Những thách thức lớn đang chờ liên minh cầm quyền mới ở Đức

Nghị sỹ SPD Mützenich thường xuyên trích dẫn câu nói nổi tiếng của cố Bộ trưởng Hợp tác kinh tế Đức Egon Karl-Heinz Bahr (SPD) rằng đối với Đức, “Mỹ là không thể thiếu, nhưng Nga là bất di bất dịch.”
Đồng lãnh đạo đảng Xanh Robert Habeck và Annalena Baerbock, Phó Thủ tướng đồng thời là ứng viên Thủ tướng của SPD Olaf Scholz và lãnh đạo FDP Christian Lindner trong buổi họp báo sau cuộc đàm phán thăm dò về việc thành lập Chính phủ liên minh, tại Berlin,
Đồng lãnh đạo đảng Xanh Robert Habeck và Annalena Baerbock, Phó Thủ tướng đồng thời là ứng viên Thủ tướng của SPD Olaf Scholz và lãnh đạo FDP Christian Lindner trong buổi họp báo sau cuộc đàm phán thăm dò về việc thành lập Chính phủ liên minh, tại Berlin,

Sau cuộc bầu cử Quốc hội Đức hôm 26/9, quá trình đàm phán thành lập chính phủ mới giữa Đảng Dân chủ xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ tự do (FDP) đang được gấp rút tiến hành với sự đồng thuận của cả 3 đảng.

Mặc dù vậy, các đảng đang đối mặt với những tranh cãi đầu tiên về chính sách của chính phủ mới đối với các vấn đề đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), các mối đe dọa từ Nga và phản ứng chính trị đối với “trò chơi quyền lực” của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Báo Die Welt của Đức vừa có bài bình luận về vấn đề này, nội dung chính như sau:
Lâu nay mọi người đều biết Đảng Xanh luôn cho rằng thỏa thuận giữa Đức và Nga về dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là một thỏa thuận tồi. Tháng 7 vừa qua, hai nghị sỹ thuộc Đảng Xanh trong Quốc hội liên bang Đức, Oliver Krischer và Manuel Sarrazin, đã chỉ trích thỏa thuận này là một “bước lùi lớn đối với việc bảo vệ khí hậu” và “mang lại lợi ích riêng cho Putin cùng cơ cấu tham nhũng của ông.” Theo hai nghị sỹ này, Đức đang gửi “một tín hiệu sai lầm” tới Moskva.

Đó là trong chiến dịch tranh cử. Còn hiện tại, ngay trước khi diễn ra quá trình đàm phán thành lập chính phủ liên minh “đèn giao thông,” Chủ tịch Đảng Xanh Annalena Baerbock đã khẳng định quan điểm của đảng mình đối với dự án gây nhiều tranh cãi này. Bà cáo buộc Tổng thống Nga Putin đang chơi trò đánh bài xì phé đối với giá năng lượng.

Phát biểu trước báo giới, bà từ chối việc đưa dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vào hoạt động. Bà nói rằng theo luật năng lượng của châu Âu, bên điều hành đường ống phải tách biệt với bên cung cấp khí đốt.

FDP cho rằng quan điểm của Baerbock cũng phù hợp với kết luận của cuộc đàm phán thăm dò mà ba đảng đã nhất trí. Theo kết luận này, ba đảng khẳng định “muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng cho Đức và châu Âu. Luật năng lượng châu Âu cũng được áp dụng đối với các dự án chính sách năng lượng ở Đức.”

Trên thực tế, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 chưa đáp ứng đủ các yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU). Trong khi đó, luật năng lượng của châu Âu quy định áp dụng cho các đường ống dẫn khí giữa EU và các nước thứ ba, trong đó yêu cầu phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn châu Âu và phân biệt rõ ràng hoạt động kinh doanh khí đốt và hoạt động quản lý đường ống dẫn khí.

Nhưng điều đó không có ảnh hưởng gì lớn. Nếu Đảng Xanh vẫn kiên quyết yêu cầu điều này trong các cuộc đàm phán liên minh từ ngày 21/10, vấn đề này có thể sẽ bị tạm hoãn. FDP cho rằng do giá năng lượng tăng cao vào mùa Đông sắp tới nên không thể không đàm phán về dự án này. Điều đó nghĩa là liên minh “đèn giao thông” đang đứng trước cuộc thử nghiệm “sức bền” lớn đầu tiên trước khi một chính phủ mới được thành lập.

[Đức: FDP nhất trí thành lập liên minh cầm quyền với SPD và đảng Xanh]

Từ lâu, SPD luôn đứng về phía Thủ tướng mãn nhiệm Angela Merkel trong việc thúc đẩy dự án và chống lại mọi sự phản đối ở Đức và châu Âu. Cựu Thủ tướng Gerhard Schröder thuộc SPD tích cực vận động cho dự án này; Thủ hiến mới được bầu lại của bang Mecklenburg-Vorpommerns, Manuela Schwesig (SPD), thậm chí còn tạo mọi điều kiện để Dòng chảy phương Bắc 2 tránh được các lệnh trừng phạt.

Trong chiến dịch tranh cử, Chủ tịch đoàn nghị sỹ SPD trong Quốc hội Đức Rolf Mützenich đã than phiền rằng cuộc tranh luận về dự án này “ngày càng căng thẳng hơn về mặt ý thức hệ.”

Những thách thức lớn đang chờ liên minh cầm quyền mới ở Đức ảnh 1Chủ tịch đoàn nghị sỹ SPD trong Quốc hội Đức Rolf Mützenich. (Nguồn: AFP)

Theo ông, Đảng Xanh luôn cho rằng ngay sau khi từ bỏ dự án Dòng chảy phương Bắc 2, Đức sẽ có một chính sách năng lượng rõ ràng với nguồn cung được đảm bảo. Nhưng trong thực tế, điều đó là không thể với các quốc gia cung cấp nguyên liệu thô khác.

Cấp phó của ông Mützenich, nghị sỹ Sören Bartol, thậm chí còn chỉ trích mạnh mẽ hơn. Ông nói rằng những lời phàn nàn của bà Baerbock đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là hoàn toàn không thực tế. Theo ông, với chủ nghĩa ảo tưởng của Đảng Xanh, bà Baerbock đang coi người dân là “những kẻ ngốc.”

Nhưng những lời lẽ như vậy đều là một phần của chiến dịch tranh cử. Còn giờ đây, SPD phải đối mặt với vấn đề là những quan ngại của Đảng Xanh có cơ sở thực tế - Điện Kremlin đang “chơi khó.”

Tuần trước, Putin tuyên bố Nga có thể cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu. Đồng thời, Tổng thống Nga cũng phàn nàn về sự chậm trễ trong việc phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Đây được xem như một hành vi “tống tiền”, hoặc ít nhất là một chiêu trò của nhà lãnh đạo Nga.

Điều này đáng ngại cho liên minh “đèn giao thông”. Rất có thể trong bài phát biểu đầu năm mới đầu tiên, Thủ tướng Olaf Scholz sẽ phải giải thích tại sao lò sưởi của nhiều gia đình Đức không ấm trong mùa Đông, hoặc tại sao chi phí năng lượng tiếp tục bùng nổ.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 chỉ là một vấn đề cụ thể trong chính sách của chính phủ “đèn giao thông” mới ở Đức đối phó với trò chơi quyền lực của Nga. Quan điểm của các bên rất khác nhau, điều này thậm chí còn được ghi lại trong kết luận của ba đảng sau các cuộc đàm phán thăm dò: “Với các góc nhìn khác nhau, chúng tôi muốn xây dựng quan điểm chung về vai trò của nước Đức trên thế giới.”

Nghị sỹ SPD Mützenich thường xuyên trích dẫn câu nói nổi tiếng của cố Bộ trưởng Hợp tác kinh tế Đức Egon Karl-Heinz Bahr (SPD) rằng đối với Đức, “Mỹ là không thể thiếu, nhưng Nga là bất di bất dịch.”

Và mặc dù Nga vừa tuyên bố đình chỉ hoạt động của phái bộ nước này tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ ngày 1/11 tới, lãnh đạo đoàn nghị sỹ SPD vẫn cho rằng “các kênh liên lạc” với Nga cần được duy trì.

Đảng Xanh thì ngược lại, từ lâu đảng này luôn kêu gọi cách tiếp cận cứng rắn hơn với chế độ Putin. Tháng 5 vừa qua, lãnh đạo đảng này Robert Habeck thậm chí kêu gọi chuyển giao vũ khí cho Ukraine để nước này có thể tự vệ trước các cuộc tấn công của Nga.

Hồi tháng 6, thủ lĩnh phe đối lập Belarus Svetlana Tichanovskaya đã có bài phát biểu tại một hội nghị của Đảng Xanh với những lời lẽ gay gắt: “Chúng ta không thể cho phép những kẻ độc tài viết tiếp lịch sử.”

Lời lẽ đanh thép của bà Tichanovskaya là nhằm vào nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko, nhưng đồng thời cũng nhằm vào người đàn ông quyền lực đứng sau Lukashenko tại Điện Kremlin.

FDP cho rằng SPD và Đảng Xanh có quan điểm “rất xa nhau” về những vấn đề này. Những người theo chủ nghĩa tự do có quan điểm gần gũi hơn với Đảng Xanh. Chính trị gia đối ngoại của Đảng Xanh Cem Özdemir chủ trương thực hiện đường lối thực dụng hơn và phải nhanh chóng gỡ bỏ mọi rào cản đối với năng lượng tái tạo.

Theo ông, việc mở rộng năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió không chỉ tốt cho khí hậu mà còn giúp nước Đức độc lập hơn với các quốc gia độc tài trong chính sách năng lượng./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục