Những thách thức đối với chủ nghĩa đa phương của Tổng thống Joe Biden

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang nhấn mạnh các giá trị dân chủ và tái can dự với các đồng minh, đối tác dân chủ để cạnh tranh với Trung Quốc.
Những thách thức đối với chủ nghĩa đa phương của Tổng thống Joe Biden ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo bài bình luận được đăng trên trang mạng của Viện nghiên cứu chính trị quốc tế Italy (ISPI), Tổng thống Joe Biden đang tìm cách khôi phục quyền lãnh đạo toàn cầu và bảo vệ trật tự quốc tế tự do mà Mỹ lãnh đạo.

Chính quyền của ông đang nhấn mạnh các giá trị dân chủ và tái can dự với các đồng minh, đối tác dân chủ để cạnh tranh với Trung Quốc.

Việc đề xuất triệu tập "Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ" là minh chứng cho chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ. Chính sách đối ngoại này của chính quyền ông Biden đã bắt nguồn từ cảm giác khủng hoảng về dân chủ ở trong và ngoài nước.

Chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã làm phân cực đất nước về chính trị và kinh tế. Việc những người ủng hộ Tổng thống Trump tấn công vào Điện Capitol hồi đầu năm 2021 đã làm trầm trọng thêm sự chia rẽ này. Do đó, ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Biden là bảo vệ nền dân chủ ở trong nước.

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục đặt ra thách thức đối với trật tự quốc tế tự do hiện có. Sự tự tin ngày càng tăng của Trung Quốc cũng được thể hiện qua những phát biểu được cho là mang tính khiêu khích của nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Tại cuộc hội đàm Mỹ-Trung ở Alaska vào tháng 3/2021, ông Dương Khiết Trì - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc - từng nói: “Chúng tôi tin rằng điều quan trọng đối với Mỹ là phải thay đổi hình ảnh và ngừng thúc đẩy nền dân chủ của mình ở phần còn lại của thế giới.”

[Chặng đường khó khăn phía trước của Tổng thống Mỹ Joe Biden]

Trong bối cảnh đó, chính quyền Tổng thống Biden đã thực hiện một cách tiếp cận đa phương. Tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Đối thoại An ninh tứ giác, còn được gọi là Quad, là diễn đàn chính giữa 4 nền dân chủ là Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.

Hội nghị Quad đầu tiên được tổ chức tại New York dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump vào tháng 9/2019. Tổng thống Biden tiếp tục tán thành khuôn khổ này và tham gia hội nghị thượng đỉnh Quad trực tuyến đầu tiên với các nhà lãnh đạo khác vào tháng 3/2021.

Tại châu Âu, Tổng thống Biden trấn an Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về cam kết của Mỹ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông tới Brussels trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Tổng thống Biden đã viết một bài báo về chuyến đi châu Âu cho tờ Washington Post vào ngày 5/6, mô tả chuyến đi này là “sự thể hiện năng lực của các nền dân chủ để có thể vừa đối mặt với những thách thức, vừa ngăn chặn được các mối đe dọa của thời đại mới này.”

Ông cũng tuyên bố rằng Mỹ và châu Âu “sẽ tập trung vào việc đảm bảo rằng các nền dân chủ thị trường, chứ không phải Trung Quốc hay bất kỳ ai khác, viết ra các quy tắc của thế kỷ XXI xung quanh thương mại và công nghệ.” Do đó, những nỗ lực có phối hợp giữa Mỹ và các nền dân chủ lớn sẽ là rất quan trọng đối với việc duy trì trật tự quốc tế tự do.

Tuy nhiên, sự nhấn mạnh dân chủ của chính quyền Tổng thống Biden không thể loại trừ các lựa chọn hợp tác với các nền phi dân chủ và các quốc gia nơi các nguyên tắc dân chủ đã bị xói mòn.

Ví dụ, một số quốc gia ở Đông Nam Á đang tham gia và được lợi từ sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc, nhưng đồng thời họ cũng là một phần của sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) do Nhật Bản và Mỹ thúc đẩy. Nếu chính quyền ông Biden nhấn mạnh quá mức đến các giá trị dân chủ, việc này có thể khiến các đối tác thiết yếu như Indonesia và Philippines xa lánh.

Do đó, Mỹ và các nước dân chủ lớn phải dành chỗ cho hợp tác dựa trên vấn đề với các nước phi dân chủ, bởi các vấn đề toàn cầu như đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu đòi hỏi sự hợp tác với các nước trên thế giới.

Do đó, chính quyền Tổng thống Biden và các nền dân chủ lớn khác trong khu vực có khả năng phải đối mặt với những nhiệm vụ phức tạp. Đầu tiên, ưu tiên hàng đầu là chấm dứt đại dịch COVID-19 càng sớm càng tốt để lấy lại lòng tin vào các thể chế dân chủ so với các chế độ độc tài.

Ở đây, COVID-19 có thể là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi. Quốc gia đầu tiên vượt qua đại dịch dường như sẽ giành được đòn bẩy chính trị so với các quốc gia khác và có thể viết lại các quy tắc trò chơi trong chính trị quốc tế.

Thứ hai, FOIP vẫn là một sáng kiến và không có thể chế hỗ trợ. Tại thời điểm này, Quad là một nơi các nhà lãnh đạo có thể gặp nhau. Cách thức các sáng kiến này được thể chế hóa sẽ quyết định số phận của sự tham gia đa phương của ông Biden ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và xa hơn.

Vì chính quyền Tổng thống Biden đang tìm cách theo đuổi “chính sách đối ngoại dành cho tầng lớp trung lưu” ở Mỹ, nên ông rất khó ưu tiên chương trình nghị sự quốc tế hơn các vấn đề trong nước.

Hơn nữa, việc Mỹ quay trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiện được gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Nhìn chung, việc tìm ra một cách thực tế để củng cố các thể chế dân chủ trong khu vực là một nhiệm vụ cấp bách đối với chính quyền ông Biden.

Cuối cùng, Trung Quốc hiện tự tin hơn trong việc đảm nhận vai trò đứng đầu trong khu vực - và xa hơn nữa - với kinh nghiệm ngăn chặn đại dịch COVID-19 nhanh hơn các nước khác.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều khả năng sẽ ưu tiên chính trị trong nước hơn là hợp tác quốc tế trong năm nay. Mỹ, các đồng minh và đối tác dân chủ có lẽ cần đạt được sự cân bằng tinh tế giữa việc củng cố trật tự quốc tế tự do hiện tại và thu hút sự hợp tác từ Trung Quốc mà không gây áp lực quá mức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục