Những trận đánh ấn tượng của người lính xe tăng năm xưa

Hồi ức về những năm tháng hào hùng, đặc biệt ngày thống nhất đất nước luôn vẹn nguyên trong tâm trí người lính xe tăng Nguyễn Đức Thuận.
Những trận đánh ấn tượng của người lính xe tăng năm xưa ảnh 1Xe tăng quân Giải phóng tiến qua cổng sắt đánh chiếm Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của quân địch. (Nguồn: TTXVN)

Giản dị, chân thành, cởi mở là cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi gặp cựu chiến binh Nguyễn Đức Thuận - người chỉ huy lái xe tăng trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh 30/4/1975.

Hồi ức về những năm tháng hào hùng trong quân ngũ, đặc biệt là giờ phút huy hoàng của quân và dân trong những ngày sôi sục khí thế chiến thắng luôn vẹn nguyên trong tâm trí ông.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Sông Lô, khi vừa học hết lớp 10, Nguyễn Đức Thuận tình nguyện gác bút nghiên lên đường tham gia đánh Mỹ.

Sau ba tháng huấn luyện, ông được cử về tiểu đoàn 2, Trung đoàn xe tăng 202, đóng quân ở núi Đinh (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Năm 1965, đơn vị của ông nhận được lệnh hành quân vào chiến trường miền Nam.

Kể cho chúng tôi nghe về 3 tháng 11 ngày đêm hành quân vượt cả ngàn kilômét đường rừng từ Quảng Bình vào tới núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh, ông nhớ lại, khi đó, đơn vị được lệnh Nam tiến theo đường mòn Hồ Chí Minh.

Lúc đó phía Tây Trường Sơn đã vào cuối mùa khô, trời nắng như đổ lửa, đường bụi mù mịt, xe nối xe chạy rầm rập, chỉ cách nhau 5-6 mét không nhìn thấy nhau, áo xanh của chúng tôi phủ đầy bụi cát, chuyển thành màu vàng nhạt.

Trên đường hành quân vô cùng gian khổ, thiếu thốn lương thực, máy bay địch liên tục thả bom, bắn phá. Gian khổ là thế nhưng chiến sỹ, ai cũng cố gắng vượt qua khó khăn, trên dưới một lòng quyết chiến, quyết thắng.

Trận đánh đầu tiên của ông và đơn vị khi vào đến chiến trường miền Nam là ở Gò Đậu, Lai Khê vào năm 1966. Quân ta giành chiến thắng và lấy được một chiếc xe tăng M41 của địch. Lúc này, ông Thuận được phân công làm trưởng xe, dùng chiếc xe tăng chiếm được của địch để học lái và nghiên cứu.

Ông Thuận chia sẻ hồi đó "quân ta rất ít xe tăng nên chúng tôi quý xe như con. Xe ở đâu thì mình ở đấy, ăn ngủ với xe tăng". Do đặc điểm cấu tạo và cách thức chiến đấu nên xe tăng khi tham trận không bao giờ được đi ở đường lớn mà luôn phải trèo đèo, vượt rừng.

“Tiểu đoàn tăng thiết giáp chúng tôi nhận được lệnh hành quân vượt qua sông Vàm Cỏ và những vùng lầy của Đồng Tháp Mười. Vấn đề đặt ra làm thế nào để đưa toàn bộ khối sắt thép khổng lồ nặng hàng chục tấn bảo đảm vượt sông an toàn để tiếp tục chiến đấu. Với ý chí kiên cường, thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Đảng “Thần tốc, táo bạo, quyết thắng,” chúng tôi đã dùng sức người để làm bến và bắc cầu, phà cho xe vượt sông”, người lính xe tăng nhớ lại.

Cuối năm 1966, đơn vị ông đánh vào Thủ Đức để cướp xe tăng của địch nhưng thất bại, nhiều chiến sỹ bị địch bắt và tù đầy. Ông Thuận và một vài đồng chí may mắn sống sót, ông xúc động nhớ lại.

Cuối năm 1969, ông Thuận được điều động về làm Đại đội trưởng Đại đội 33, Tiểu đoàn 16 thuộc Mặt trận miền Đông Nam Bộ phụ trách 4 chiếc xe tăng. Sau đó, ông tiếp tục được điều động về làm Tiều đoàn phó tiểu đoàn 21, Quân đoàn 4.

Tháng 4/1975, ông Thuận cùng đơn vị nhận lệnh hành quân thần tốc ra Sông Bé, chuẩn bị lực lượng tham gia trận đánh quan trọng vào "cánh cửa thép" Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai).

Trận này là một mốc quan trọng trong quá trình tiến tới sự kiện 30/4/1975 (Xuân Lộc là khu vực phòng thủ trọng yếu trong tuyến phòng thủ cơ bản của Biên Hòa-Xuân Lộc-Bà Rịa-Vũng Tàu của địch để phòng giữ cửa ngõ phía đông của Sài Gòn).

Đơn vị của ông được giao nhiệm vụ đánh vào phía Đông mặt trận Xuân Lộc - Long Khánh. Sau 5 ngày chiến đấu ác liệt với quân địch, nhận thấy tình hình bất lợi, quân ta được lệnh rút về nơi an toàn, thực hiện chiến thuật đánh vây lấn, chia cắt và cô lập lực lượng của địch.

Ông Thuận nhớ lại quân ta và địch giằng co ác liệt, tranh nhau từng tấc đất. Quân ta bị thiệt hại nặng nề, một chiếc xe tăng của đơn vị ông bị trúng pháo của địch, 4 chiến sỹ trong xe hy sinh. Tận mắt chứng kiến đồng đội hy sinh, nhưng ông không lùi bước, quyết tâm chiến đấu, chỉ huy đơn vị bám trụ, chiến đấu đến cùng.

Rạng sáng 21/4, lực lượng còn lại của quân đội ngụy tháo chạy, Xuân Lộc được giải phóng, mở đường cho quân ta tiến vào Sài Gòn.

Sau chiến thắng Xuân Lộc, quân đội ta quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam. Đơn vị của ông Thuận cấp tốc chuẩn bị lực lượng, nhiên liệu, sửa chữa xe tăng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

“Khi nhận được lệnh tổng tiến công giải phóng Sài Gòn, người lính chúng tôi thấy phấn khởi, vui mừng và tin rằng miền Nam sắp được giải phóng, thống nhất đất nước, lúc này ai ai cũng hừng hực khí thế chiến đấu”.

Tiểu đoàn xe tăng của ông Thuận nhận lệnh đánh vào ga Long Lạc, rồi sau đó đánh vào nhà thờ Phú Hiệp, đánh sang sân bay Biên Hòa. Chớp thời cơ thừa thắng xông lên, 9 giờ ngày 30/4, quân ta tiến vào giải phóng Biên Hòa. Đơn vị của ông tiếp tục vượt qua cụm phòng ngự của địch ở cầu Sài Gòn rồi tiến thẳng về Dinh Độc Lập.

“Khi qua cầu Sài Gòn, do gặp chướng ngại vật nên đơn vị xe tăng của tôi phải lùi lại phía sau, đi đường vòng vào Dinh Độc Lập, khi tiến vào được đến nơi cũng là lúc nhìn thấy là cờ tung bay trên nóc Dinh Độc Lập,” ông Thuận kể lại.

"Giây phút nhìn thấy lá cờ tung bay trên nóc Dinh Độc lập là lúc xúc động nhất trong cuộc đời quân ngũ của tôi bởi sau bao ngày tháng chiến đấu và hy sinh, mục tiêu chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước đã trở thành hiện thực. Mỗi khi hồi tưởng đến giờ phút thiêng liêng ấy, tôi vừa xúc động nghĩ về những đồng đội đã ngã xuống để có được thời khắc ấy," người lính già nhớ lại.

Dấu ấn lớn nhất trong những ngày tháng lịch sử đó với ông Thuận là hình ảnh đồng bào miền Nam ùa ra hai bên đường hò reo, cổ vũ, động viên tiếp tế lương thực cho quân giải phóng. Ông cười bảo: "Tôi là người may mắn khi được đóng góp chút công sức của mình vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước."

Sau khi thống nhất đất nước, người lính xe tăng Nguyễn Đức Thuận lại tiếp tục song hành cùng với những "cỗ máy thép" chiến đấu bảo vệ miền biên cương của tổ quốc.

Hơn 20 năm trong quân ngũ, ông đã trải qua nhiều chức vụ, ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được tặng huân, huy chương các loại như Huân chương Giải phóng, Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huy hiệu dũng sỹ diệt Mỹ và nhiều bằng khen, giấy khen.

Năm 1984 ông về nghỉ hưu với quân hàm thiếu tá và phục vụ quê hương.

Trong căn nhà nhỏ ở xã Hải Lựu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), người lính già Nguyễn Đức Thuận bồi hồi lật từng tấm ảnh đồng đội, người còn, người đã hy sinh. Ông mong muốn một lần được gặp lại những người đã sát cánh chiến đấu với ông để cùng ôn lại một thời oanh liệt mà hào hùng ấy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục