Những phụ nữ đi qua khói lửa Trường Sơn

Từ nhiều năm nay, cứ vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn, những cựu thanh niên xung phong, bộ đội Trường Sơn ở tỉnh Bắc Giang lại có dịp cùng nhau ôn lại một thời khói lửa nơi chiến trường xưa.

Từ nhiều năm nay, cứ vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày truyền thống của Bộ đội Trường Sơn, những cựu thanh niên xung phong, bộ đội Trường Sơn ở tỉnh Bắc Giang lại có dịp cùng nhau ôn lại một thời khói lửa nơi chiến trường xưa.
 
Cô y sĩ giàu lòng trắc ẩn
 
Đó là tên gọi thân quen, trìu mến mà các thương binh và y, bác sĩ ở Đội điều trị của Binh trạm 32 (Đoàn 559) dành cho nữ y sĩ trẻ Bùi Tú Loan, quê ở thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) trong những ngày chiến đấu ở Trường Sơn năm xưa.
 
Năm 1968, sau khi học xong lớp y tế sơ cấp, bà Loan nhập ngũ và được điều về Đội điều trị của Binh trạm 32. Cô gái trẻ 19 tuổi, lần đầu thấy thương binh vừa sợ, vừa thương cảm. Mỗi khi thấy các anh đau đớn vì vết thương là bà lại không cầm lòng nổi, chạy ra một góc khuất khóc một mình.
 
Khi bác sĩ buộc phải cắt bỏ một phần cơ thể của thương binh do vết thương bị hoại tử, nhiễm trùng là bà lại thấy như chính da thịt mình đang phải chịu những mũi dao kia. Những tình cảm ấy khiến bà càng tận tâm, hết lòng cho công việc với mong muốn phần nào giúp thương binh bớt đau đớn và mau lành thương tật.
 
Hơn 1 năm sau, bà Loan trở thành một y sĩ "cứng" của đội, thường được giao nhiệm vụ như một bác sĩ bởi tay nghề vững. Những năm tháng phục vụ chiến trường, bà Loan được tặng thưởng Huân chương chiến sĩ vẻ vang và Huân chương kháng chiến hạng Ba.
 
Kỷ niệm về Trường Sơn mà bà Loan nhớ nhất là vào cuối năm 1968, khi đơn vị bà di chuyển đến địa bàn tỉnh Khăm Muộn của Lào. Vừa dựng lán trại xong thì máy bay Mỹ ập tới. Tình hình nguy cấp, các các bộ, y sĩ trong Đội điều trị buộc phải nhanh chóng chuyển tất cả thương binh cùng các dụng cụ y tế, thuốc men tới một hang đá cách đó khoảng 700m để đảm bảo an toàn.
 
Mặc dù bé nhỏ nhất đội, lại bị sốt rét mới khỏi, nhưng lúc ấy bà Loan vẫn gắng sức cùng đồng đội cõng thương binh (nhiều người nặng gần gấp đôi bà ) chạy về phía hang đá trong mưa bom, bão đạn. Giữa sự sống và cái chết, lúc ấy bà chỉ nghĩ mình có thể hy sinh nhưng phải cứu bằng được thương binh. Tinh thần đó đã tiếp thêm cho bà một sức mạnh phi thường để cùng đồng đội đưa toàn bộ thương binh về nơi an toàn.
 
Sau khi nước nhà thống nhất, bà Loan trở về quê hương và công tác tại Phòng y tế huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Hiện bà đã nghỉ hưu và sống cùng gia đình tại khu tập thể của Công ty Phân đạm và hóa chất Hà Bắc, thành phố Bắc Giang.
 
Như để luôn nhớ lại những năm tháng không thể nào quên ở chiến trường, mỗi khi con cháu tề tựu đông đủ, bà lại kể cho các cháu nghe những câu chuyện mình từng trải qua ở Trường Sơn năm xưa.
 
Thoát chết trong gang tấc
 
Năm nay 65 tuổi, tóc cũng đã bạc trắng nhưng bà Nguyễn Thị Tuế, ở khu Chi Li, phường Trần Phú (thành phố Bắc Giang) vẫn nhớ như in khi lái xe cùng hơn 20 thương binh thoát chết trong gang tấc tại khu vực đèo Đá Đẽo, tỉnh Quảng Trị.
 
Năm 1964, khi cả nước "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", bà Tuế tham gia thanh niên xung phong làm đường giao thông ở khu vực Quảng Bình, Quảng Trị. Tháng 9/1968, cùng với 20 thanh niên xung phong dũng cảm nhất trong đơn vị, bà được chọn vào Đại đội nữ lái xe mang tên nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh, có nhiệm vụ bám trụ trên tuyến đường Trường Sơn để chở thương, bệnh binh ra Bắc chữa trị và chở lương thực, thực phẩm, đạn dược, khí tài vào chi viện cho chiến trường miền Nam.
 
Cuối năm Mậu Thân 1968, bà lái xe chở thương binh từ chiến trường miền Nam quay ra Bắc. Khi xe đến đèo Đá Đẽo, nơi được coi là khó có xe nào qua được do tại địa điểm máy bay Mỹ cứ 15 phút rải bom một lần và thường xuyên bắn pháo sáng để phát hiện mục tiêu đánh phá, phát hiện thấy xe của bà Tuế, máy bay Mỹ đuổi theo bắn phá dữ dội.
 
Tiếng bom nổ chát chúa đằng trước, đằng sau kèm theo ánh pháo sáng địch bắn trên trời liên tục khiến khu vực đèo trông rõ như ban ngày. Với suy nghĩ nếu dừng xe lại thì không chỉ bản thân mà tính mạng của hơn 20 thương binh trên xe ngay lập tức sẽ gặp nguy hiểm, bà Tuế vẫn tiếp tục cho xe lao thẳng về phía trước.
 
Đến đỉnh đèo bỗng nhiên chiếc xe khựng lại. Với vốn chuyên môn ít ỏi vì mới được học lái xe không lâu, bà Tuế loay hoay mãi mà không biết tại sao xe chết máy. Rất may trong số thương binh có người là lái xe đã xuống kiểm tra giúp và phát hiện xe bị hỏng màng bơm xăng nhưng lại không có phụ tùng thay thế.
 
Chợt nhớ trong chuyên môn có hướng dẫn nếu làm mát động cơ bằng nước thì xe có thể khởi động tiếp được, bà Tuế cùng người y tá đi nhanh chóng lấy nước và may thay, ôtô đã khởi động lại được. Ngay sau đó, bà cho ôtô lao xuống dốc đèo.
 
Lúc ấy, một chiếc dù pháo sáng của địch trùm lên thùng xe của bà nên địch phát hiện ra mục tiêu và tiếp tục cho máy bay đuổi theo ném bom. Xe chạy trước, bom đuổi đằng sau. Khi tới chân đèo và thoát khỏi vùng nguy hiểm, chiếc xe vẫn còn dính nhiều mảnh bom nhưng rất may là mọi người đều an toàn.
 
Người nữ tài xế dũng cảm năm xưa giờ đang sống hạnh phúc với chồng cũng là cựu chiến sỹ bộ đội Trường Sơn và thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ các gia đình chính sách trong phường.

Năm 2008, bà cùng Đại đội nữ lái xe Trường Sơn năm xưa vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp gỡ, trò chuyện. Bà Tuế tâm sự rằng đại đội nữ lái xe của bà năm xưa có gần 60 người, nay chỉ còn lại hơn 40 người. Dù cuộc sống hôm nay vẫn không ít khó khăn, nhưng điều quý giá nhất là các bà, các chị còn may mắn lành lặn trở về.
 
Hai vợ chồng bà hiện là thành viên Câu lạc bộ văn nghệ của Ban liên lạc bộ đội Trường Sơn tỉnh Bắc Giang, vẫn thường xuyên tham gia tổ chức biểu diễn ở các địa phương trong tỉnh, góp phần động viên đồng đội vững tin hơn trong cuộc sống hôm nay./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục