểu tối đa sự gián đoạn do việc kiểm tra gây ra.

Điều này có thể đi kèm với sự đảm bảo chắc chắn từ cả hai chính phủ, Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland, với những người theo chủ nghĩa hợp nhất rằng nguyên tắc đồng thuận sẽ vẫn còn nguyên giá trị.

Một sự sắp xếp như vậy có thể không làm hài lòng những người theo chủ nghĩa hợp nhất cực đoan, những người đứng đằng sau tình trạng rối loạn hiện nay, nhưng mục tiêu phải là củng cố niềm tin của những người ôn hòa vào Thỏa thuận Thứ Sáu Tốt lành.

Ông Johnson đã dẫn dắt chiến dịch Brexit. Ông bác bỏ rằng Brexit có nguy cơ gây mất ổn định ở khu vực Bắc Ireland. Nên bây giờ ông phải gánh vác trách nhiệm bảo vệ hòa bình ở khu vực này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục