Ninh Thuận: Bắt giữ đối tượng cản trở hoạt động cụm công nghiệp

Công an Phan Rang-Tháp Chàm đã bắt giữ 3 đối tượng là anh em ruột về hành vi "chống người thi hành công vụ," cản trở hoạt động tại cụm công nghiệp Tháp Chàm.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 tháng đối với 3 anh em ruột là ông Nguyễn Tấn Thành (60 tuổi), bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (48 tuổi) và bà Nguyễn Thị Lệ Thu (46 tuổi), cùng cư trú ở phường Bảo An, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm về hành vi "chống người thi hành công vụ" liên quan đến việc đòi hỏi bồi thường thu hồi đất, cản trở hoạt động tại cụm công nghiệp Tháp Chàm.

Trước đó, ngày 11/8, lực lượng Cảnh sát cơ động - Công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đã thực hiện lệnh cưỡng chế, tháo dỡ rào chắn, lều trại mà anh em Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Lệ Thu, Nguyễn Ngọc Anh và những người khác (con bà Cao Thị Kính) dựng lên từ nhiều tháng qua, gây cản trở đường ra vào cụm công nghiệp Tháp Chàm để đòi lại đất vì họ cho rằng việc bồi thường đất cho gia đình khi thu hồi không thỏa đáng.

Trong lúc cưỡng chế, nhiều người con của bà Kính đã hung hăng cản trở, dùng bịch xăng, bật lửa ga dọa đốt; số người khác dùng gậy gộc chống người thi hành công vụ, dẫn đến xô sát. Công an thành phố đã phải huy động số đông lực lượng đến hiện trường để khống chế, áp sát; đồng thời dùng cả thiết bị chữa cháy để xử lý, không cho lửa phát cháy.

Công an thành phố đã tạm giữ hành chính các đối tượng chống đối. Riêng 3 đối tượng là Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Lệ Thu đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố bắt tạm giam 2 tháng và ra quyết định khởi tố về hành vi "chống người thi hành công vụ." Các đối tượng còn lại xử phạt vi phạm hành chính.

Năm 2003, đất của hộ bà Cao Thị Kính được Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận quyết định thu hồi với diện tích hơn 9.500m2 làm cụm công nghiệp Tháp Chàm. Vì cho rằng Ủy ban Nhân dân tỉnh bồi thường với giá thấp, nên những người con của bà Kính liên tục khiếu nại, yêu cầu bồi thường với số tiền trên 17 tỷ đồng (theo như tính toán của gia đình bà Kính).

Mặc dù trong quyết định thu hồi đất của tỉnh trước đây có sai sót nhỏ (sai về chủ sở hữu đất), nhưng tỉnh cũng đã kịp thời chỉnh sửa và đã ban hành quyết định khác, đồng thời áp giá bồi thường theo giá đất mới cùng các khoản hỗ trợ với số tiền là 3 tỷ đồng (trước đây trên 1 tỷ đồng), nhưng gia đình bà Kính vẫn không đồng ý, tiếp tục khiếu nại, cản trở và yêu cầu bồi thường theo Luật Bồi thường trách nhiệm Nhà nước.

Thuận theo yêu cầu đó, tỉnh đã quyết định tiếp tục bồi thường hơn 1 tỷ đồng, bao gồm cả về hỗ trợ tiền thuê nhà, bồi thường tài sản tạm giữ bị thất lạc, thiệt hại phát sinh do không canh tác…, nâng tổng số tiền bồi thường cho gia đình bà Kính hơn 4 tỷ đồng theo đúng quy định.

Dù vậy gia đình bà Kính vẫn không đồng ý và đòi bồi thường với cái giá cao không thể chấp nhận được là hơn 17 tỷ đồng. Mặc dù được các cấp, ngành nhiều lần thương lượng, thỏa thuận để có tiếng nói chung nhưng lúc nào gia đình bà Kính cũng bất hợp tác, tự ý dựng lều trại sinh hoạt tại chỗ, cản trở đường ra vào cụm công nghiệp để đòi lại đất.

Hơn 10 năm nay, chính vì lợi ích cá nhân, đòi hỏi bồi thường một cách phi lý nên những đối tượng này đã phải chịu hình thức xử lý thích đáng của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục