Những rủi ro đối với ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản

Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đang trong đà tăng trưởng theo hướng cả lượng và chất, nhưng có thể sẽ phải đối mặt với khó khăn do thay đổi tại các thị trường xuất khẩu.
Những rủi ro đối với ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản ảnh 1Khách tham quan và tìm hiểu các mặt hàng mới nhất từ nguyên liệu đến thành phẩm của các nhà cung cấp tham gia trưng bày giới thiệu tại Hội chợ. (Ảnh: Thế Anh/TTXVN)

Ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đang trong đà tăng trưởng theo hướng cả lượng và chất.

Tuy nhiên, ngành có thể sẽ phải đối mặt với một số khó khăn trong tương lai do những thay đổi tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Bức tranh xuất nhập khẩu ngành gỗ năm 2017: Thực trạng và xu hướng hội nhập bền vững” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Hội Gỗ mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) tổ chức ngày 27/3.

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 8 tỷ USD; trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,7 tỷ USD, tăng 12,6% so với năm 2016.

Sự gia tăng chủ yếu là do mở rộng xuất khẩu từ mặt hàng nội thất, ghế ngồi và gỗ dán; trong khi xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm gỗ nguyên liệu (gỗ tròn, xẻ) giảm. Điều này cho thấy, ngành chế biến xuất khẩu gỗ cũng đang có những dịch chuyển theo hướng tăng cả lượng và chất, là tín hiệu quan trọng phản ánh sự dịch theo hướng phát triển bền vững trong tương lai.

Đây cũng là một thành tích rất ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một số biến động, với xu thế đi ngược lại với toàn cầu hóa, hạn chế hội nhập, bảo hộ sản xuất trong nước tại một số thị trường nhập khẩu chính.

Năm 2017, xuất khẩu gỗ và lâm sản chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt tại bốn thị trường lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Kim ngạch từ bốn thị trường này trong năm chiếm 76% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ tất cả các thị trường. Riêng kim ngạch từ thị trường Mỹ chiếm 40,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Tăng trưởng từ thị trường này năm 2017 đạt 13,6%, góp phần quan trọng nhất trong việc đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu của ngành năm vừa qua.

Tuy nhiên, tại thị trường Mỹ, chính sách thương mại của nước này hiện đi theo hướng giảm thâm hụt thương mại, bảo hộ mậu dịch, khuyến khích sản xuất trong nước. Chính sách này đã có tác động trực tiếp đến Trung Quốc.

[Việt Nam tham gia Hội chợ Triển lãm quốc tế đồ nội thất tại Singapore]

Theo ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends, với các mặt hàng đồ gỗ, thặng dư thương mại của Việt Nam từ Hoa Kỳ đạt trên 2 tỷ USD. Mức thặng dư này, cộng với luồng đầu tư từ Trung Quốc vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam sẽ có thể tạo ra những mối quan tâm đặc biệt từ các cơ quan quản lý Mỹ.

Điều này đòi hỏi ngành gỗ và các cơ quan quản lý của Việt Nam cần có những bước chuẩn bị thích hợp, nhằm giảm thiểu những thay đổi trong xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Bên cạnh đó, một vấn đề cần quan tâm của thị trường này là Chính phủ liên bang đang ngày càng thắt chặt thực thi đạo luật Lacey và hiệu lực của quy định về phát thải formaldehyde.

Với thị trường Trung Quốc, đây là thị trường rất mở đối với các mặt hàng gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này chủ yếu là các sản phẩm thô như dăm gỗ, các loại gỗ tròn/đẽo vuông thô và gỗ xẻ.

Trung Quốc đang cân nhắc áp dụng chính sách từng bước (step-wise) trong việc kiểm soát tính hợp pháp của nguồn gỗ sử dụng tại Quốc gia này. Hiện Chính phủ đã áp dụng quy định chỉ có gỗ hợp pháp được sử dụng trong các cơ quan công quyền.

Tại Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Đạo luật Gỗ sạch (Clean Wood Act). Đạo luật này có hiệu lực vào tháng 5/2017. Hay Chính phủ Hàn Quốc ban hành Đạo luật Sử dụng gỗ bền vững (Act on the Sustainable Use of Wood) và chính thức có hiệu lực vào tháng Ba này.

Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, thực thi các đạo luật này có thể đồng nghĩa với việc áp dụng các biện pháp nhằm thắt chặt kiểm soát nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào thị trường này. Điều này sẽ tác động đến các hoạt động xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào các thị trường này trong thời gian tới.

Hiện Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến gỗ của châu Á. Do nguồn cung nguyên liệu trong nước không đủ cho chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, hàng năm Việt Nam phải nhập một lượng gỗ nguyên liệu rất lớn từ nước ngoài.

Năm 2017, các doanh nghiệp nhập khẩu 2,1 tỷ USD các mặt hàng thuộc nhóm gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 18,8% so năm 2016, với các thị trường chính là Mỹ, EU, Trung Quốc, châu Phi…

Theo ông Tô Xuân Phúc, Việt Nam sẽ thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện về chương trình hành động Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại (VPA/FLEGT) trong tương lai.

Các cơ quan chức năng và các hiệp hội cần cung cấp các thông tin cơ bản về cơ chế chính sách về khai thác, chế biến, thương mại, đặc điểm các loài gỗ được phép và không được phép khai thác, sử dụng và thương mại hóa tại quốc gia nhập khẩu.

Các thông tin này cần được cập nhập phổ biến cho các cơ quan quản lý, kiểm soát nhập khẩu cũng như những công ty nhập khẩu và các hộ tại các làng nghề, nơi nguồn gỗ được sử dụng.

Theo ông Võ Đình Tuyên, Vụ Kinh tế ngành-Văn phòng Chính phủ, Hiệp định CPTPP sẽ tạo cơ hội lớn với ngành chế biến xuất khẩu lâm sản Việt Nam.

Nếu việc triển khai Hiệp định VPA/FLEGT chậm sẽ không tận dụng được cơ hội này. Do đó, các bộ phải nhanh chóng phổ biến hiệp định này đến doanh nghiệp với các tiêu chí rõ ràng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục