Những quan ngại về tác động của việc EU chấm dứt thỏa thuận EBA

Trước quyết định của EU tạm ngừng áp dụng thỏa thuận EBA, các cơ quan đại diện đầu tư trong và ngoài nước tại Campuchia đã bày tỏ quan ngại về tác động tiêu cực với kinh tế nước này.
Những quan ngại về tác động của việc EU chấm dứt thỏa thuận EBA ảnh 1Dây chuyền may mặc tại Campuchia. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Trước quyết định của Liên minh châu Âu (EU) tạm ngừng áp dụng Thỏa thuận Tất cả trừ vũ khí (EBA) cho Campuchia do những quan ngại về tình hình chính trị của quốc gia Đông Nam Á này, các cơ quan đại diện đầu tư trong và ngoài nước tại Phnom Penh đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về những tác động tiêu cực ngắn hạn và dài hạn đối với hoạt động kinh tế của Campuchia cũng như mối quan hệ của đất nước này đối với EU và Trung Quốc.

Đây là nội dung nổi bật được Nhật báo Khmer Times đăng tải gần đây.

Phòng Thương mại Anh tại Campuchia (BritCham) cho rằng việc đình chỉ EBA theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU có nguy cơ khiến các nhà máy sản xuất tại Campuchia khó có thể tồn tại, đồng thời đẩy giới công nhân vào tình thế bị định đoạt bởi giới chủ vốn có thể cung cấp những điều kiện làm việc dưới chuẩn.

Trong một bức thư ngày 17/10 gửi Cao ủy EU phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom, Chủ tịch BritCham - ông Trevor Sworn - nói rằng BritCham ủng hộ cam kết của EU đưa các nước đang phát triển như Campuchia hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Ông Sworn cũng cho rằng việc EU chấm dứt ưu đãi thương mại với Campuchia sẽ tác động tiêu cực đến tiến bộ kinh tế mà quốc gia Đông Nam Á này đạt được.

"Việc đình chỉ EBA sẽ gây tổn hại đến những đối tượng mà hiệp định này muốn đem lại lợi ích cho họ. Việc này cũng đe dọa công ăn việc làm trong ngành dệt may..." - ông Sworn viết.

Ngoài ra, ông Sworn nhấn mạnh rằng thông báo hôm 5/10 của bà Malmstrom về việc Ủy ban châu Âu đã bắt đầu quá trình ngừng áp dụng EBA với Campuchia đã gây ra sự hoang mang và tình trạng bất ổn đối với triển vọng phát triển kinh doanh hiện tại và tương lai cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin và quyết định đầu tư của giới đầu tư vào Vương quốc này.

Tiếp theo kiến nghị của Phòng Thương mại châu Âu và Phòng Thương mại Mỹ, ông Sworn nói rằng việc ngừng áp dụng EBA với Campuchia cũng khiến cho mối quan hệ giữa Phnom Penh và EU bị hủy hoại trong thời gian dài, đồng thời làm ảnh hưởng đến lợi ích thương mại và lợi thế cạnh tranh của EU tại Campuchia.

Quyết định trên chỉ giúp đẩy Campuchia vào vòng tay của Trung Quốc.

"Lịch sử cho thấy những kiểu trừng phạt kinh tế như thế này không đạt được sự thay đổi chính trị (ở Campuchia) như EU mong muốn," ông nhấn mạnh.

[Ngành dệt may Campuchia kêu gọi EU 'nương tay' trong thương mại]

Ngay sau bức thư của Chủ tịch BritCham, ngày 20/10, Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Campuchia (GMAC) cũng gửi kiến nghị tới Cao ủy EU phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom và các cơ quan khác của EU.

Nội dung thư kiến nghị của GMAC nhấn mạnh rằng bất kỳ sự đình chỉ tạm thời nào về EBA hoặc bất kỳ biện pháp trừng phạt đơn phương nào trong ngắn hạn đều có thể gây ra tác động tiêu cực lâu dài đối với đời sống của giới công nhân và gia đình họ.

"Mọi tiến bộ mà Campuchia đạt được trong vòng 20 năm qua thông qua nỗ lực của mọi thành phần, trong đó có các đối tác phát triển như EU, có thể tiêu tan nhanh chóng", Tổng thư ký GMAC Ken Loo viết trong thư.

Vị tổng thư ký này lưu ý rằng 85% trên tổng số 700.000 lao động ngành dệt may, da giày Campuchia là phụ nữ đến từ các vùng nông thôn.

Quyết định ngừng áp dụng EBA đối với Campuchia được EU đưa ra sau khi khối này kêu gọi Campuchia thay đổi tình hình chính trị của nước này. EU cũng lên tiếng đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp cụ thể sau khi đảng Cứu nguy Dân tộc đối lập Campuchia (CNRP) bị Tòa án Tối cao nước này giải thể hồi tháng 11/2017 và thủ lĩnh của đảng này là Kem Sokha chịu sự quản thúc tại gia.

Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen - người tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 hồi tháng 7/2018 - đã không "ngó ngàng" gì đến tuyên bố của EU, đồng thời tuyên bố Campuchia sẽ bảo vệ chủ quyền của mình.

Phát biểu trước 100 Khmer kiều sinh sống tại EU hôm 20/10 khi đang tham dự hội nghị Á-Âu tại Brussels, ông Hun Sen tuyên bố việc ngừng EBA đối với Campuchia sẽ không ảnh hưởng gì đến nước này.

“Điều tôi muốn nói với đồng bào là: Các bạn đã mất việc làm hay thu nhập chưa? Chẳng có gì bị mất cả, song người ta đưa ra vấn đề này nhằm gây chiến tranh tâm lý” - ông Hun Sen nhấn mạnh.

Hiện nay, EU là thị trường xuất khẩu chính chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu của Campuchia. Số lượng hàng xuất khẩu đến EU đã tăng mạnh trong những năm gần đây, lên tới 227% trong giai đoạn 2011-2016 đạt mức 5 tỷ euro năm 2017.

Ngành dệt may Campuchia xuất khẩu 46% hàng dệt may sang thị trường EU, tiếp theo là thị trường Mỹ (24%), thị trường Nhật Bản (16%) và thị trường Canada (9%).

Việc EU chấm dứt EBA sẽ khiến Campuchia mất một khoản chi phí thuế trị giá 676 triệu USD dựa trên doanh thu xuất khẩu năm 2017. EBA đã góp phần tạo ra việc làm cho 700.000 công nhân của quốc gia này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục