Những tính toán của Pháp nhằm cứu vãn châu Phi khỏi COVID-19

Vốn có nhiều “duyên nợ” với châu Phi, Pháp hiện đang “đứng ngồi không yên” trước nguy cơ lục địa Đen cũng có thể lâm vào tình thế nguy hiểm mà đại dịch COVID-19 mang đến.
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Abidjan, Cote d'Ivoire. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Abidjan, Cote d'Ivoire. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cho đến nay, đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) đã xuất hiện ở 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khi châu Á, châu Âu và Mỹ là nơi đang phải chịu nhiều ảnh hưởng nhất, thì châu Phi hiện vẫn trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, vốn có nhiều “duyên nợ” với châu Phi, Pháp hiện đang “đứng ngồi không yên” trước nguy cơ lục địa Đen cũng có thể lâm vào tình thế nguy hiểm mà đại dịch COVID-19 mang đến.  

Viện trợ để đối phó khủng hoảng

Ngày 8/4, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian thông báo nước này có kế hoạch dành một khoản viện trợ trị giá 1,2 tỷ euro cho châu Phi để đối phó với những thách thức của đại dịch COVID-19 và thách thức về vấn đề lương thực.

Ông Le Drian cũng kêu gọi các nước G7 và G20 cùng chung sức củng cố hệ thống chăm sóc y tế cũng như khả năng ứng phó và nghiên cứu khoa học ở châu Phi.

Thông báo này của ông Le Drian tuy là tin vui đối với châu Phi nhưng cũng gây ra nhiều hoài nghi về khả năng liệu Pháp có cứu được châu lục này khỏi đại dịch với khoản tiền quá ít ỏi trên?

“Hiệu ứng tê tê: cơn bão đến châu Phi”?

Trong một báo cáo của Trung tâm Phân tích, Dự báo và Chiến lược (CAPS) thuộc Bộ Ngoại giao Pháp có nhan đề “Hiệu ứng tê tê: cơn bão đến châu Phi?” châu Phi được dự báo là không thể tránh khỏi “cơn bão” COVID-19 đang hoành hành hiện nay.

Đại dịch COVID-19 có thể gây bất ổn về lâu dài hoặc thậm chí làm sụp đổ các chế độ mong manh ở khu vực Sahel hoặc các chế độ cuối cùng ở Trung Phi.

Trong mọi trường hợp, cuộc khủng hoảng y tế do COVID-19 có thể sẽ phơi bày giới hạn về khả năng của các quốc gia không thể bảo vệ được người dân của chính mình.

Hơn nữa, ở châu Phi, cuộc khủng hoảng y tế còn chịu kích ứng từ những yếu tố của cuộc khủng hoảng xã hội và khủng hoảng của mỗi quốc gia. 

Theo CAPS, mặc dù châu Phi vẫn ít bị ảnh hưởng vì COVID-19, với trên 200 trường hợp tử vong, nhưng đại dịch đang đến rất gần. Cuộc khủng hoảng này sẽ cho thấy các cuộc đấu tranh chính trị nhằm kiểm soát nhà nước trong và sau cuộc khủng hoảng.

CAPS lập luận: "Dự đoán về sự mất tín nhiệm của các tổ chức chính trị cũng có nghĩa là, cùng với đó, các hình thức chính quyền đáng tin cậy khác hướng tới người dân sẽ nhanh chóng xuất hiện nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị bắt nguồn từ cú sốc do COVID-19 gây ra ở châu Phi."

CAPS cho rằng, trong bối cảnh giới tinh hoa chính trị hiện nay bị mất tín nhiệm, cần phải tìm ra những lực lượng đối thoại khác tại châu Phi để có thể đương đầu với cuộc khủng hoảng này cùng với những hậu quả chính trị mà nó gây ra.

CAPS nhấn mạnh: “Nhiều khả năng nguy cơ một nhà lãnh đạo lớn tuổi của châu Phi bị nhiễm bệnh có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, và sẽ buộc Pháp phải tự xác định vị trí của mình một cách rõ ràng và nhanh chóng trong việc kết thúc một hệ thống và một quá trình chuyển tiếp."

[IMF hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho 25 quốc gia nghèo và dễ tổn thương]

Rõ ràng là cú sốc sắp tới ở châu Phi do COVID-19 gây ra có thể là "đòn giáng mạnh vào các bộ máy nhà nước" do tỷ lệ y học hóa ở châu lục này gần như bằng không và các hệ thống y tế quốc gia sẽ không đảm đương nổi. 

Bộ ngoại giao Pháp nhấn mạnh rằng hầu hết các quốc gia châu Phi sẽ "đồng loạt chứng tỏ rằng họ không có khả năng bảo vệ người dân của mình. Cuộc khủng hoảng này có thể là giai đoạn cuối cùng của 'bản án' nhân dân chống lại nhà nước vốn đã thất bại trong việc đối phó với các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và an ninh."

Những tính toán của Pháp nhằm cứu vãn châu Phi khỏi COVID-19 ảnh 1Chuẩn bị lương thực phát miễn phí cho người vô gia cư tại tỉnh Gauteng, Nam Phi. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Theo CAPS, ở Tây Phi, các biện pháp “cách ly xã hội” sẽ làm suy yếu sự cân bằng mong manh của nền kinh tế, vốn là yếu tố sinh tồn cần thiết để duy trì thỏa thuận xã hội.

Còn ở Trung Phi, tâm điểm của tình trạng mất cân bằng xã hội, "cú sốc có thể thổi bùng cuộc khủng hoảng cuối cùng về tình trạng trợ cấp giá dầu ở Cameroon, Gabon và Congo-Brazzaville."

Bộ Ngoại giao Pháp chỉ rõ: “Trong cả hai trường hợp, điều này có thể tạo thành yếu tố kinh tế kích hoạt các tiến trình chuyển đổi chính trị.” Một số nước châu Phi sẽ phải đối mặt với những gì CAPS gọi là "virus chính trị."

Theo CAPS, các thành phố sẽ là tâm điểm của các cuộc khủng hoảng, và rất nhanh chóng, vấn đề đặt ra đối với các khu dân cư là nguồn cung cấp nước, thực phẩm và điện. Chính các tầng lớp trung lưu đang bị hạ cấp sẽ là những người đầu tiên bị suy yếu, bởi vì cuộc sống hàng ngày của họ có nguy cơ bị đe dọa.

Bộ Ngoại giao Pháp cảnh báo, vấn đề phải lựa chọn sẽ không liên quan đến việc ai sẽ được cứu về phương diện y tế, mà là về các nhu cầu cơ bản. Chính quyền địa phương đáng tin cậy nào có thể làm trung gian tổ chức việc phân phát? Những sản phẩm thiết yếu nào dự kiến cần được cung cấp trong giai đoạn thiếu hụt?

Trước tình trạng này, trách nhiệm của các mạng lưới xã hội sẽ rất nặng  nề do tình trạng “cách ly xã hội” sẽ cắt đứt xã hội và các tổ chức nhà nước theo đúng nghĩa đen.

Trong trường hợp nhà nước không có tiếng nói đáng tin cậy, các luận điểm về thuyết âm mưu có thể sẽ phát sinh, đồng thời làm mất kiểm soát dư luận. Thêm vào đó, những tin đồn thất thiệt rất có thể bị khai thác để định hướng cho các hoạt động bạo lực tập thể.

Đi tìm người đối thoại

Đối với Pháp, trong sự hỗn loạn này, vấn đề đặt ra là tìm được những người đối thoại vừa đáng tin cậy vừa hợp pháp để ứng phó với sự sụp đổ có thể xảy ra của các quốc gia.

CAPS nhận định: "Không thể tránh khỏi tình trạng chiếm dụng các nguồn tài sản công (bắt đầu từ khẩu trang) và viện trợ y tế quốc tế trong tương lai (từng được lên án theo thuật ngữ "Covid-business") có thể dễ dàng lấy nốt đi sự tín nhiệm cuối cùng của các nhà lãnh đạo."

Giai đoạn này sẽ hình thành bốn loại đối tượng có khả năng huy động đám đông. Do đó, bộ Ngoại giao Pháp cho rằng, Pháp cần "tạo ra những người đối thoại cho những nỗ lực của Pháp để quản lý khủng hoảng ở châu Phi."

Những người đối thoại này là ai? Đầu tiên là các chức sắc tôn giáo. Thứ hai là những người di cư. Thứ ba là các nghệ sĩ nổi tiếng. Thứ tư có thể là doanh nhân kinh tế và doanh nhân tân tự do.

Bộ Ngoại giao pháp lưu ý: “Đối với loại thứ tư, họ có thể có vai trò nếu họ quyết định cam kết các nguồn lực của mình hoặc đóng vai trò trung gian giữa hệ thống quản trị toàn cầu và châu Phi, nhưng trong mọi trường hợp, họ sẽ nhấn mạnh đến sự phá sản của nhà nước."

Cuối cùng, CAPS cho rằng, do nhà nước không có khả năng bảo vệ dân chúng và do một số người có thể có tham vọng lợi dụng cơ hội, vậy nên chúng ta cần "ủng hộ những lời hứa công khai của các chuyên gia khoa học và chuyên gia y tế châu Phi."

Hiện vẫn còn một cộng đồng khoa học y tế tại châu Phi có thể được huy động và ủng hộ./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục