Niềm tự hào của những người con quê hương cách mạng Tân Trào

Trong ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam - Quốc khánh 2/9, những người dân huyện Sơn Dương, Tuyên Quang càng thêm tự hào về truyền thống của quê hương mình - nơi cội nguồn cách mạng dân tộc.
Niềm tự hào của những người con quê hương cách mạng Tân Trào ảnh 1Làng văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào. (Ảnh: Quang Đán/TTXVN)

Những người dân huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang - nơi được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm căn cứ địa cách mạng của cả nước - luôn vinh dự và tự hào vì quê hương mình mang bề dày lịch sử. Niềm tự hào ấy càng được nhân lên trong dịp Kỷ niệm 70 năm Quốc khánh 2/9, Sơn Dương giờ đây đã là một vùng nông thôn mới, kinh tế-xã hội phát triển, đời sống người dân được nâng cao.

Tự hào truyền thống cách mạng

Những con đường rợp cờ hoa, băngrôn khẩu hiệu kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên từng ngôi nhà người dân… là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tìm về huyện Sơn Dương trong ngày Quốc khánh.

Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào Hoàng Như Loan tự hào giới thiệu, Sơn Dương là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử cách mạng. Tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Tại đây, đã diễn ra những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng 8/1945, như Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1; Quốc dân đại hội họp tại đình Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng, tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch, quy định Quốc kỳ, Quốc ca; dưới gốc đa Tân Trào lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, chỉ huy đơn vị giải phóng tiến về Hà Nội, cùng nhân dân cả nước thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…

Chúng tôi đến thăm bà Nông Thị Mơ, một trong những người cao tuổi nhất ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào. Mặc dù năm nay đã 91 tuổi nhưng bà Mơ vẫn nhớ như in không khí của Cách mạng Tháng Tám năm xưa.

Những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945, khí thế cách mạng ở Tân Trào rất tưng bừng, bà con các dân tộc ở đây quyết tâm một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, theo cách mạng. Mặc dù, lúc ấy cuộc sống của người dân trong xã vô cùng khó khăn, nhưng không ai ngại khó, ngại khổ, nhà nhà đều góp gạo, góp muối… để nuôi cán bộ cách mạng, giữ an toàn, bí mật cho Bác Hồ và các cán bộ làm việc tại đây.

Bà Mơ chia sẻ: "Người dân ở Tân Trào rất tự hào vì quê hương mình là một phần quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Do đó, ngày Quốc khánh đối với người dân nơi đây thực sự là một ngày hội, ngày Tết Độc lập nên xã thường tổ chức văn nghệ và các hoạt động thể thao chào mừng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Trào Trần Đức Hạnh cho biết tinh thần Cách mạng Tháng Tám quật khởi luôn là mạch nguồn bất tận, thấm sâu vào ý chí, tình cảm mọi người dân Tân Trào, từ đó tạo động lực để người dân xây dựng quê hương.

Hiện nay, Tân Trào đã là xã đạt chuẩn nông thôn mới, với 100% đường liên xã, trục chính của xã được nhựa hóa; 80% đường nội thôn, liên thôn và 50% đường nội đồng được bêtông hóa; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 16%, đến nay giảm còn 3%); trên 95% hộ gia đình được sử dụng điện an toàn; 100% số trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia...

Quê hương khởi sắc

Đến Sơn Dương trong ngày Quốc khánh năm nay, chúng tôi có thể nhận thấy rõ sự thay đổi đi lên: Đường làng ngõ xóm được bêtông hóa đến từng nhà, chợ trung tâm các xã lúc nào cũng tấp nập người mua, người bán.

Điều đáng chú ý nhất về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Sơn Dương là các địa phương trong huyện đã biết phát huy sức dân để xây dựng nông thôn mới, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm.” Nhà nước hỗ trợ ximăng, ống cống và vận chuyển đến thôn, bản; chính quyền cơ sở và các thôn, bản, tổ, xóm tự giải phóng mặt bằng; nhân dân tự nguyện đóng góp vật liệu, công lao động để xây dựng đường.

Theo thống kê, trong 5 năm qua, toàn huyện đã làm được trên 760km đường bêtông nông thôn, với tổng nguồn lực huy động trên 400 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp hơn 200 tỷ đồng (50%.)

Cùng với đó, về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, huyện Sơn Dương đã triển khai thực hiện quy hoạch các vùng chuyên canh cây trồng, thực hiện đầy đủ các cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến như cây chè, mía, cây nguyên liệu giấy, cây rau...

Đến nay, huyện đã hình thành các vùng nguyên liệu như mía 4.317ha; chè 1.550ha; nguyên liệu giấy 31.924ha... Giai đoạn 2011-2015, toàn huyện đã trồng trên 10.000ha rừng tập trung, đạt hơn 148% mục tiêu Nghị quyết, góp phần duy trì độ che phủ rừng đạt 54%...

Ông Hoàng Việt Phương, Bí thư Huyện ủy Sơn Dương cho biết Ðảng bộ huyện Sơn Dương vinh dự và tự hào được trưởng thành từ cái nôi của cách mạng, quê hương Tân Trào lịch sử. Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện đã đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm và 14 chỉ tiêu chủ yếu, đó là: đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, hiệu quả, bền vững; phát triển dịch vụ du lịch; khai thác tiềm năng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và mục tiêu trên, huyện đã đề ra những nhóm giải pháp lớn gồm đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường quốc phòng-an ninh; đẩy mạnh công tác xây dựng chính quyền, thanh tra, tư pháp; đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên…

Huyện Sơn Dương phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng/người/năm; trên 90% số hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; trên 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng đạt từ 60% trở lên, trong đó đào tạo nghề đạt trên 40%; giải quyết việc làm cho 23.000 lao động… để xứng đáng là quê hương cách mạng giàu truyền thống./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục