Những tín hiệu kinh tế tích cực từ Eurozone trong 2014

Eurozone có thêm lực phục hồi trong năm 2014, sau khi Eurostat cho hay doanh số bán lẻ tăng ở mức hàng tháng cao nhất trong 12 năm trở lại đây.
Những tín hiệu kinh tế tích cực từ Eurozone trong 2014 ảnh 1Các khu mua sắm ở Ireland sầm uất trở lại, dấu hiệu cho thấy kinh tế EU đã phục hồi (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) có thêm lực phục hồi trong năm 2014, sau khi Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) ngày 8/1 cho hay doanh số bán lẻ tăng ở mức hàng tháng cao nhất trong 12 năm trở lại đây.

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực này trong tháng 11/2013 xấp xỉ mức cao kỷ lục là 12,1% trong tháng thứ tám liên tiếp, song giới phân tích cho rằng các số liệu kinh tế gần đây là những dấu hiệu cho thấy giai đoạn khó khăn ở khu vực này đã "trôi" dần qua.

Theo Eurostat, doanh số bán lẻ trong tháng 11/2013 tăng 1,4%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2001 và cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng khiêm tốn khoảng 0,3% của giới phân tích.

Số liệu tích cực này phần nhiều nhờ vào doanh số bán lẻ tại Pháp tăng 2,1%, trong bối cảnh người tiêu dùng nước này tăng cường mua sắm trước khi chính phủ tăng thuế tiêu dùng.

Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng các hộ gia đình ngày càng tin rằng giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng nợ đã qua và đà phục hồi bắt đầu "bén rễ." Doanh số bán lẻ của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng khá khả quan với mức tăng lần lượt 1,9% và 3,1%.

Nhà kinh tế James Howat thuộc Capital Economics nhận định triển vọng bắt đầu sáng sủa hơn đối với người tiêu dùng Eurozone.

Mặc dù xuất hiện những dấu hiệu tích cực, song Eurozone vẫn đang đối mặt với những khó khăn chồng chất và hầu hết các nhà kinh tế cho rằng khu vực này vẫn tiến chậm hơn so với kinh tế thế giới.

Hai trong số những thách thức lớn nhất đối với Eurozone là giảm tỷ lệ thất nghiệp và ngăn chặn giảm phát, bởi một khi giá không ngừng rớt, người tiêu dùng sẽ trì hoãn các quyết định mua sắm để chờ đợi giá giảm nữa.

Về vấn đề việc làm, 18 nước thành viên của Eurozone vẫn tồn tại sự chênh lệch lớn. Trong khi các nước thành viên lớn mạnh hơn như Đức và Áo có tỷ lệ thất nghiệp khoảng 5% thì tại những nước ở đầu chiến tuyến của cuộc khủng hoảng nợ như Hy Lạp và Tây Ban Nha, cứ 4 người thì có 1 người thất nghiệp.

Các nhà hoạch định chính sách hy vọng kinh tế phục hồi sẽ giúp đưa tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone đi xuống. Mặc dù đến thời điểm này Eurozone đã ra khỏi suy thoái, nhưng hầu hết các nhà kinh tế dự báo kinh tế sẽ phục hồi nhẹ trong năm 2014.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục