Phát minh xuất sắc nhất

Những phát minh xuất sắc nhất thế giới năm 2009

Bóng đèn LED của Philips thay thế bóng 60W có thể giúp Mỹ tiết kiệm đủ năng lượng để chiếu sáng cho 17,4 triệu hộ gia đình mỗi năm.
Bóng đèn trị giá 10 triệu USD

Vào tháng 9, Philips Electronics đã trở thành công ty đầu tiên đăng ký tham gia giải thưởng L Prize trị giá 10 triệu USD của Bộ Năng lượng Mỹ.

Sản phẩm dự thi của hãng này là một bóng đèn LED thay thế các bóng đèn 60W hiện đang chiếm 50% thị trường đèn chiếu sáng ở Mỹ.

Nếu thay thế toàn bộ các đèn đó bằng đèn của Philips, mỗi năm nước Mỹ có thể tiết kiệm đủ năng lượng để chiếu sáng cho 17,4 triệu hộ gia đình. Đèn của Philips có độ sáng tương đương nhưng công suất chỉ 50W và tuổi thọ 25.000 giờ, gấp 25 lần loại đèn đang sử dụng.

Mắt điện tử

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ đang phát triển một vi mạch có thể giúp người khiếm thị lấy lại một phần thị lực, đó là mắt điện tử. Thiết bị này không giúp người khiếm thị nhìn thấy như bình thường, chỉ cho phép họ nhận ra những khuôn mặt cũng như định vị một căn phòng mà không cần giúp đỡ.

Vi mạch được bọc trong titanium để tránh không bị nước làm hỏng và sẽ được cấy thẳng vào nhãn cầu người bệnh. Sau đó người bệnh sẽ đeo một mắt kính có gắn một máy quay siêu nhỏ chuyển hình ảnh vào vi mạch và đưa lên não. Mắt điện tử sẽ được lắp cho người dùng trong vài năm tới.

Quạt không cánh

Nhà sáng chế người Anh James Dyson chế tạo một loại quạt điện đặc biệt và thú vị: không có các cánh quạt và trục quay nhưng vẫn tạo ra làn gió mạnh và êm như quạt thường.

Quạt hoạt động nhờ một động cơ điện 40W. Không khí bị động cơ hút vào những lỗ nhỏ dưới đế quạt và di chuyển dọc theo khung lõm hình tròn. Khi bị đẩy qua khe rộng 1,3mm nằm dọc theo khung, lượng không khí tăng lên 15 lần và tốc độ di chuyển có thể đạt 35,2km/h. Gió của quạt êm và liên tục hơn so với gió của quạt thường. Do không có cánh và trục quay nên nó không thể gây ồn.

Theo dự kiến, sản phẩm độc đáo này sẽ được bán ra thị trường trong năm tới với giá khoảng 280 USD/chiếc.

Bức tường sống

Nhận ra không phải loại cây nào cũng cần đất mới sống được, chuyên gia thực vật người Pháp Patrick Blanc đã cấy các loại dây leo lên tường các tòa nhà văn phòng, khu mua sắm, bảo tàng... để tạo nên những bức tường xanh sống động.

Công trình mới nhất của ông là khách sạn Athenaeum với 260 loại dây leo khác nhau phủ kín tòa nhà tám tầng ở Londo, Anh.

Vải dệt từ tơ nhện

Tơ nhện nổi tiếng là loại vật liệu có độ bền còn lớn hơn thép, nhưng lại mềm dẻo hơn rất nhiều. Tuy nhiên, những cố gắng dệt tơ nhện thành vải vẫn thất bại cho đến năm 2009, khi chuyên gia về công nghệ dệt người Anh Simon Peers và nhà thiết kế thời trang người Mỹ Nicholas Godley trình làng một tấm vải dệt từ tơ nhện dài 3,4m ở Madagascar.

Mỗi ngày 70 công nhân phải thu nhặt hàng nghìn lưới nhện màu vàng của loài nhện đặc trưng tại hòn đảo lớn nhất châu Phi. Sau đó họ cẩn thận cuộn chúng vào các ống chỉ và dệt tay từng ống một. Toàn bộ công việc kéo dài bốn năm, tiêu tốn nửa triệu USD và 1 triệu... con nhện.

Khớp gối giá 20 USD

Từ trước đến nay, những người khuyết tật nghèo ở các nước đang phát triển không may bị mất phần khớp gối không có lựa chọn nào khác là dùng một thiết bị thay thế bằng titanium trị giá lên tới 10.000 USD nhưng đôi khi hoạt động không hiệu quả.

Một nhóm sinh viên kỹ thuật ở Đại học Standford, Mỹ đã thay đổi điều đó với mẫu khớp gối nhân tạo có giá khoảng 20 USD và còn có thể bắt chước hầu hết các chuyển động tự nhiên. Khớp gối này làm từ nhựa và túi nilông tái chế đã được thử nghiệm thành công ở 300 người tại Ấn Độ./.

(Nguyễn Huyền/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục