Kiều hối làm đẹp quê

Những vùng quê nghèo đổi thay nhờ dòng kiều hối

Nhiều vùng quê nghèo đang "thay da, đổi thịt" nhờ có nhiều người đi xuất khẩu lao động gửi tiền kiều hối về để sửa chữa, xây nhà.

Vừa đặt chân đến thị tứ chợ Chanh xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, tôi đã bắt gặp ngay 5-6 ngôi nhà 3 tầng sừng sững trước mặt. Mới cách đây chưa đầy năm, chỗ này vẫn còn là đất hoang, thế mà…

Tôi đem thắc mắc hỏi người chị Phạm Thị Thu Hoàn ở thị tứ chợ Chanh, chị Hoàn cho biết, những ngôi nhà này là của các gia đình có người đi lao động ở nước ngoài gửi tiền về, trong đó có anh Nguyễn Văn Kiên mới đi Hàn Quốc về. Anh Kiên cho hay, anh đã đi xuất khẩu lao động ở xứ sở Kim Chi được 3 năm, lần này về quê anh quyết định mua đất và xây nhà để cưới vợ. Nếu cuộc sống ổn định, anh lại tiếp tục sang Hàn Quốc làm việc vì tay nghề của anh rất khá nên ông chủ người Hàn có nhã ý mời anh ở lại làm việc tiếp. “Mặc dù thời điểm này lương có thấp hơn trước một chút nhưng mỗi tháng tôi cũng được trả 1.200 USD, trừ chi phí và ăn uống đi tôi cũng để ra được một nửa. Nếu so với ở quê thì sang đó vẫn hơn,” anh Kiên nói. Không chỉ có ở Nhân Mỹ mà hiện nay rất nhiều vùng quê được thay đổi có người thân đi lao động xuất khẩu. Có mặt tại Agribank Lục Nam (Bắc Giang) trong những ngày cuối năm, cái lạnh thấu xương của mùa đông dường như được xua tan trong sự nồng ấm hân hoan của người dân địa phương nhận tiền của người thân đi lao động xuất khẩu. Bác Vũ Thị Hợp, xã Bảo Đài, huyện Lục Nam đang ngồi đợi để nhận tiền của con gái gửi về. Chỉ sau 1 tháng đi sang làm việc Malaysia, con gái bác đã gửi về số tiền gần 10 triệu đồng để mẹ mua sắm một số vật dụng cho gia đình chuẩn bị đón Tết. Bác Hợp cho biết, hầu hết các gia đình ở đây đều có người đi xuất khẩu lao động. Lãnh đạo Agribank Lục Nam cho biết, trong huyện Lục Nam, xã Tam Dị có số người xuất khẩu lao động nhiều nhất huyện và nhờ xuất khẩu lao động diện mạo của xã gần như “lột xác”. Thực mục sở thị xã Tam Dị tôi không khỏi ngạc nhiên, một xã miền núi lại san sát nhà cao tầng khang trang, các cửa hàng cửa hiệu nhộn nhịp khách hàng. Dừng chân tại nhà chị Nguyễn Thị Hồng, chúng tôi được chủ nhân tiếp đón niềm nở. Gương mặt rạng ngời của chị khi kể về cậu con trai đang lao động tại Malaysia. Chị Hồng cho hay, từ cuối năm ngoái gia đình chị được Agribank Lục Nam vay 80 triệu đồng để đi xuất khẩu lao động Đài Loan. Đến thời điểm này, ngoài sự giúp đỡ của gia đình hai bên cùng với số tiền hơn 100 triệu đồng của con trai gửi về, chị đã xây được ngôi nhà 3 tầng bề thế. “Nếu không đi xuất khẩu lao động, không có nguồn tiền con trai gửi về, gia đình tôi chẳng bao giờ dám nghĩ đến việc xây nhà,” chị Hồng chia sẻ. Theo ông Đào Văn Quảng, Phó Chủ tịch xã Tam Dị, trong những năm qua nguồn kiều hối của lao động xuất khẩu gửi về đã giúp cho người nông dân xã Tam Dị nói riêng và huyện Lục Nam nói chung rất nhiều. Ông Quảng cho biết, đến thời điểm này, cả xã có 17.300 người thì có tới 2.000 người đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài chủ yếu sang các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, đảo Síp... Với mức lương trung bình từ 10 triệu đồng/tháng đến hơn 1.000 USD tùy thị trường, mỗi tháng có hàng chục tỷ đồng nguồn kiều hối của lao động xuất khẩu tại Tam Dị đã đóng góp quan trọng thay đổi đời sống kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa trên địa bàn xã. Cũng bởi vậy, nếu như cuối những năm 90 đầu năm 2.000 tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 30% trên địa bàn, thì đến thời điểm này con số đó thu nhỏ chỉ còn 17,1%. Không chỉ ở Tam Dị - Lục Nam, hiện tại thôn Thạch Khê Thượng, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) cũng đang đi lên nhờ xuất khẩu lao động. Xưa nay người dân thôn Thạch Khê Thượng vốn dĩ chỉ biết tới nghề nông, trồng rau, nuôi lợn… song thời gian gần đây là ngày càng nhiều những ngôi nhà 3 tầng đua nhau mọc lên.
Theo đánh giá của tổ chức chuyển tiền Western Union, có đến 90% lượng kiều hối lại chảy về khu vực nông thôn, nơi phần lớn những người lao động ra đi từ đó. Xu hướng gửi tiền về Việt Nam vẫn chủ yếu là hỗ trợ tài chính cho gia đình, người thân nên khá ổn định.

Ngoài ra, kiều hối về Việt Nam ngày càng được mở rộng từ nhiều nước. Nếu như năm 1994, khi mới vào Việt Nam, kiều hối chuyển về Việt Nam qua kênh Western Union chỉ từ 16 quốc gia thì hiện tại con số này đã lên đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ…

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết, ngoài những thị trường truyền thống như Mỹ, Canada, Pháp, Đức và Australia, kiều hối là một kênh dẫn vốn đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh cụ thể trong nước thì ở một số thị trường mới mang tính khơi nguồn từ năm 2005 như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia, kiều hối chủ yếu tập trung chuyển về khu vực nông thôn. Đây là những thị trường xuất khẩu lao động lớn của Việt Nam trong những năm gần đây. Kiều hối từ những thị trường này trực tiếp giúp cải thiện đời sống gia đình của người đi xuất khẩu lao động và mang giá trị tích lũy cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục