Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm 11/9.
Sau hội đàm, hai bên ra tuyên bố chung và có cuộc họp báo chung. Dư luận Nga nhìn nhận tích cực về cuộc gặp này, song cũng có nhiều ý kiến nêu lên những vấn đề còn tồn tại.
Những đánh giá tích cực
Bình luận với Tạp chí Đời sống quốc tế của Bộ Ngoại giao Nga về kết quả cuộc gặp này, Giáo sư Trường Kinh tế Cao cấp, thành viên Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga Sergey Luzyanin cho rằng những kết quả đạt được thực sự rất nghiêm túc.
Ông Luzyanin nhiều năm liền là Viện trưởng Viện Viễn Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, được xem là một trong những học giả có quan điểm có lợi cho Trung Quốc.
Chuyên gia này nêu lên 3 tham số chính cho nhận định của mình. Thứ nhất, đó là sự điều chỉnh chương trình nghị sự của Nga-Trung, hay chính xác hơn, là sự rời bỏ chương trình nghị sự một chiều của Mỹ về quản trị toàn cầu và tăng cường sự phối hợp giữa Nga và Trung Quốc ở cấp độ này.
Theo ông Luzyanin, điều này được thể hiện bằng sáng kiến của Nga được Trung Quốc ủng hộ về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ngoài ra, sự tương tác giữa Nga và Trung Quốc được thúc đẩy tích cực theo định dạng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), cũng như định dạng BRICS gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO).
[Lãnh đạo Nga và Trung Quốc điện đàm, khẳng định tiếp tục hợp tác]
Thành công thứ hai, theo chuyên gia Nga, là chủ đề SCO. Cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao SCO đã kết thúc tốt đẹp. Điều quan trọng là trong khuôn khổ tương tác Nga-Trung, định dạng ba bên RIC (Nga-Ấn-Trung) cũng đã bắt đầu hoạt động, có tính đến những căng thẳng và phức tạp mới nhất giữa Trung-Ấn trên đường biên giới chung.
Điều quan trọng là một cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc và Ngoại trưởng Ấn Độ đã diễn ra ở Moskva, và những kết quả tích cực đầu tiên đã đạt được do Nga làm trung gian.
Thành công thứ ba mang tính tương tác qua lại, nhưng cũng rất quan trọng đối với Nga-Trung. Các bộ trưởng cũng đã thảo luận về triển vọng tiếp tục tương tác Nga-Trung trong bối cảnh cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và hậu đại dịch, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác trong lĩnh vực an ninh thông tin và an ninh mạng.
Ông Sergey Luzyanin đánh giá về tổng thể kết quả của cuộc gặp giữa các ông Lavrov và Vương Nghị đã vượt ra ngoài khuôn khổ của quan hệ song phương Nga-Trung, làm sâu sắc hơn và mở rộng quan hệ giữa hai quốc gia.
Giáo sư trường Đại học tổng hợp quốc gia Saint Petersburg Vladimir Kolotov cũng có chung đánh giá tích cực về cuộc hội đàm giữa các bộ trưởng ngoại giao Nga-Trung.
Ông Kolotov nhấn mạnh, cuộc đàm phán nghiêm túc này cho thấy sự quan tâm của Liên bang Nga và Trung Quốc trong việc duy trì sự ổn định chiến lược, pháp quyền và sự bình đẳng của các quốc gia. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyên bố chung vừa đạt được giữa hai cường quốc hạt nhân, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tuyên bố này đề cập đến nhiều vấn đề cấp bách như bảo mật của dữ liệu số, chống lại âm mưu viết lại kết quả của Chiến tranh thế giới thứ Hai, nguy cơ lan truyền thông tin sai sự thật.
Những vấn đề còn bỏ ngỏ
Giới quan sát nhìn nhận tuyên bố chung của hai Bộ trưởng Ngoại giao Nga và Trung Quốc quá chú tâm vào các vấn đề toàn cầu trong khi để ngỏ các vấn đề khu vực, thậm chí cả hợp tác song phương.
Điểm 11 của tuyên bố chung nói rằng Nga và Trung Quốc sẽ tiếp tục kế hoạch gắn kết phát triển Liên minh Kinh tế Á-Âu và xây dựng "Vành đai và Con đường", góp phần tăng cường kết nối khu vực và phát triển kinh tế trong không gian Á-Âu. Tuy nhiên, các bên chỉ dừng lại ở việc “tái khẳng định cam kết thúc đẩy song song và phối hợp” giữa dự án Đối tác Á-Âu mở rộng do Nga đề xuất và Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, mà không đề ra bước đi cụ thể nào mới.
Các vấn đề an ninh khu vực được đề cập trong tuyên bố chung bao gồm tình hình tại Syria, Iran, Afganistan và bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, vấn đề Biển Đông vốn được dư luận quan tâm nhưng không được đề cập trong tuyên bố, mà chỉ được nhắc đến trong phát biểu trước báo chí của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov.
Ông khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, nhưng đồng thời bày tỏ chỉ trích chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ đang gây ra sự chia rẽ ở khu vực, đặc biệt trong nội bộ các nước Đông Nam Á.
Ông Lavrov hoàn toàn không đề cập đến những hoạt động gây tranh cãi gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng cho rằng chính sách mà Wasington đang tiến hành đã gây ra căng thẳng không đáng có ở nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm dọc biên giới Nga và Trung Quốc.
Phía Nga, theo lời ông Lavrov, đã nỗ lực làm hòa dịu mâu thuẫn giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biên giới. Tuy nhiên, theo các nguồn thạo tin, Moskva rất khó có thể gây ảnh hưởng tới tiến trình này, thậm chí vấn đề tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc không được bàn đến trong cuộc gặp ba bên giữa Bộ trưởng Ngoại giao Nga-Ấn-Trung.
Ấn Độ kiên quyết kiên trì nguyên tắc không chấp nhận bất kỳ sự can dự nào của bên thứ ba vào việc giải quyết các vấn đề song phương. Khác với những tuyên bố công khai theo chiều hướng ca ngợi thành công của Nga trong nỗ lực kéo Trung-Ấn ngồi vào bàn đàm phán, những nguồn tin không công khai lại cho rằng Moskva duy trì lập trường cực kỳ thận trọng trong vấn đề này.
Báo Độc lập của Nga dẫn nguồn tin ngoại giao giấu tên cho rằng Moskva chỉ tập trung vào việc tạo ra một bầu không khí tích cực, hoàn toàn không tham gia vào việc giải quyết tranh chấp giữa hai nước.
Theo nguồn tin này, Ấn Độ và Trung Quốc phải tự quyết định xem họ có chấp nhận sự can thiệp hoặc hòa giải từ một trung gian thứ ba hay không. “Chúng ta chưa thể đạt được đột phá. Không ai muốn chiến tranh, nhưng cũng không ai muốn từ bỏ lãnh thổ của mình. Cho nên hơn 60 năm nay vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề tranh chấp này,” nguồn tin của Báo Độc lập cho biết.
Tuy vậy, nguồn tin này không loại trừ khả năng Moskva thực hiện những nỗ lực ngoại giao kín đáo ở hậu trường nhằm thăm dò phản ứng của các bên trước khi có những tuyên bố công khai hoặc đề xuất một sáng kiến cần thiết vào thời điểm nào đó.
Báo Độc lập nêu ra nhận định của các nhà quan sát dự đoán rằng cuộc đối đầu có thể kéo dài sang mùa Đông vì không bên nào sẵn sàng nhượng bộ. Căng thẳng càng làm trầm trọng thêm sự tức giận của dân chúng Ấn Độ, những người tin rằng Trung Quốc không muốn khôi phục lại hiện trạng đã tồn tại trước các cuộc đụng độ vào mùa Hè năm ngoái.
Tướng Ấn Độ đã nghỉ hưu Shashi Astana nhận xét rằng ngay cả khi cả hai bên không muốn chiến đấu, một thỏa hiệp cũng khó đạt được vì các nhà lãnh đạo không muốn tỏ ra yếu đuối trong mắt người dân của họ.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ thuộc Viện Hàn Lâm khoa học Nga Tatyana Shaumyan cho rằng Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, Trung Quốc có thể gặp nhau ở Moskva trong bối cảnh leo thang căng thẳng ở biên giới là bởi định dạng SCO tạo ra cơ hội để các nhà lãnh đạo hoặc các quan chức của các quốc gia thành viên có thể gặp nhau trên cơ sở kết nối chung của tổ chức, bất kể mối quan hệ giữa các thành viên cụ thể như thế nào.
Bình luận về nhận định của một số nhà quan sát rằng Delhi chờ đợi sự hỗ trợ từ Nga trong vấn đề tranh chấp với Trung Quốc và do đó vẫn chưa quyết định có tham gia cái gọi là liên minh Bộ tứ kim cương (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ), bà Shahumyan khẳng định Ấn Độ là một cường quốc và không bao giờ đi theo sự dẫn dắt của bất kỳ ai.
Họ chỉ tuân theo lợi ích quốc gia của chính mình và đó là tiêu chí mà sẽ quyết định việc họ có tham gia Bộ tứ hay không./.