Những thành tích nổi bật của Singapore thời Thủ tướng Lý Hiển Long

Thập kỷ đầu tiên lãnh đạo đất nước của Thủ tướng Lý Hiển Long là thập kỷ “thách thức” trong lĩnh vực chính trị và là thập kỷ của “nhiều cú sốc” trong phát triển kinh tế.
Những thành tích nổi bật của Singapore thời Thủ tướng Lý Hiển Long ảnh 1Lễ diễu hành và biểu diễn văn nghệ mừng Quốc khánh lần thứ 49 của Singapore. (Ảnh: Kim Yến/Vietnam+)

Trên báo The Straits Times ngày 12/8, nhiều nhà phân tích chính trị và nhà báo của Singapore nhận định rằng thập kỷ đầu tiên (kể từ ngày 12/8/ 2004) lãnh đạo đất nước của Thủ tướng Lý Hiển Long là thập kỷ “thách thức” trong lĩnh vực chính trị trong nước và xã hội và là thập kỷ của “nhiều cú sốc” trong phát triển kinh tế.

Điểm nổi bật trong 10 năm đầu tiên của vị Thủ tướng thứ ba của Singapore là những cuộc tranh cãi chính trị lớn từ hai cuộc tổng tuyển cử vào năm 2006 và 2011 và hai cuộc tuyển cử bổ sung vào tháng 5/2012 tại khu vực Hougang và tháng 1/2013 tại khu vực Punggol East.

Năm 2006, chỉ có hai nghị sỹ thuộc đảng đối lập thắng cử và số này đã tăng lên 6 tại cuộc tổng tuyển cử năm 2011. Cuộc bầu cử tổng thống năm 2005 chỉ có một ứng viên duy nhất là đương kim Tổng thống S R Nathan nhưng tại cuộc bầu cử năm 2011 có tới 4 ứng cử viên và Tiến sỹ Tony Tan Keng Yam thắng cử với số phiếu chỉ hơn đối thủ thứ hai là cựu nghị sỹ quốc hội Tan Cheng Bock vỏn vẹn 7.382 phiếu, tương đương 0,3%.

Kinh tế của Đảo quốc Sư tử trong 10 năm từ 2004-2013 phát triển mạnh với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân là 6,3%; GDP bình quân đầu người tăng hơn gấp đôi, từ 27.403 USD vào năm 2004 (đứng thứ 31 toàn cầu) lên 55.183 USD vào năm ngoái (đứng thứ 9 toàn cầu) và lạm phát đã giảm ở mức trung bình 2,7%/năm.

Cũng trong khoảng thời gian đó, giá đồng đôla Singapore so với đồng đôla Mỹ tăng 34% và dự trữ ngoại tệ của Singapore tăng từ 98 tỷ USD lên 273 tỷ USD.

Theo các nhà phân tích, một trong những thành tích nổi bật của chính phủ dưới thời Thủ tướng Lý Hiển Long là việc thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng thông qua việc trợ cấp cho nhóm người có thu nhập thấp và thu nhập trung bình trong lĩnh vực hỗ trợ thu nhập, cấp nhà ở và trợ cấp y tế và chăm sóc trẻ em.

Theo Nghiên cứu về thu nhập trong khu vực công của Singapore do Bộ Tài chính Singapore tiến hành, thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động Singapore tăng dần hàng năm, đến năm 2013 lên mức 1.800 SGD (khoảng 1.440 USD)/người thuộc diện thu nhập thấp và 3.480 SGD (tương đương 2.780 USD)/người thuộc diện thu nhập trung bình. Thu nhập bình quân hàng tháng trong năm 2013 của mỗi thành viên trong gia đình có thu nhập thấp đạt 1.011 SGD (800 USD) và trong gia đình có thu nhập trung bình đạt 2.114 SGD (1.700 USD).

Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn nhiều băn khoăn về tình trạng dân số tăng quá nhanh trong một thập kỷ qua khiến việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và nhà ở không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Dân số Singapore tăng 29,58% trong thập kỷ qua, từ 4,17 triệu người vào năm 2004 lên 5,4 triệu vào năm 2013, và hơn 1,2 triệu người tăng thêm chủ yếu là người nước ngoài.

Trong khi đó, để giải quyết 17.500 căn hộ chung cư chưa bán được trong năm 2002, Chính phủ Singapore đã giảm chương trình xây dựng nhà chung cư, từ mức 30.000 căn/năm xuống còn 2.733 trong năm 2006, 5.063 căn trong năm 2007 và 3.154 căn trong năm 2008.

Nhiều nhà phân tích cho rằng đây là thất bại lớn nhất về chính sách của Chính phủ Lý Hiển Long trong thập kỷ qua, khiến nhiều người dân Singapore phải chiến đấu với giá nhà tăng cao cùng với cuộc cạnh tranh gay gắt hơn với người nước ngoài trong tìm kiếm việc làm.

Giới quan sát cho rằng hình ảnh và cách tiếp cận thân thiện của Thủ tướng Lý Hiển Long đã giúp ông giành được sự ủng hộ lớn của công chúng và đây được xem là tài sản chính trị lớn nhất của Đảng Nhân dân Hành động (PAP) cầm quyền của Singapore. Tuy nhiên, sự ủng hộ của công chúng đối với đảng PAP đang giảm, từ 66,6% vào năm 2006 xuống còn 60,1% vào năm 2011./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục