Nigeria: Tổng thống đàm phán với các nghiệp đoàn

Tổng thống Nigeria đàm phán với lãnh đạo các nghiệp đoàn lao động nước này nhằm giải quyết cuộc đình công toàn quốc kéo dài 4 ngày qua.
Ngày 12/1, Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan và lãnh đạo các nghiệp đoàn lao động nước này đã tiến hành cuộc đàm phán đầu tiên nhằm giải quyết cuộc đình công và biểu tình phản đối cắt trợ cấp nhiên liệu trên toàn quốc kéo dài 4 ngày qua đang làm tê liệt các hoạt động của quốc gia Tây Phi này.

Trong khi đó, nghiệp đoàn công nhân ngành dầu mỏ Pengassan của Nigeria ngày 12/1 tuyên bố sẽ ngừng hoạt động sản xuất dầu và khí đốt kể từ ngày 15/1 nếu chính phủ của Tổng thống Jonathan không rút lại quyết định bãi bỏ trợ cấp giá nhiên liệu cho người dân nước này.

Nigeria sản xuất hơn 2 triệu thùng dầu thô/ngày và là nguồn cung cấp dầu quan trọng cho Mỹ, châu Âu và châu Á. Xuất khẩu dầu đã mang lại cho Nigeria, nền kinh tế lớn thứ 2 của châu Phi, hơn 90% nguồn thu ngoại tệ.

Chính phủ Nigeria trước đó cho rằng việc cắt trợ cấp nhiên liệu là cấp thiết để đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi tình trạng khó khăn. Chính phủ sẽ sử dụng số tiền từ trợ cấp nhiên liệu này để tạo thêm việc làm, hỗ trợ sản xuất, đồng thời sẽ đẩy nhanh chương trình phúc lợi xã hội để giảm bớt ảnh hưởng của việc cắt trợ cấp nhiên liệu.

Liên tục trong 4 ngày qua, làn sóng đình công và biểu tình của công nhân và người dân Nigeria không ngừng dâng cao trong bối cảnh giá dầu mỏ ở nước này tăng hơn 2 lần và đã ở mức khoảng 150 naira (0,93 USD)/lít, làm tăng giá cước vận tải, giá lương thực và nhiều loại hàng hóa khác. Pengassan cũng đang đề nghị chính phủ đưa giá dầu mỏ về mức 65 naira/lít, đương đương mức giá trước ngày 1/1 - ngày thực hiện quyết định bãi bỏ trợ cấp giá nhiên liệu.

Xung đột đã nổ ra trong các cuộc biểu tình ở một số thành phố làm hàng chục người chết và bị thương, nhiều nhà cửa, ôtô bị đốt phá, nhiều dịch vụ ngừng hoạt động và buộc chính phủ phải áp đặt lệnh giới nghiêm tại một số bang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục