Niềm tự hào và nỗi khắc khoải trong ngày Tết Độc lập

Nhà văn Chu Lai bày tỏ, kỷ niệm 70 Quốc khánh cũng là lúc 90 triệu con dân Việt Nam phải siết tay nhau trả lời những câu hỏi về sự phát triển, “vươn mình” trong tương lai.
Niềm tự hào và nỗi khắc khoải trong ngày Tết Độc lập ảnh 1Nhà văn Chu Lai. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

Bảy thập kỷ từ mùa Thu cách mạng 1945, cả dân tộc đã đi qua một chặng đường nhiều đau thương, thách thức nhưng cũng không ít vinh quang, kiêu hãnh.

“Cùng với niềm tự hào dân tộc và khát vọng hòa bình, đây cũng là lúc chúng ta phải trả lời những câu hỏi về sự phát triển, ‘vươn mình’ trong tương lai,” đại tá-nhà văn Chu Lai chia sẻ.

Trở về và bước tiếp

Chu Lai bảo, mỗi quốc gia đều lấy một mốc son lịch sử nào đó làm điểm tựa tinh thần mà nương vào trong suốt hành trình phát triển của mình. Với Việt Nam, đó là ngày Quốc khánh 2/9.

Số phận của ông và một thế hệ như ông gắn với vận mệnh dân tộc từ những ngày lập quốc - mùa Thu cách mạng 1945.  Suốt dọc hành trình ấy, Chu Lai ra đi và trở về, mang trong mình sự hân hoan, tự hào và cả những niềm đau.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Chu Lai là một người lính đặc công hoạt động ở ven Sài Gòn. “Giữa khói lửa đạn bom, ngày nào cũng có đồng đội ngã xuống. Chúng tôi phải gắng gượng để tồn tại, chiến đấu với tất cả lòng tự trọng và sự lãng mạn của người lính cho đến ngày thắng lợi cuối cùng,” bàn tay nắm chặt, vị đại tá già nhớ lại.

Nhà văn kể, nơi chiến trường, những khái niệm cơ bản như ngày giỗ, tết, sinh nhật và thậm chí là Quốc khánh cũng nhòa đi trong bom đạn, đau thương và chết chóc. Thậm chí, trong ngày mất của Bác, nỗi đau cũng chỉ nhói lên, buốt giá rồi lại nhanh chóng lặn vào tim. Nỗi đau không kịp kéo dài bởi ngay sau đó, những người lính đã phải cầm súng chiến đấu với một đoàn quân đối phương ào vào căn cứ.

“Giữa chiến tranh mịt mù, mọi nỗi buồn, niềm vui đều ào đến rồi qua đi rất nhanh. Chúng không có thời gian, cơ hội kéo dài để con người có thể nhấm nháp. Thế nhưng, cứ mỗi dịp Quốc khánh, những người lính đều được nghe lại ‘Nắng Ba Đình,’ lời Bác đọc ‘Tuyên ngôn độc lập’… trên sóng phát thanh. Đó là một sự khích lệ rất cụ thể để những người lính chúng tôi đứng vững trong cuộc chiến khốc liệt với kẻ địch,” ký ức ùa về như thước phim quay chậm mở ra trước mắt người lính đặc công năm xưa.

Lặng đi chừng vài phút, nhà văn Chu Lai bảo, suốt từ đó đến nay, mỗi lần đến ngày sinh của dân tộc, trong lòng lại bừng lên một cảm xúc vừa là sự hướng vọng về những giá trị thiêng liêng nhất của Tổ quốc vừa là sự hướng vọng về sự đổi thay của dân tộc.

Trong ký ức của nhà văn, Hà Nội ở thời điểm ông khoác balô lên vai, tạm xếp  lại phía sau những hoài bão của tuổi trẻ để bước chân vào chiến trường vẫn còn là một vùng đất nghèo, chìm trong những đám bùn, sự hiu hắt. Để rồi, đến nay, những ngõ phố, con đường thay đổi đến mức mà trước đây, có mơ cũng không thể hình dung ra được: những tòa nhà cao tầng san sát, xe cộ nườm nượp…

Niềm tự hào và nỗi khắc khoải trong ngày Tết Độc lập ảnh 2Cầu Nhật Tân trong ngày khánh thành. (Ảnh: TTXVN)

“Trước đây, mỗi lần đi nước ngoài, trở về đến sân bay, tôi cảm thấy tủi tủi vì cảnh lam lũ, nghèo khó vẫn hiện hữu hai bên đường dẫn từ sân bay về nội thành. Thế nhưng, tháng Bảy vừa qua, tôi có dịp sang Wasington DC, New York. Khi trở về, nhìn thấy đường cao tốc Nhật Tân, đại lộ Võ Nguyên Giáp, lòng bỗng nghẹn lại một niềm xúc động, vui sướng. Xương máu của cha anh đổ xuống đã không uổng,” sau phút lặng đi, giọng ông bỗng hào hứng trở lại.

Trở về và bước tiếp, vị đại tá già bày tỏ: “Kỷ niệm 70 năm ngày sinh của dân tộc cũng là lúc chúng ta phải trả lời câu hỏi: Hành trình đã qua là cuộc trường chinh ‘sáng chắn bão giông, chiều che nắng lửa.’ Tự do có rồi, độc lập đã giành được nhưng phải làm sao để sự ấm no, hạnh phúc được đảm bảo trong một đà đi lên mạnh mẽ. Đó là câu hỏi mà 90 triệu con dân Việt Nam phải siết chặt tay trả lời.”

“Nốt trầm” trong bản hòa ca

Trong cảm thức chung về ngày Quốc khánh, nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng, nghệ sỹ nhân dân Chu Thúy Quỳnh lại mang trong mình những ẩn ức riêng.

Những nghệ sỹ đã đi một chặng đường dài, trải nghiệm và thấm thía những biến động của đời sống, nghệ thuật ấy bảo, cảm giác mới mẻ của những lần đầu hòa mình vào không khí cả nước kỷ niệm ngày Quốc khánh đã dần qua đi theo thời gian. Cảm xúc về Tết độc lập không còn nằm ở phần nổi với sự háo hức, hồ hởi mà dần lắng sâu, chuyển thành những trăn trở.

“Khi còn là một đứa trẻ, mỗi dịp Quốc khánh, tôi đều cảm thấy rất hồi hộp. Buổi tối 2/9, tôi thường ăn cơm thật sớm để ra Bờ Hồ xem bắn pháo hoa. Đó là điều đặc biệt nhất. Còn giờ đây, mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh của đất nước cũng là lời nhắc nhở tôi về trách nhiệm công dân, thái độ làm nghề,” nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng tâm sự.

Trong quan niệm của nghệ sỹ được ví là “con dao pha” của nền sân khấu, điện ảnh Việt Nam, nghệ thuật ngoài chức năng giải trí, đem đến cho con người niềm vui, tiếng cười để tạm quên đi những mệt mỏi của đời thường thì còn có nhiệm vụ đưa ra tiếng nói công dân, góp phần đấu tran chống lại những bất ổn (tiêu cực, tệ nạn xã hội…).

Niềm tự hào và nỗi khắc khoải trong ngày Tết Độc lập ảnh 3Nghệ sỹ nhân dân Hoàng Dũng (Ảnh: Tùng Lâm/Vietnam+)

“Bộ mặt văn hóa của Hà Nội là vấn đề cần đặc biệt chú ý trong quá trình xây dựng và phát triển đời sống hiện nay. Ngoài việc kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, dòng chảy ấy cần tiếp thu, hòa nhập cùng những giá trị văn hóa thế giới; để trở thành một bức tranh đa dạng, nhiều màu sắc. Và, nếu được chọn, trong bảng màu ấy, tôi muốn được là sắc xanh - dịu nhẹ nhưng cũng không kém phần tinh tế, sâu lắng,”

Cùng với sự đổi thay của đất nước, đời sống nghệ sỹ cũng dần được cải thiện. “Thế nhưng, rất nhiều nghệ sỹ vẫn chưa thể sống được bằng nghề. Làm sao để giữ chân được những gương mặt trẻ với sàn tập giữa những xô đẩy của những mối lo cơm-áo-gạo-tiền trong nhịp sống hối hả hiện nay là điều khiến tôi day dứt, trăn trở nhất,” nghệ sỹ nhân dân Chu Thúy Quỳnh - Chủ tịch hội Nghệ sỹ Múa chia sẻ.

Đôi vai bà bỗng rung lên. Người nghệ sỹ đã ở tuổi 75 ấy kể, mỗi năm, chỉ có bảy biên đạo múa được cấp kinh phí sáng tác từ nguồn ngân sách (với mức hỗ trợ dao động từ 2-7 triệu đồng/người/năm).

“Với một lĩnh vực ‘học thì dài mà hành thì ngắn’ như nghệ thuật múa, thực tế ấy liệu có thể giúp nghệ sỹ đam mê, đeo đẳng với nghề? Thời gian đào tạo với một diễn viên múa có khi kéo dài cả chục năm nhưng thời gian nghệ sỹ có thể trình diễn trên sân khấu cũng chỉ dao động trong khoảng 10 năm,” nghệ sỹ từng được mệnh danh là “ngôi sao múa đến từ phương Đông tâm sự, đôi mắt buồn nhìn xa xăm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục