Những vụ việc bi thảm về di cư là "phần nổi của tảng băng chìm"

Những câu chuyện bi thảm và những bức ảnh gây xúc động mạnh mà báo chí đăng tải chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, trên thực tế, cuộc khủng hoảng người di cư còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Những vụ việc bi thảm về di cư là "phần nổi của tảng băng chìm" ảnh 1Người lính biên phòng Thổ Nhĩ Kỳ nâng xác cậu bé di cư Syria trôi dạt vào bờ biển ở một resort. (Nguồn: Telegraph)

Ngày 21/9, tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Mogens Lykketoft tuyên bố tất cả các quốc gia trên thế giới đều có nghĩa vụ tham gia giải quyết các cuộc khủng hoảng người di cư trên toàn cầu.

Ông Lykketoft nhấn mạnh cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ phải trợ giúp những người dân và những trẻ em đang tìm cách trốn chạy khỏi các cuộc xung đột và bạo lực.

Theo phóng viên TTXVN tham dự buổi họp báo diễn ra ở trụ sở Liên hợp quốc tại New York, tân Chủ tịch Đại hội đồng đã nói: "Thế giới đang chứng kiến cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn chưa từng có kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai và với mùa Đông đang đến gần ở Bắc bán cầu, cuộc khủng hoảng đó sẽ chỉ càng tồi tệ hơn. Những câu chuyện bi thảm và những bức ảnh gây xúc động mạnh mà báo chí đăng tải chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Cuộc khủng hoảng người di cư trên thực tế còn nghiêm trọng hơn nhiều mà chỉ có sự hợp tác đa phương và sự lãnh đạo toàn cầu mới có thể giải quyết được. Đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, đòi hỏi một giải pháp toàn cầu."

Trong một diễn biến khác, quan chức phụ trách điều phối người tị nạn của Liên hợp quốc, ông Dominik Bartsch cho biết Liên hợp quốc không còn tiền để trợ giúp người tị nạn ở Iraq.

Theo Liên hợp quốc, hiện có hơn 3 triệu người Iraq phải rời bỏ quê hương để trốn chạy những hành động bạo lực của lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tình cảnh của những người này ngày càng tuyệt vọng trong khi Liên hợp quốc không còn tiền để trợ giúp cho họ những nhu cầu căn bản nhất của con người.

Ông Bartsch cho biết trong nửa cuối năm 2015, Liên hợp quốc cần 500 triệu USD để trợ giúp người dân những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và nước uống, song các nhà tài trợ mới chỉ chuyển cho Liên hợp quốc 40% số tiền đã cam kết.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 21/9 cũng ra tuyên bố kêu gọi các nước châu Âu thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, trong đó có công nhận quyền được xin tị nạn.

Người đứng đầu Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại trước việc một số nước châu Âu đóng cửa biên giới, không cung cấp nơi cư trú thỏa đáng và thậm chí bắt giam những người nhập cư bất hợp pháp và xin tị nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục