Những yếu tố chi phối quyết định về chính sách lãi suất của Australia

Giới chuyên gia nhận định mặc dù tỷ lệ lãi suất cơ bản của Australia hiện đang ở mức thấp kỷ lục 0,75%, tuy nhiên thị trường vẫn kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm xuống.
Những yếu tố chi phối quyết định về chính sách lãi suất của Australia ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: PYMNTS)

Tỷ lệ lãi suất cơ bản của Australia hiện đang ở mức thấp kỷ lục 0,75%. Hội đồng quản trị của Ngân hàng Dự trữ Australia (Ngân hàng Trung ương–RBA) dự kiến sẽ nhóm họp phiên đầu tiên của năm 2020 vào cuối tuần này.

Trong bài viết đăng tải trên tờ The Age của Australia, nhà báo kinh tế Shane Wright nhận định rằng bất chấp một tỷ lệ lãi suất cơ bản ở mức thấp đã được duy trì, thị trường vẫn kỳ vọng con số này tiếp tục giảm xuống và các nhà kinh tế dự đoán RBA sẽ sớm công bố kế hoạch nới lỏng định lượng (QE).

Nói một cách khác, một triển vọng u ám thực sự đang xuất hiện khi một số nhà kinh tế đã cảnh báo rằng các vụ hỏa hoạn do cháy rừng có thể làm giảm một nửa điểm phần trăm của tăng trưởng kinh tế trong sáu tháng đầu năm 2020.

Bản cập nhật số liệu kinh tế hàng tháng do Bộ Tài chính Australia công bố vào đầu tuần này xác nhận rất nhiều chỉ tiêu đã bị hạ xuống, buộc Chính phủ phải giảm dự báo thặng dư ngân sách từ mức 7,1 tỷ AUD (tương đương 4,83 tỷ USD) xuống còn 5 tỷ AUD (3,4 tỷ USD) và thừa nhận dự báo về tăng trưởng tiền lương là “quá mức lạc quan. Bên cạnh đó, doanh thu từ thuế dự kiến cũng sẽ giảm khoảng 4 tỷ AUD (tương đương 2,72 tỷ USD).

Mặc dù vậy, số liệu mới công bố của công ty phân tích dữ liệu CoreLogic thể hiện việc duy trì mức lãi suất thấp đã tác động tích cực đến thị trường bất động sản quốc gia. Trong tháng 1/2020, giá nhà ở Sydney tăng 1,5% và tại Melbourne tăng 1,4%.

[Australia tiếp tục hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục mới]

Nhà phân tích Ben Udy của tập đoàn Capital Economic cho biết, nếu giá nhà tiếp tục tăng 1% mỗi tháng, như trong giai đoạn của các năm trước, khả năng chi trả sẽ ở mức thấp nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông nói: "Việc tăng giá nhà mạnh có thể ngăn RBA nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa. Tuy nhiên, nhà kinh tế cấp cao Su-Lin Ong của Ngân hàng Hoàng gia Canada cho rằng RBA đang phải đối mặt với sự gia tăng về những rủi ro về dự báo kinh tế.

Bà nói: "Đối với RBA, virus Corona chủng mới sẽ không thúc đẩy các phản ứng chính sách mà chỉ thêm vào nhiều rủi ro có thể thấy cho những hành động chính sách tiếp theo trong năm nay.

Bà Ong khuyến nghị RBA nên sớm thừa nhận rủi ro và sự không chắc chắn xung quanh tác động có thể có của các vụ cháy rừng và dịch bệnh trong bản đánh giá định kỳ vào cuối tuần này, khi hội đồng quản trị nhóm họp trở lại.

Nửa cuối năm 2019, thời điểm lãi suất ở mức cực thấp cũng là lúc tăng trưởng kinh tế Australia chỉ dao động quanh ngưỡng 1,7%. Những tác động của khủng hoảng cháy rừng lan rộng chưa từng có trong mùa Hè qua và bây giờ là sự bùng phát của chủng mới virus Corona đi kèm với phản ứng có phần dữ dội của các quốc gia đối với dịch bệnh này trên toàn thế giới đang khiến dự báo về tăng trưởng kinh tế Australia càng trở nên khó xác định.

Giá trị cổ phiếu trên thị trường thế giới giảm 1,4% vào hôm đầu tuần này, trong bối cảnh ngày càng nhiều lo ngại hơn về tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona đối với nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là về nhu cầu đối với các nguồn tài nguyên như dầu mỏ.

Các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia kinh tế Australia đang thảo luận về việc liệu nền kinh tế và ngân sách nước này sẽ bị ảnh hưởng như thế nào trong bối cảnh hiện nay, nhưng điều quan trọng nhất cần phải ghi nhớ là RBA đang giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục.

RBA đã luôn lựa chọn phương án tiền tệ an toàn để hỗ trợ nền kinh tế “ì ạch” vượt ra khỏi tình trạng giảm phát, theo cách cung cấp tài sản có giá trị cao hơn (nhà và cổ phiếu), trong khi đẩy các hộ gia đình vào các khoản nợ nhiều hơn. Trong khi đó, trong nhiều năm qua, nền kinh tế Mỹ luôn giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp (dưới 2%) và hiện tại Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có mức thâm hụt ngân sách 1.000 tỷ USD. Vì vậy, “duy trì lãi suất cực thấp” và yêu cầu hỗ trợ từ các ngân hàng trung ương trong một thập kỷ vừa qua được nhìn nhận là một giải pháp không mang lại nhiều ý nghĩa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục