Những vấn đề đe dọa mối quan hệ Mỹ-EU thời ông Joe Biden

Bài phân tích đánh giá chiến thắng của ông Joe Biden mang lại niềm vui cho nhiều nước EU, tuy nhiên trong một số vấn đề, người châu Âu có thể phải tranh luận với ông Biden nhiều hơn là với ông Trump.
Ông Joe Biden đã giành chiến thắng tại bang Pennsylvania, qua đó đủ số phiếu đại cử tri để chiến thắng và đắc cử Tổng thống Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ông Joe Biden đã giành chiến thắng tại bang Pennsylvania, qua đó đủ số phiếu đại cử tri để chiến thắng và đắc cử Tổng thống Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Truyền thông Deutsche Welle đăng tải bài phân tích triển vọng quan hệ giữa Mỹ và châu Âu dưới thời Joe Biden- người có thể trở thành tổng thống tương lai của nước Mỹ- với nhan đề “Biden và châu Âu: Niềm vui trước một đối tác không dễ chịu."

Bài viết đánh giá rằng chiến thắng của ông Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng mang lại niềm vui cho nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU), tuy nhiên, trong một số vấn đề, người châu Âu có thể sẽ phải tranh luận với Biden nhiều hơn là với Donald Trump.

Trong nhiệm kỳ của Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã rất cố gắng để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với ông, nhưng giới phân tích nhìn nhận, chiến thắng của Biden sẽ có ích cho ông Macron.

Trái ngược với cuộc bầu cử của Trump 4 năm trước, các cố vấn ở Paris cũng như các nước khác ở châu Âu biết họ đang đứng ở đâu với chiến thắng của Joe Biden bởi không có tổng thống Mỹ nào khác sẽ nhậm chức với nhiều kinh nghiệm về chính sách đối ngoại như vậy.

Ngay cả trong thời gian là Thượng nghị sỹ, Biden đã quan tâm đến chính sách đối ngoại, và đầu những năm 1990, ông đã viết một nghiên cứu có tầm nhìn xa về các cuộc chiến tranh Balkan.

Với tư cách là Phó tổng thống dưới thời Barack Obama, ông Biden đã là khách mời tại Hội nghị An ninh Munich, diễn dàn thảo luận lớn xuyên Đại Tây Dương.

Bên cạnh đó, nhân vật có thể trở thành tổng thống tương lai của Mỹ có kế hoạch giải quyết một vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng ngay sau khi ông tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021, đó là việc tái gia nhập Thỏa thuận khí hậu Paris.

Việc Mỹ chấm dứt thỏa thuận này dưới thời ông Trump đã có hiệu lực vào ngày 4/11 trước đó. Quyết định đảo ngược này được hoan nghênh trên toàn thế giới, và đối với Pháp thì nó có một ý nghĩa đặc biệt bởi Thỏa thuận này đã được ký tại Paris (Pháp).

Việc quay lại chủ nghĩa đa phương mà ông Biden hứa hẹn hoàn toàn có lợi cho các đối tác châu Âu. Do đó, ngày đầu tiên của Joe Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ sẽ mang lại sự hài lòng ở châu Âu.

Ngoài việc quay trở lại thỏa thuận khí hậu, Biden cũng muốn đảo ngược việc Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trong chính sách đối với Iran cũng vậy, Biden muốn đoạn tuyệt với chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm, ông muốn Mỹ tái "kích hoạt" thỏa thuận hạt nhân với các quốc gia.

Tuy nhiên, EU không nên ảo tưởng quá nhiều vào sự thay đổi của nhanh chóng của Mỹ, bởi ông Biden ban đầu sẽ chủ yếu giải quyết các vấn đề chính trị trong nước.

Theo giới chuyên gia, các cố vấn chính sách đối ngoại của Biden đã thông báo những ưu tiên này trong chiến dịch tranh cử.

Với kết quả bầu cử sít sao và hơn 70 triệu phiếu bầu cho Donald Trump, chính quyền mới sẽ tập trung nhiều hơn vào chính trị trong nước.

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của Biden, cũng như chính sách kinh tế.

Trong bài phát biểu chiến thắng của ông Biden, bảo vệ khí hậu nổi lên như một vấn đề chính sách đối ngoại duy nhất.

Mỹ không trở lại vai trò “cảnh sát thế giới"

AFP trích dẫn một phát biểu thẳng thắn của ông Jean-Claude Juncker, cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu: "Joe Biden sẽ không thay đổi cách tiếp cận của Washington đối với các vấn đề quốc tế chỉ sau một đêm, bởi vì ông ấy không thể làm như vậy."

Sebastien Maillard, người đứng đầu Viện Jacques Delors, cảnh báo rằng "người châu Âu cần học cách sống mà không có sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ."

Những vấn đề đe dọa mối quan hệ Mỹ-EU thời ông Joe Biden ảnh 1Cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. (Nguồn: THX/TTXVN)

Nhà khoa học chính trị Đức, Markus Kaim, đồng tình với những nhận định trên: "Trong tương lai ngắn hạn, Mỹ sẽ phải bận tâm với các vấn đề của chính họ."

AFP đánh giá rằng những bình luận trên cho thấy giới phân tích đã dự báo được rằng Mỹ sẽ không trở lại làm "cảnh sát trưởng" của phương Tây và phô trương sức mạnh quân sự trên toàn thế giới theo cách mà Mỹ từng làm nhiều thập kỷ trước sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Nathalia Tocci, người đứng đầu Viện Quan hệ Quốc tế của Italy, nói: "Chúng ta đang chứng kiến sự kết thúc của chủ nghĩa đế quốc Mỹ với việc Mỹ không còn muốn trở thành 'cảnh sát của thế giới'."

Người châu Âu phải tính toán rằng, quan hệ với Mỹ sẽ giảm đi đáng kể dưới thời ông Biden. Về nội dung cũng sẽ có sự tiếp nối nhất định chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm, ví dụ như sự miễn cưỡng về quân sự của Mỹ sẽ không thay đổi dưới thời ông Biden.

AFP cho biết, mặc dù Mỹ vẫn duy trì các nhóm tàu sân bay ở nhiều khu vực khác nhau và đặt các căn cứ của mình ở châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Afghanistan và Bahrain, song Washington đã rút khỏi các khu vực xung đột - một xu hướng đã được ông Trump thúc đẩy nhưng bắt đầu từ thời người tiền nhiệm ông Barack Obama, người đã yêu cầu Mỹ rút quân nhanh chóng khỏi Iraq.

Đáng chú ý hơn, trong hai thập kỷ vừa qua, phần lớn sự tập trung quân sự của Mỹ đã chuyển hướng từ châu Âu sang châu Á.

Đối với cả ông Trump và ông Biden, châu Âu không phải là khu vực quyết định của thế giới về chính sách đối ngoại.

[Bầu cử Mỹ: Những thông tin cần biết về Tổng thống đắc cử Joe Biden]

Washington chủ yếu nhìn vào châu Á và coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh và thịnh vượng. Sự phát triển này đã trở nên rõ ràng dưới thời ông Obama.

Một nhà ngoại giao tại Brussels được AFP trích dẫn đã phát biểu rằng "bạn đừng nên mong đợi sự thay đổi triệt để," người châu Âu sẽ "một lần nữa có một đối tác, một đồng minh, nhưng họ cần củng cố sự tự trị chiến lược của mình trong lĩnh vực kinh tế và an ninh, cần có khả năng tự bảo vệ những lợi ích của mình."

NATO - mục tiêu 2% là vấn đề mấu chốt gây tranh chấp

Các nhà quan sát chỉ ra rằng, đôi khi Biden thậm chí có thể trở thành một đối tác khó chịu hơn cả người tiền nhiệm. Cũng giống như Tổng thống Donald Trump, ông Biden sẽ tiếp tục thúc đẩy người châu Âu chi tiêu cao hơn cho quân sự và sẽ nhắc nhở châu Âu về cam kết của NATO là dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội cho quân sự.

Theo giới chuyên gia, châu Âu ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn khi chưa đáp ứng được yêu cầu của Mỹ về việc chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn trong lĩnh vực an ninh, ví dụ như trong tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải, Mỹ đã không đóng vai trò hàng đầu ở khu vực này từ năm 2013.

Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và các cường quốc khác ít nhiều có thể có những hành động mà không bị cản trở tại khu vực này. Do đó, châu Âu nên quan tâm hơn đến khu vực Đông Địa Trung Hải, nhưng hiện tại họ có vẻ chưa sẵn sàng.

Người ta thấy rằng có nhiều khó khăn khi EU muốn lấp đầy khoảng trống chiến lược mà Mỹ đã để lại.

Trung Quốc - "Thước đo sức mạnh" gây tranh cãi

Với chiến thắng của ông Biden, người châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi cuộc chiến sức mạnh với Trung Quốc.

Vẫn còn phải xem liệu người châu Âu, những người cho đến nay chủ yếu coi Trung Quốc là một thị trường bán hàng và đối tác thương mại, có thực hiện được điều này hay không.

Kinh tế - vấn đề dễ dàng nảy sinh xung đột

Pháp sẽ là quốc gia EU đầu tiên áp thuế đặc biệt đối với các công ty Internet lớn của Mỹ vào tháng 12. Sau đó là tranh chấp về các khoản trợ cấp bất hợp pháp của nhà nước dành cho Boeing.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cho phép EU áp thuế hàng tỷ USD. Khả năng xảy ra xung đột trong lĩnh vực này là rất lớn - đặc biệt là vì tổng thống tương lai của Mỹ chắc chắn cũng muốn theo đuổi chính sách bảo hộ kinh tế.

Ông Biden có kế hoạch bắt buộc các nhà chức trách Mỹ sử dụng hàng hóa và dịch vụ "Made in USA."

"Phân chia lao động"

Theo AFP, các quyết định đơn phương của Tổng thống Trump và sự trái ngược của ông với một số nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên NATO đã gây ra căng thẳng và chia rẽ trong nội bộ liên minh này.

Một nhà ngoại giao nói với AFP rằng người đứng đầu NATO, ông Jen Stoltenberg, đã phải tốn nhiều sức lực để "dỗ dành" Mỹ.

NATO có thể hy vọng về việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ dưới thời ông Biden, nhưng các nhà phân tích tin rằng Washington sẽ tiếp tục đòi hỏi các lợi ích của Mỹ.

Nhà khoa học chính trị Kaim nói: "Điều này sẽ không mấy dễ chịu đối với châu Âu," nơi các nước thành viên NATO bị chia rẽ giữa một bên là phe ủng hộ châu Âu và một bên ủng hộ học thuyết hợp tác liên Đại Tây Dương.

Những vấn đề đe dọa mối quan hệ Mỹ-EU thời ông Joe Biden ảnh 2Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một bài viết đăng trên mạng tin Politico, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã cảnh báo: "Những ảo tưởng về sự tự trị chiến lược của châu Âu phải chấm dứt: Người châu Âu sẽ không thể thay thế vị trí quan trọng là người bảo đảm an ninh của Mỹ."

Ông Kaim cho rằng cách tiếp cận của ông Biden sẽ là đề xuất với người châu Âu về "một sự phân chia lao động đơn giản: các ngài giúp chúng tôi ở châu Âu để chúng tôi có thể cam dự nhiều hơn vào châu Á."

Trước khi ông Joe Biden tiếp quản, ông Donald Trump sẽ ở lại Nhà Trắng trong hai tháng rưỡi. Giai đoạn chuyển tiếp này có thể trở nên quan trọng không chỉ vì đại dịch COVID-19 ngày càng tồi tệ.

Tuy nhiên, các chính phủ ở châu Âu bước đầu cảm thấy nhẹ nhõm bởi nếu ông Trump tiếp tục tại vị, việc Mỹ rút khỏi NATO sẽ nằm trong chương trình nghị sự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục