Những thách thức chính sách đang chờ tân Chủ tịch Fed

Thách thức đặt ra với Chủ tịch Fed sẽ là làm thế nào để duy trì vai trò định hướng kỳ vọng của các nhà đầu tư

Ngày 6/1, với 56 phiếu thuận và 26 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn đề xuất bổ nhiệm bà Janet Yellen làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để thay cho ông Ben Bernanke, người sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 31/1 tới.

Sau khi tiếp nhận cương vị mới vào ngày 1/2, chắc chắn bà Yellen, người đang giữ chức Phó Chủ tịch Fed, sẽ không có nhiều thời gian nghỉ ngơi bởi vì, hàng loạt các thách thức chính sách đang chờ đợi người phụ nữ này ở phía trước.

Người phụ nữ làm nên lịch sử

Với kết quả bỏ phiếu của Thượng viện, bà Yellen đã trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử 100 năm tồn tại của Fed nắm giữ vị trí người đứng đầu của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới này.

Bà Yellen, năm nay 67 tuổi, là một nhà kinh tế học có uy tín ở Mỹ. Với tấm bằng tiến sỹ của Đại học Yale, bà đã tham gia công tác giảng dạy tại các trường đại học có uy tín ở Mỹ như Đại học California, Đại học Berkeley và Đại học Harvard. Bà đã công bố các nghiên cứu về nhiều chủ đề như chính sách tiền tệ tối ưu, sự cứng nhắc của chi phí nhân công và giá, và thương mại.

Theo hãng tin Reuters, vị chuyên gia kinh tế này là một người có kinh nghiệm trong việc hoạch định chính sách tiền tệ. Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Fed vào năm 2010, bà Yellen đã từng giữ vai trò thành viên Hội đồng Thống đốc Fed giai đoạn 1994-1997 và Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FRB) San Francisco giai đoạn 2004-2010.

Bên cạnh đó, người phụ nữ này cũng từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Tham vấn Kinh tế (CEA) của Tổng thống Bill Clinton trong giai đoạn 1997-1999.

Bà Yellen được coi là người có quan điểm ôn hòa bởi vì, bà luôn theo đuổi cách tiếp cận chính sách “kiểm soát tối ưu.” Vị chuyên gia kinh tế này ủng hộ các biện pháp chính sách làm giảm tỷ lệ thất nghiệp cho dù các chính sách đó có thể đẩy tỷ lệ lạm phát tăng. Hồi năm 1995, bà đã từng tuyên bố “khi các mục tiêu mâu thuẫn với nhau và tình hình đòi hỏi phải có những thỏa hiệp kiên quyết, đối với tôi, một cách giải quyết khôn ngoan và nhân văn đôi khi là để lạm phát tăng cho dù tỷ lệ lạm phát khi đó đã vượt quá con số mục tiêu.”

Hiện tại, dư địa để bà Yellen thực hiện các chính sách nhằm giảm tỷ lệ thất nghiệp là rất lớn bởi vì, kể từ giữa năm 2011 đến nay, lạm phát ở Mỹ lại có xu hướng giảm bất chấp việc Fed bơm một khối lượng lớn tiền mặt vào nền kinh tế thông qua chương trình nới lỏng định lượng. Trong tháng 10/2013, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng CPI thấp nhất kể từ tháng 10/2009. Tháng 11, con số này đã tăng lên 1,2% nhưng vẫn thấp hơn so với con số mục tiêu của Fed (2%).

Và bài toán hóc búa về QE

Kể từ năm 2008, Fed đã thực thi một chính sách tiền tệ siêu lỏng để vực dậy nền kinh tế Mỹ khi giảm lãi suất quỹ vốn liên bang (lãi suất cơ bản) xuống còn gần 0% và bơm tiền vào hệ thống tài chính Mỹ thông qua việc mua lại trái phiếu chính phủ. Sau ba gói nới lỏng định lượng (QE), quy mô bảng cân đối của Fed đã tăng lên mức cao kỷ lục gần 4.000 tỷ USD, cao gấp 4 lần so với quy mô thông thường.

Nhờ vậy, kể từ đầu năm 2013 đến nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang phục hồi một cách mạnh mẽ. Tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ trong các quý 1 và 2/2013 lần lượt là 1,8% và 2,5%. Trong quý 3, bất chấp cuộc chiến ngân sách giữa Nhà Trắng và Quốc hội khiến các công sở liên bang ở Mỹ phải tạm thời đóng cửa trong nhiều ngày, nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 2,8%, cao nhất trong vòng một năm qua.

Mặc dù vậy, có một số ý kiến tỏ ra quan ngại rằng số tiền mà Fed dùng để mua một khối lượng lớn trái phiếu chính phủ và các chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản nhằm khuyến khích đầu tư, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng có thể sẽ châm ngòi cho lạm phát trong các năm tới và gây ra hiện tượng bong bóng trên thị trường bất động sản cũng như tiềm tàng những đổ vỡ khó thể phát hiện.

Trong bối cảnh đó, hôm 18/12/2013, Fed đã quyết định kể từ tháng 1/2014, quy mô của chương trình nới lỏng định lượng sẽ giảm từ 85 tỷ USD/tháng xuống còn 75 tỷ USD. Với mức cắt giảm chỉ là 10 tỷ USD/tháng, nhiều người coi đây là một động thái khá thận trọng của Fed.

Tuy nhiên, để ngăn chặn những tác động tiêu cực tiềm tàng của chương trình này đối với nền kinh tế Mỹ, các chuyên gia phân tích cho rằng Fed cần phải tiếp tục thu hẹp quy mô các gói QE. Và một vấn đề đặt ra đối với bà Yellen là làm thế nào để nhanh chóng thu hẹp quy mô các gói QE mà không tác động mạnh tới các thị trường tài chính toàn cầu và ảnh hưởng tiêu cực tới đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Cùng với việc thu hẹp quy mô các gói QE, một câu hỏi hóc búa khác đối với bà Yellen là liệu có nên tiếp tục giữ trái phiếu mà Fed đã mua theo chương trình nới lỏng định lượng cho đến khi đáo hạn hay bán chúng ngay lập tức để đưa bảng cân đối của Fed trở lại trạng thái bình thường. Nếu Fed bán số trái phiếu này, điều đó cũng đồng nghĩa với việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tạo ra áp lực không nhỏ lên thị trường.

Mặt khác, trong phiên họp hôm 18/12, Fed đã quyết định duy trì lãi suất cơ bản - một công cụ chính sách quan trọng để điều hành chính sách tiền tệ của Fed - ở mức siêu thấp hiện nay. Fed khẳng định cơ quan này sẽ tiếp tục duy trì lãi suất này cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ giảm còn 6,5%, nhất là nếu kỳ vọng lạm phát vẫn ở dưới con số mục tiêu. Trong tháng 11/2013, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đứng ở mức 7,3%, trong khi tỷ lệ lạm phát chỉ là 1,2%.

Tuy nhiên, các thị trường tài chính đã có lần đặt câu hỏi về “chữ tín” trong các cam kết chính sách của Fed. Nếu các nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất cơ bản sẽ tăng sớm hơn so với dự định của Fed, lãi suất vay vốn có thể bắt đầu tăng và cản trở đà phục hồi của nền kinh tế.

Vì vậy, một thách thức đặt ra với bà Yellen sẽ là làm thế nào để duy trì vai trò định hướng kỳ vọng của các nhà đầu tư./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục