Những rào cản chắn đường Mỹ phi hạt nhân hóa Triều Tiên

Vấn đề hạt nhân Triều Tiên không còn xuất hiện nhiều trong những ngày gần đây bởi mọi sự chú ý đều tập trung vào tranh chấp Mỹ-Mexico về vấn đề nhập cư bất hợp pháp và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Những rào cản chắn đường Mỹ phi hạt nhân hóa Triều Tiên ảnh 1Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) thăm huyện Samjiyon, tỉnh Ryanggang ngày 4/4/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng foxnews.com đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11/6 cho biết ông đã nhận được một “lá thư tốt đẹp” nữa từ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Mặc dù ông Trump không tiết lộ nội dung chi tiết của lá thư song có vẻ nhiều khả năng hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ ba đang sắp diễn ra trong bối cảnh Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép bằng chiến dịch gây áp lực tối đa đối với Triều Tiên để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Có thể trước mắt Mỹ sẽ không phải đối mặt thêm với bất kỳ thách thức an ninh quốc gia phức tạp nào.

Triều Tiên không còn xuất hiện nhiều trong những ngày gần đây bởi mọi sự chú ý đều tập trung vào tranh chấp Mỹ-Mexico về vấn đề nhập cư bất hợp pháp và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

[Truyền thông Triều Tiên: Mỹ khiến hội nghị lần 2 không đạt kết quả]

Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn là mối quan tâm sâu sắc đối với Mỹ bởi kho vũ khí hạt nhân và tên lửa của họ có thể sản xuất ra những loại vũ khí đó.

Một vài tuần vừa qua đầy rẫy những tin đồn sai lệch về Triều Tiên, một quốc gia tách biệt với phần còn lại của thế giới.

Cụm từ cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill từng sử dụng để mô tả sự khó khăn trong việc dự đoán những gì Liên Xô sẽ làm - “một câu đố được gói trong một bí ẩn bên trong một bí ẩn” - hiện được áp dụng cho chính Triều Tiên.

Truyền thông Hàn Quốc gần đây đưa tin không chính xác rằng ông Kim Jong-un đã hành quyết đặc phái viên của mình trong các cuộc đàm phán hạt nhân Kim Hyok Chol, cũng như 4 quan chức Bộ Ngoại giao bị buộc tội hoạt động gián điệp cho Mỹ.

Truyền thông Hàn Quốc cũng đưa tin không chính xác rằng ông Kim Yong Choi - “cánh tay phải” đắc lực của ông Kim Jong-un và là cựu giám đốc cơ quan tình báo Triều Tiên - đã được gửi đến một trại cải tạo gần biên giới Trung Quốc.

Thông tin này nghe có vẻ rất hợp lý cho đến khi cuối cùng nó được chứng minh là sai.

Mỹ phải nghi ngờ và xác minh mọi thông tin từ ông Kim Jong-un và các quan chức Triều Tiên trước khi đưa ra bất kỳ kết luận vội vàng nào - đặc biệt là những kết luận sẽ tác động đến chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ.

Vì lý do này, chính quyền Trump đã không bình luận về những câu chuyện sai lệch gần đây xung quanh việc ông Kim Jong-un loại bỏ các quan chức cấp cao của mình.

Từng có chính sách ngoại giao thất bại trong quá khứ, Tổng thống Trump đã thực hiện một cách tiếp cận trực tiếp để thuyết phục ông Kim Jong-un rằng việc loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên sẽ là cách tốt nhất cho tương lai của Triều Tiên.

Ông Trump công khai nhấn mạnh thương mại và hỗ trợ nước ngoài có thể thúc đẩy nền kinh tế Triều Tiên như thế nào trong các ngành công nghệ và du lịch tạo ra nhiều việc làm mới.

Tuy nhiên, bất chấp triển vọng rất thực tế về sự phát triển kinh tế trong tầm tay, ông Kim Jong-un vẫn chưa thực hiện bất kỳ bước đi cụ thể nào để loại bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và kho dự trữ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của mình.

Dưới đây là một số phân tích về cách ông Kim Jong-un đang nhìn nhận thế giới:

Đầu tiên, ông nhận thức rõ về cách Liên Xô sụp đổ và các chế độ Cộng sản Đông Âu đã bị lật đổ như thế nào.

Điều này có thể khiến ông tin rằng việc thiết lập quan hệ tốt với Mỹ bằng cách từ bỏ vũ khí hạt nhân có nguy cơ hủy hoại chế độ của ông.

Từng sống ở nước ngoài và trải nghiệm trực tiếp nền dân chủ, ông có thể lo sợ rằng một Triều Tiên thịnh vượng - có mối quan hệ với thế giới bên ngoài và một ngành du lịch phát triển - sẽ tạo ra áp lực trong việc xây dựng một xã hội tự do hơn và các cuộc bầu cử dân chủ.

Thứ hai, ông cũng có thể nhớ đến những bài học lịch sử từ sự sụp đổ của ông Muammar Gaddafi, người đã từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân non trẻ của mình và chương trình vũ khí hóa học cũng như sinh học của Libya.

Khi một cuộc nội chiến nổ ra, ông Gaddafi đã không có cách nào để ngăn cản Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng về phía các đối thủ của ông, cũng chính là những người đã sát hại ông.

Ông Kim Jong-un có thể đánh giá rằng năng lực hạt nhân của ông sẽ là một cách để ngăn không cho Mỹ hoặc thậm chí là Trung Quốc đứng về phía những người Triều Tiên đang âm mưu lật đổ ông.

Chương trình hạt nhân Triều Tiên, bắt đầu từ khi Liên Xô giúp xây dựng cơ sở hạt nhân Yongbyon hồi những năm 1960, đã trở thành một “nút thắt” đối với các chính quyền Mỹ, những người muốn tìm cách phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Những rào cản chắn đường Mỹ phi hạt nhân hóa Triều Tiên ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên ở Singapore ngày 12/6/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mối liên hệ trực tiếp của Tổng thống Trump với ông Kim Jong-un đã cho thấy một cơ hội chưa từng có và đầy quý báu để đánh giá ý định thực sự của lãnh đạo Triều Tiên và giảm bớt căng thẳng trong quan hệ song phương Mỹ-Triều.

Ông Kim Jong-un giờ đây tiếp tục phải đối mặt với một lựa chọn rõ ràng: hoặc là đàm phán một cách nghiêm túc để từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt của mình; hoặc là tiếp tục khiến đất nước Triều Tiên bị "tê liệt" vì các lệnh trừng phạt.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai diễn ra ở Hà Nội, ông Trump đã tránh cái ông gọi là một “thỏa thuận tồi.”

Ông Kim Jong-un nên hiểu rằng ông ấy sẽ phải thực hiện những bước đi thực sự hướng tới việc phi hạt nhân hóa - bắt đầu bằng việc kê khai các loại vũ khí và lịch trình cho việc phá hủy chúng - nếu ông hy vọng đạt được bất kỳ thỏa thuận nào trước khi thời hạn đàm phán mà ông đơn phương áp đặt sắp hết vào cuối năm nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục