Những phương cách phá vỡ thế bế tắc thương mại Mỹ-Trung

Bất kể thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung nào đạt được cũng chỉ là “hiệp ước đình chiến,” chuyển tiến trình này từ cuộc chiến thương mại không kiểm soát sang một cuộc chiến thương mại được điều tiết hơn.
Những phương cách phá vỡ thế bế tắc thương mại Mỹ-Trung ảnh 1Biểu tượng Huawei tại một cửa hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 20/5. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, chỉ một tháng trước đây, một thỏa thuận để chấm dứt cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dường như có thể trở thành hiện thực.

Tuy nhiên sau đó, một loạt cáo buộc và các biện pháp thuế quan mới đã trì hoãn các cuộc đàm phán này. Câu hỏi ở đây là tại sao tiến trình này lại tan rã nhanh đến như vậy và hồi kết của nó sẽ là gì?

Bắc Kinh dường như đã chùn bước sau khi ban lãnh đạo cấp cao nhận thấy các yêu cầu của Mỹ là sự vi phạm chủ quyền quốc gia của họ.

Trong khi đó, Washington đã trở nên thống nhất hơn trong các mục tiêu và nhận thấy rằng về mặt chính trị, đây không phải là thời điểm tốt để ký kết thỏa thuận.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều người cho rằng một giải pháp lâu dài là khó có thể đạt được nếu xét tới bản chất phức tạp của vấn đề. Bất kể thỏa thuận nào đạt được cũng chỉ là “hiệp ước đình chiến,” chuyển tiến trình này từ cuộc chiến thương mại không kiểm soát sang một cuộc chiến thương mại được điều tiết hơn.

Cuộc chiến thương mại này bắt đầu từ việc Tổng thống Donald Trump muốn “sửa chữa” thâm hụt thương mại song phương và mong muốn Trung Quốc sẽ mua gói hàng hóa lớn từ Mỹ.

[Có phải Mỹ-Trung đang bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới?]

Mối quan ngại này, cũng như đề xuất yêu cầu Trung Quốc tăng nhập khẩu từ Mỹ và giảm nhập khẩu từ các nước khác, được xem là sai lầm, bởi nó đi ngược với các luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Các cáo buộc của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ về hoạt động đầu tư không công bằng của Trung Quốc và hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của nước này là vấn đề khó khăn hơn để giải quyết.

Các giải pháp được đề xuất không đảm bảo rằng việc thực thi sẽ diễn ra suôn sẻ, dù một thỏa thuận thiện chí vẫn là điều mọi người mong muốn hơn là cuộc chiến thương mại kéo dài.

Tuy nhiên, điều thực sự phá hỏng tiến trình đàm phán là quan ngại của các nhà địa chiến lược và chính trị gia của Washington, những người coi cuộc chiến thương mại là cuộc xung đột giữa hai cường quốc.

Mục tiêu của họ - đó là buộc Trung Quốc phải từ bỏ các tham vọng đổi mới, theo đó sẽ hạn chế khả năng của nước này trong việc thách thức vị trí cường quốc kinh tế hàng đầu của Mỹ - là kết quả mà Bắc Kinh không thể chấp nhận.

Các biện pháp thuế được đưa ra không hẳn nhằm hạn chế thâm hụt thương mại mà chủ yếu được sử dụng như vũ khí chiến thuật để kiềm chế các tham vọng công nghệ của Trung Quốc.

Các quan ngại an ninh về việc tập đoàn Huawei mở rộng hoạt động trong lĩnh vực viễn thông 5G và cuộc chạy đua phát triển trí tuệ nhân tạo càng làm gia tăng sức nóng cho cuộc tranh luận này.

Các quan ngại an ninh được thảo luận có thể đã bị phóng đại, nhưng ảnh hưởng chính trị của nó sẽ không mất đi.

Lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ mới đây có thể gây tác động nghiêm trọng với Huawei, nhưng nó cũng ảnh hưởng tới năng lực đổi mới của Mỹ và cản trở chuỗi cung ứng toàn cầu.

Những diễn biến này nêu bật sự cần thiết phải xem xét lại các quy chuẩn và cơ chế điều tiết của việc chuyển giao tri thức giữa các quốc gia, trong khi thừa nhận rằng quy mô của nền kinh tế Trung Quốc và vai trò của nhà nước giúp họ có những lợi thế nhất định.

Đây chính là “thế tiến thoái lưỡng nan,” khi lòng tin giữa hai nhân tố cực đoan, “tự coi mình là nhất” bị phá vỡ thì việc đạt được một thỏa thuận là không thể và cả hai sẽ đều có kết cục xấu. Liệu một nhân tố bên ngoài có thể giúp phá vỡ thế bế tắc hay không?

Châu Âu đang quá bận tâm với các quan ngại nội khối, trong khi châu Á- là khu vực chịu tác động trực tiếp nhất - đang đứng trước nhiều nguy cơ hơn.

Tuy nhiên, các nỗ lực của Trung Quốc nhằm củng cố quan hệ với các nước láng giềng không được thúc đẩy bởi Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của họ bất luận những đảm bảo được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh vừa qua tại Bắc Kinh.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đang “dậm chân tại chỗ” cũng không giúp Trung Quốc có lợi thế nào trong bối cảnh có nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy đồng thuận giữa các thành viên khác nhau.

Trung Quốc hiện cũng không có thâm hụt thương mại lớn với các đối tác châu Á như trước đây, bởi vậy tác động thúc đẩy tăng trưởng của nó cũng ít hiệu quả hơn cách đây 1 thập kỷ.

Tại khu vực châu Á, quan điểm của các nước về tác động của cuộc chiến thương mại này là khác nhau. Trong ASEAN, các nước như Việt Nam hay Indonesia có thể hưởng lợi từ việc các nhà máy sản xuất rời khỏi Trung Quốc, trong khi các nước khác bị ảnh hưởng xấu bởi nhu cầu sụt giảm của Trung Quốc.

Một điều tra của UBS cho thấy đến nay, phần lớn hoạt động sản xuất được chuyển tới Mỹ và Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan) thay vì Đông Nam Á.

Tuy nhiên, với việc Mỹ-Trung gia tăng thuế, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á sẽ hưởng lợi nhiều hơn trong tương lai, đặc biệt là Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Tại những nơi khác, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đang quan tâm đến việc kiềm chế các tham vọng chính sách đối ngoại của Trung Quốc hơn là hậu quả của cuộc chiến thương mại.

Tựu chung lại, châu Á là nhân tố quá “rời rạc” để đưa ra một lập trường thống nhất đứng về phía Mỹ hay Trung Quốc.

Điều này giúp Mỹ dễ dàng hơn trong việc tận dụng những lợi thế của họ trong thương mại song phương với các đối tác thương mại chính, cho dù đó là Trung Quốc, Mexico hay Nhật Bản.

Để đạt được kết quả thực chất, rất cần cách tiếp cận đa phương và dựa trên luật pháp. Giải pháp rõ rệt nhất hiện nay đòi hỏi phải tái cơ cấu WTO. 

Bất kể giải pháp ổn định nào cũng cần bắt đầu từ đồng thuận chính trị. Lựa chọn tốt nhất để đưa các nước phát triển và đang phát triển ngồi lại với nhau là hội nghị G20.

Hiện không có một cường quốc châu Âu hay châu Á nào đủ “hứng thú” để thúc đẩy tiến trình này. Trung Quốc hiện không mong muốn tham gia bởi lo ngại việc này sẽ hạn chế sự linh hoạt của họ.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cần nhận thấy rằng các lợi ích của họ sẽ được củng cố hơn với việc nhấn mạnh các cam kết cải cách để lôi kéo các nước khác tham gia vào một giải pháp toàn cầu, ngay cả khi Mỹ không sẵn sàng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục