Ninh Bình: 21.000 tỷ đồng để phát triển nông nghiệp

Ninh Bình quyết định dành 20.976 tỷ đồng đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020.
Tỉnh Ninh Bình đã quyết định dành 20.976 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, vay tín dụng, vốn tự có và vốn khác để đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn, chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ năm 2011 đến năm 2015 là 7.644 tỷ đồng, giai đoạn 2 từ năm 2016 đến năm 2020 là 13.332 tỷ đồng; trong đó, đầu tư cho nông nghiệp chiếm 78,7% tổng nguồn vốn, đầu tư cho phát triển lâm nghiệp chiếm 1,26% và đầu tư cho phát triển thủy sản chiếm 20%.

Cơ giới hóa được tỉnh coi là bước đột phá quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông thôn kết hợp với mở rộng sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, từng bước hình thành cánh đồng mẫu lớn, tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nông dân, doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đưa máy móc hiện đại vào các khâu từ sản xuất, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.

Vụ xuân năm 2012, Trung tâm khuyến nông Ninh Bình đã triển khai trình diễn thí điểm mô hình máy gặt đập liên hợp tại xã Ninh Khang (huyện Hoa Lư) và trực tiếp thực hiện hỗ trợ một phần kinh phí mua máy gặt đập liên hợp cho một nhóm hộ nông dân.

Loại máy được chọn là máy DSM55 của doanh nghiệp Sài Gòn Kim Hồng, có công suất 55 mã lực, tiêu hao 4-5 lít dầu/giờ, mỗi giờ có thể thu hoạch 4-5 sào lúa. Ưu điểm của loại máy này là có thể gặt ở ruộng trũng, sâu và gặt đến tận gốc rạ, tỷ lệ rơi vãi ít (dưới 2%), năng suất cao gấp 20-30 lần người gặt, chi phí giảm 60.000 đồng/sào so với thuê người gặt, rơm tơi, nhỏ, rất tốt cho sản xuất vụ mùa.

Tại huyện Yên Khánh, nơi đang triển khai 7 vùng sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn ở các xã Khánh Nhạc, Khánh Cư, Khánh Hải, Khánh Vân, Khánh Mậu, Khánh Hội, Khánh Thủy, đã có 22 máy gặt đập liên hợp tham gia thu hoạch lúa vụ xuân nhằm giải phóng nhanh đồng ruộng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đinh Quốc Trị cho biết, ngay từ bây giờ, Ninh Bình từng bước tiến hành quy hoạch, xây dựng 12 vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gồm vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 45.000 hecta gieo trồng; vùng sản xuất đậu tương hàng hoá 9.000 hecta; vùng sản xuất dứa 3.000 hecta; vùng sản xuất rau an toàn tập trung 530 hecta; vùng trồng mía nguyên liệu 1.100 hecta; vùng trồng cói 400 hecta; vùng chăn nuôi bò thịt quy mô 40.000 con; vùng chăn nuôi lợn hướng nạc 350.000 con; vùng chăn nuôi dê hàng hoá 28.000 con; vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn 3.500 hecta; vùng nuôi trồng thuỷ sản ruộng trũng tập trung 5.850 hecta và vùng trồng hoa, cây cảnh, bảo đảm đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và nhu cầu của thị trường.

Tỉnh khuyến khích ưu tiên khai thác, phát triển sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có ưu thế của từng vùng sinh thái, gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và tiêu thụ đi đôi với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để góp phần xây dựng nông thôn mới.

Thời gian tới, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình phối hợp với Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Sa mạc Ramat - Negev của Israel tiến hành thực hiện chương trình hợp tác đào tạo thực tập sinh nông nghiệp cho 40 học viên là cán bộ nông nghiệp, sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng hoặc sinh viên năm thứ 3 hệ đại học, sinh viên năm cuối hệ cao đẳng về lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian 11 tháng (từ tháng 9/2012 đến tháng 5/2013)./.

Vũ Anh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục