Nigeria gần như tê liệt

Nigeria gần như tê liệt do biểu tình đang lan rộng

Sân bay nội địa, trạm bán xăng, ngân hàng đều đóng cửa, đường phố vắng vẻ khác thường và chỉ có tiếng hô của đoàn người đi biểu tình.
Ngày 10/1, các cuộc biểu tình phản đối quyết định tăng giá nhiên liệu của chính phủ tiếp tục diễn ra tại hầu hết các thành phố lớn ở Nigeria, trong khi các tổ chức công đoàn kêu gọi biểu tình "vô thời hạn."

Theo các nguồn tin, Nigeria gần như "bị tê liệt" vì tất cả các sân bay nội địa, các trạm bán xăng, các ngân hàng đều đóng cửa, đường phố ở các thành phố vắng vẻ khác thường và chỉ có tiếng hô của những đoàn người đi biểu tình.

Trong ngày 9/1, xung đột đã xảy ra tại một số thành phố làm hàng chục người chết và bị thương, trong đó tình hình nghiêm trọng nhất là tại thành phố Kano. Tại thành phố lớn nhất miền Bắc Nigeria này, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình, trong đó hàng nghìn người tụ tập trước văn phòng thống đốc bang, buộc cảnh sát phải dùng hơi cay và bắn chỉ thiên để giải tán.

Một số người quá khích đã đốt hai chiếc xe tải nhỏ và định đốt nhà của Thống đốc Ngân hàng trung ương Lamido Sanusi, nhưng cảnh sát đã kịp thời ngăn được. Văn phòng của một quan chức chính quyền bang cũng bị phóng hỏa và hư hỏng nặng.

Một quan chức Hội Chữ thập Đỏ cho biết xung đột tại thành phố Kano đã làm 3 người chết, trong đó có 1 em nhỏ, và khoảng 30 người bị thương. Nhà chức trách đã phải ban hành lệnh giới nghiêm vào ban đêm tại Kano, hiện chưa rõ đám đông biểu tình tại quảng trường chính của thành phố đã được giải tán hay chưa.

Tại thành phố Lagos, trung tâm thương mại lớn nhất của Nigeria, có ít nhất hơn 10.000 người biểu tình tuần hành, phần lớn biểu tình hòa bình, để phản đối tăng giá nhiên liệu. Tuy nhiên, một số phần tử quá khích đã đốt lốp xe dọc tuyến đường đi và xảy ra xung đột với cảnh sát làm 3 người chết.

Cùng ngày, lệnh giới nghiêm cũng được ban bố tại thành phố Zamfara, ở miền Bắc Nigeria, sau khi những người biểu tình đập vỡ cửa kính một nhà thờ. Trong khi đó, tại thành phố Benin, ở miền Nam, những người biểu tình đã tấn công một thánh đường, khiến cảnh sát phải dùng hơi cay để giải tán.

Tại thủ đô Abuja, hôm 8/1, chính quyền thành phố đã phải huy động lực lượng cảnh sát lớn để đảm bảo an ninh. Trong khi đó, người biểu tình đã dựng lều trại ở trước Quảng trường Đại bàng ở trung tâm thành phố.

Với dân số 160 triệu người, Nigeria là nước đông dân nhất châu Phi và với mức xuất khẩu trung bình mỗi ngày 2 triệu thùng dầu thô và thu về khoảng 200 triệu USD, quốc gia Tây Phi này cũng là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất châu lục.

Hầu hết người dân Nigeria sống trong nghèo đói với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày và nguồn lợi duy nhất mà họ được hưởng là trợ cấp nhiên liệu của chính phủ. Tuy nhiên, chính phủ đã hủy bỏ trợ cấp từ ngày 1/1/2012 với lý do để có thêm ngân sách cần thiết cho xóa giảm đói nghèo.

Chính phủ ước tính tiết kiệm được 6,21 tỷ USD trong năm nay nếu hủy bỏ trợ cấp, chưa kể những biện pháp tiết kiệm ngân sách khác, như cắt giảm 25% lương quan chức chính phủ, hạn chế các chuyến công cán nước ngoài tốn kém./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục