Những ý kiến tâm huyết gửi tới Đại hội XI của Đảng

Sau các tham luận của phát biểu tại Đại hội XI của Đảng, nhiều người dân Phú Yên đã phản ảnh tâm tư, nguyên vọng lên Đại hội.
Sau các tham luận của phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nhiều người dân Phú Yên đã phản ảnh tâm tư, nguyên vọng lên Đại hội.

Ngày 15/1, trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Đặng Thị Thu Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Kiến, Thành phố Tuy Hòa nói: Tôi rất thích bài tham luận phát biểu của ông Vũ Tiến Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng đã nêu được những vấn nạn mà ngay như người dân chúng tôi vẫn thấy được. Tôi nghĩ rằng phải xem chống tham nhũng, lãng phí là một tiêu chí quan trọng khi lựa chọn người vào Ủy viên Trung ương lần này.

Tuy vậy, tôi cũng kiến nghị Đảng, Nhà nước và Chính Phủ nên mạnh dạn xem tệ nạn tham nhũng hiện nay như là một “quốc nạn” để trên cơ sở đó đưa ra giải pháp phù hợp thực tiễn. Đã là “quốc nạn” thì nó giống như một ngôi nhà bị dột, mà đã dột thì phải sửa từ trên xuống, chứ không thể nào sửa từ dưới lên được. Nếu sửa từ dưới lên thì không dột chỗ này cũng dột chỗ khác, nghĩa là tệ nạn tham nhũng không xóa đi được, mà cứ kéo dài, lòng dân sẽ không yên.

Ngoài ra, để công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả, tôi nghĩ phải kiện toàn lại Ban Phòng chống tham nhũng từ Trung ương xuống đến cáp huyện, hoặc cơ sở hoạt động theo ngành dọc và độc lập. Do vậy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, huyện, xã là người đứng đầu cơ quan hành pháp địa phương không nên là Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng được.”

Trong khi đó, ông Ma Chuộng, một nông dân của Hợp tác xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa cũng phấn khởi cho biết: “Nghị quyết của Đảng lần này tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh đến vai trò cũng như tầm quan trọng của thành phần kinh tế hợp tác xã. Tuy nhiên, tham luận của các đại biểu tại hội trường chưa đề cập nhiều đến vấn đề này.

Theo tôi nghĩ, để thành phần kinh tế hợp tác xã phát triển trong thời gian tới chúng ta phải thực hiện một số giải pháp sau: Thứ nhất là củng cố lại những hợp tác xã đã có và kiên quyết giải thể những hợp tác xã thực chất đã ngưng hoạt động.

Thứ hai trong giai đoạn khó khăn thử thách như hiện nay Nhà nước cần quan tâm tạo điều kiện phát triển bằng chính sách ưu đãi về thuế trong thời gian từ 5-10 năm, nhằm giúp hợp tác xã có điều kiện tích tụ vốn để phát triển sản xuất.

Thứ ba là chính quyền các tỉnh, thành phố nên trích một phần ngân sách hình thành Quỹ hỗ trợ các hợp tác xã để thông qua đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã.

Thứ tư là cần mở rộng các loại hình hợp tác xã, không cần thiết trên một địa bàn do đã có hợp tác xã nông nghiệp rồi thì hợp tác xã này kiêm luôn các hoạt động khác trên địa bàn. Mà tùy thuộc vào ý muốn của một tập thể tự nguyện hoạt động theo Luật Hợp tác xã đứng ra hình thành hoạt động trên các lĩnh vực như tang lễ, kinh doanh nước sạch, thu gom rác, nghề thủ công.”/.

Thế Lập (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục