Nigeria áp đặt lệnh giới nghiêm tại bang Niger

Bang Niger áp đặt lệnh giới nghiêm khi các cuộc biểu tình phản đối chính phủ bãi bỏ trợ giá nhiên liệu trên cả nước vẫn tiếp tục.
Chính quyền bang Niger, miền Trung Nigeria, ngày 11/1 đã áp đặt lệnh giới nghiêm 24 giờ, trong bối cảnh làn sóng biểu tình phản đối chính phủ bãi bỏ trợ giá nhiên liệu tại hầu hết các thành phố lớn trên cả nước đã kéo dài sang ngày thứ ba liên tiếp, bạo loạn đã xảy ra tại thành phố Minna, thủ phủ bang này.

Trong một tuyên bố, chính quyền bang Niger cho biết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, lệnh giới nghiêm 24 giờ sẽ được áp đặt tại tất cả 25 khu vực ở bang này nhằm ngăn chặn bạo lực.

Theo các nguồn tin, trong ngày 11/1, các cuộc biểu tình ở thành phố Minna đã leo thang thành bạo loạn khi nhiều đối tượng đốt phá văn phòng của Ủy ban bầu cử quốc gia độc lập (INEC), văn phòng chiến dịch tranh cử của Thống đốc bang và tài sản của các quan chức đảng Dân chủ Nhân dân (PDP) cầm quyền. Nhiều xe ôtô cũng bị đốt phá.

Những người biểu tình, trong đó chủ yếu là thanh niên, đã phong tỏa nhiều tuyến đường chính của thành phố. Lực lượng cảnh sát sau đó đã sử dụng hơi cay giải tán đám đông biểu tình.

Bấp chấp lệnh của chính phủ yêu cầu chấm dứt đình công, ngày 11/1, biểu tình ồ ạt vẫn tiếp diễn tại nhiều thành phố lớn. Tại Lagos, thành phố đông dân nhất châu Phi, khoảng 10.000 người đã tiến hành biểu tình hòa bình, trong khi các đối tượng quá khích đã đập phá xe cảnh sát và phá hoại các biển chỉ đường.

Tại thành phố Kano, hàng chục nghìn người tuần hành trên các tuyến phố, sau khi các vụ đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát ở thành phố này trong ngày 9/1 đã làm hai người thiệt mạng.

Chính phủ Nigeria ngày 11/1 đã đề nghị các nghiệp đoàn và người dân nước này bình tĩnh nhằm làm giảm tình hình căng thẳng tại đất nước.

Bộ trưởng Thông tin Labaran Maku cho biết Chính phủ quyết định sẽ đề nghị đối thoại với các nghiệp đoàn, đồng thời kêu gọi các nghiệp đoàn và các tổ chức xã hội dân sự ngừng các hành động phản kháng và ngồi vào bàn đàm phán.

Bộ trưởng Maku cũng nhắc lại quan điểm của chính phủ liên bang, cho rằng việc cắt trợ cấp nhiên liệu là cấp thiết để đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi tình trạng khó khăn. Chính phủ sẽ sử dụng số tiền từ trợ cấp nhiên liệu này để tạo thêm việc làm, hỗ trợ sản xuất, đồng thời sẽ đẩy nhanh chương trình phúc lợi xã hội để giảm bớt ảnh hưởng của việc cắt trợ cấp nhiên liệu.

Trong khi đó, nghiệp đoàn công nhân ngành dầu mỏ PENGASSAN của Nigeria tuyên bố sẽ giảm sản lượng xuống mức báo động đỏ và có thể sẽ ngừng sản xuất nếu chính phủ không đáp ứng yêu cầu của họ. Nghiệp đoàn công nhân dầu mỏ NUPENG cũng đe dọa sẽ đình công.

Với dân số 160 triệu người, Nigeria là nước đông dân nhất châu Phi, song phần lớn sống trong nghèo đói và trông chờ vào trợ cấp nhiên liệu của chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ Nigiêria đã hủy bỏ trợ cấp nhiên liệu từ ngày 1/1 với ước tính sẽ tiết kiệm được 6,21 tỷ USD trong năm nay để có thêm ngân sách cho giảm đói nghèo.

Quyết định này đã gây ra làm sóng phản đối mạnh của người dân, dẫn tới bãi công và biểu tình quy mô lớn tại nhiều địa phương trên cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục