Những vấn đề trong chiến lược của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc

Sau 30 năm tham gia quá trình toàn cầu hóa, Trung Quốc đã lần đầu tiên ở vào vị thế cạnh tranh thực sự với Mỹ về năng lực sản xuất, công nghệ, tài chính và thậm chí cả những năng lực quân sự.

Trang mạng tạp chí the American Interest ngày 8/5 đăng bài viết của Andrew A. Michta, Hiệu trưởng trường nghiên cứu quốc tế và an ninh thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Âu George C. Marshall, trong đó đề cập các vấn đề cơ bản mà Mỹ cần tính toán và đánh giá trong chiến lược ngăn chặn Trung Quốc hòng làm thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu và khu vực.

Nội dung cụ thể như sau:

Cuối cùng, một quá trình đánh giá lại - đáng lẽ cần phải được thực thi từ lâu - về cách thức Mỹ nên đối phó với Trung Quốc đã diễn ra, trong bối cảnh việc chính phủ các nước phương Tây buộc phải hành động trước những tàn phá mà đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) gây ra và do chính phủ Trung Quốc “ém nhẹm” thông tin kể từ khi cuộc khủng hoảng y tế bắt đầu.

Bất chấp chính phủ Trung Quốc tiến hành chiến dịch tuyên truyền đồng bộ và có phần thô bạo thông qua nhiều kênh khác nhau ở các nước phương Tây hòng làm chệch hướng những chỉ trích về cách thức Bắc Kinh đối phó và xử lý những giai đoạn đầu tiên khi dịch bệnh bùng phát ở thành phố Vũ Hán, động lực đang hình thành để thiết lập lại một cách căn bản mối quan hệ với Trung Quốc.

Khi đại dịch tác động sâu sắc đến các khía cạnh xã hội, hủy hoại nền kinh tế, và nguy cơ gia tăng về tụt hậu tăng trưởng và thịnh vượng, với sự hiện hữu về suy thoái nặng nề hơn nữa, thì ai cũng có thể dễ dàng nhận ra tính chất dễ bị tổn thương mang tính hệ thống mà hoạt động sản xuất trang thiết bị y tế thiết yếu đặt ở Trung Quốc gây ra.

Khi nợ công của Mỹ lên mức chưa từng được chứng kiến kể từ năm 1945, thì những giả thiết được đưa ra từ trước khi xảy ra đại dịch về những cán cân quyền lực toàn cầu và khu vực kèm theo những xu hướng dài hạn của chúng cũng như sự bền vững của các thể chế an ninh lâu đời lại được đem ra thảo luận.

Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã đặt ra một mối đe dọa an ninh hiện hữu đối với phương Tây, song Moskva chưa từng có chiến lược nào để trở thành một đối thủ kinh tế.

Ngược lại, nhà nước Trung Quốc lại thách thức Mỹ cả về lĩnh vực an ninh và kinh tế.

Sau 30 năm tham gia quá trình toàn cầu hóa, Trung Quốc đã lần đầu tiên ở vào vị thế cạnh tranh thực sự với Mỹ về năng lực sản xuất, công nghệ và tài chính và Bắc Kinh đã huy động mọi nguồn lực tích lũy của mình để mở rộng sức mạnh quân đội và hải quân cũng như những năng lực quân sự khác.

Do cách thức "virus Vũ Hán" gây hủy hoại triệt để tất cả tiến trình mà giới phân tích cho rằng sẽ tác động đến định hướng phát triển của cán cân an ninh toàn cầu, nên một vài năm tới đây sẽ cho thấy rõ điều này.

Khi quá trình phân tách Mỹ với Trung Quốc bước vào giai đoạn "cứng" do người Mỹ ngày càng nhận thức được tình thế bất lợi của nước này so với đối thủ chiến lược, kèm với việc nhận thức rõ các lực lượng của công cuộc hiện đại hóa đã không biến đối thủ này trở thành một mô hình phản chiếu của Mỹ, thì nhiều khả năng Washington sẽ đưa ra quyết định chiến lược nhằm tách các chuỗi cung ứng của nước này khỏi Trung Quốc.

Có thể thấy, quá trình phân tách là bước đi cần thiết đầu tiên trên lộ trình dẫn đến cái và sẽ vẫn là cuộc cạnh tranh lâu dài giữa Mỹ với Trung Quốc trong những năm tới đây.

Cuộc cạnh tranh này không chỉ về thị trường hay công nghệ, mà còn đòi hỏi khả năng đối đầu với chủ nghĩa xét lại xuyên suốt của Trung Quốc - vốn tìm cách thiết lập lại sự phân bổ quyền lực toàn cầu và các cấu trúc quy chuẩn được hình thành kể từ sau 1945.

Khi theo đuổi một chiến lược nhằm ngăn chặn sự bành trướng của một Trung Quốc chủ nghĩa cộng sản thương mại, Mỹ cần phải nhận thức rõ rằng nước này đang lâm vào cuộc đấu tranh sinh tồn trước một kẻ thù mà đa phần do Mỹ tạo ra thông qua tính chất dễ bị mua chuộc bằng tiền của Mỹ.

Những vấn đề trong chiến lược của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái) tại Nhà Trắng ngày 31/1/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày nay, xã hội Mỹ bị phân hóa đến mức mà ý tưởng về lợi ích quốc gia và lợi ích chung được phơi bày thông qua lợi ích nhóm đảng phái, những ưu tiên của tập đoàn, sự bất bình của nhóm hay đơn giản chỉ là lòng tham.

Do đó, một thành tố quan trọng của chiến lược ngăn chặn Trung Quốc này là cần phải khôi phục một mục tiêu dân tộc rộng lớn hơn và tâm lý cộng đồng vốn có thể thực hiện được bằng cách đưa ý tưởng về chủ nghĩa yêu nước Mỹ trở lại trọng tâm của vũ đài văn hóa chính trị.

Chính tính chất dễ bị mua chuộc bằng tiền của Mỹ đã không chỉ giúp tăng cường sức mạnh cho các đối thủ, mà còn là công cụ hữu hữu đối với họ.

Trung Quốc đã có những nỗ lực nghiêm túc và được triển khai trên nhiều mặt trận nhằm gây ảnh hưởng các nước phương Tây vốn thành công đáng kể trong việc khai thác những ý kiến và nhận định của giới tinh hoa Mỹ về những tiến bộ được thúc đẩy bởi quá trình toàn cầu hóa.

[Phải chăng quan hệ Mỹ và Trung Quốc đang ở ngã ba đường?]

Và khi Bắc Kinh khuyến khích đàm phán thương mại với kết quả cùng thắng, thì nước này lại nắm giữ phần thắng về mình song lại "cuỗm" mất phần thắng của đối phương.

Sự tiếp cận không bị hạn chế mà Trung Quốc có được đối với các thể chế xã hội, chính phủ, giáo dục và các tập đoàn của Mỹ trong vòng 40 năm qua đã cho phép Bắc Kinh tiến hành những chiến dịch thông tin mang tính lựa chọn và tinh tế hơn trước kia, và cả những hoạt động do thám lĩnh vực công nghiệp của Mỹ một cách trơ trẽn hơn xưa.

Thậm chí, các hoạt động do thám này đã vượt ra ngoài góc độ ăn cắp, để rồi tìm cách ký kết hợp đồng trực tiếp với giới khoa học và nghiên cứu của Mỹ để các công trình nghiên cứu quan trọng hàng đầu được chuyển giao chỉ cho riêng Trung Quốc.

Quốc hội Mỹ cần đánh giá nghiêm túc về việc các khoản trợ cấp của Trung Quốc đã được phân bổ đi đâu, cho dù việc điều tra này có thể không dễ chịu, song có thể giúp phát hiện ra rằng những mối quan hệ của Trung Quốc với cộng đồng kinh doanh, chính sách và học thuật của Mỹ có thể ở cấp độ sâu sắc hơn những gì mà chính phủ Mỹ biết được.

Ví dụ, đầu tiên, quốc hội Mỹ có thể đóng cửa các Viện Khổng tử của Trung Quốc và kiểm soát chặt chẽ các chuyển giao công nghệ và thương mại.

Chính phủ Mỹ cũng cần có kế hoạch sẵn sàng bảo vệ những công ty Mỹ bị phá sản thời hậu dịch bệnh để đảm bảo rằng những công ty này không trở thành mục tiêu dễ dàng đối với kế hoạch thâu tóm của Trung Quốc.

Các bước đi tiếp theo được cho là sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Trung Quốc vẫn hạn chế và kiếm soát chặt chẽ sự tiếp cận của Mỹ đối với xã hội nước này. Điều đó cần phải thay đổi.

Washington cần một chương trình tổng thể để phát đi thông điệp chiến lược đến người dân Trung Quốc, đem lại những nguồn thông tin khác cho họ, ngoài cỗ máy tuyên truyền của Bắc Kinh.

Vì vậy, ở đây, những bài học từ thời Chiến tranh Lạnh cần được lục lại và cập nhật để áp dụng trong thời kỳ số hiện nay.

Ngoài ra, Mỹ cũng cần đánh giá lại một cách nghiêm túc cơ chế độc quyền số hiện hành của nước này và đánh giá những rủi ro nào mà chúng có thể gây ra đối với an ninh quốc gia.

Mạng xã hội hiện đang thống trị cách thức người dân tiếp nhận tin tức, cách thức chính phủ giao thiệp với người dân và cách thức người dân tham gia vào đời sống chính trị của đất nước.

Vì vậy, mạng xã hội ngày càng trở thành không gian để chính phủ tham gia vào những chiến dịch thông tin giúp định hình đời sống chính trị và văn hóa của các nước đối địch.

Cuối cùng, bất kỳ chiến lược nào nhằm ngăn chặn chủ nghĩa tư bản do thám của Trung Quốc cũng đều đòi hỏi Mỹ phải tái kết nối với những giá trị dân chủ truyền thống của mình vốn phụ thuộc vào tính tự quyết của mỗi cá nhân.

Mỹ cần bắt đầu bằng việc khôi phục, nhất là trong giới trẻ, việc đề cao tính đúng đắn cơ bản của dự án chính trị Mỹ, và quan trọng hơn cả là trao quyền sở hữu nhà nước cho người dân.

Không một doanh nhân nào có quyền xác định lợi ích an ninh quốc gia ngoài quân đội - vốn được phép lập biểu đồ mục tiêu chiến lược tổng thể trong chiến tranh. Không một nhà vật lý nào được phép điều hành kinh tế đất nước trong thời kỳ dịch bệnh.

Đây đều là những quyết sách chính trị sâu sắc vốn cần các nghị sỹ quốc hội đưa ra. Nói cách khác, những lãnh đạo chính trị có trách nhiệm trước cử tri mới có thể là thành phần hợp pháp đưa ra những quyết định khó khăn này.

Câu thần chú "thương mại tự do" và "toàn cầu hóa" trong vòng 30 năm qua không còn đóng vai trò là cái cớ để giới doanh nghiệp làm giàu trên sự hy sinh của người dân thường.

Ở cấp độ cơ bản nhất, chiến lược Trung Quốc mới của Mỹ cần lấy lại cái gốc cốt lõi của chủ nghĩa tư bản dân chủ Mỹ, tức khôi phục ý thức về tính phổ quát, chủ nghĩa yêu nước và trách nhiệm dân sự đối với hoạt động kinh doanh, chính trị và văn hóa.

Khi đó, Mỹ cần từ bỏ thái độ chủ nghĩa toàn cầu lạc quan và bắt đầu coi Trung Quốc không phải là một thành viên tương lai của trật tự quốc tế tự do mà là một kẻ "phá hoại" trật tự này.

Và khi đã xác định được thách thức của mình, Mỹ cần tái đầu tư vào khả năng phản kháng xã hội bằng cách tái thiết sự gắn kết quốc gia và tái khẳng định những giá trị cộng hòa vốn đã giúp thúc đẩy đất nước trong suốt quá trình tồn tại.

Nếu Mỹ và các đồng minh của mình có thể khôi phục nhận thức về sự thống nhất quốc gia và mục tiêu quốc gia thì Washington có thể xoay sở và hoàn thành được những nhiệm vụ đặt ra trước mắt nói trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục