Nợ công tác động xấu đến kinh tế khu vực châu Phi

Nợ công có thể làm ngân hàng châu Âu tái cơ cấu nguồn tín dụng và điều chỉnh các khoản cho vay đối với các nước, nhất là ở châu Phi.
Các quốc gia châu Phi, trong đó có Nam Phi, sẽ phải đối phó với những ảnh hưởng xấu từ cuộc khủng hoảng nợ công đang xảy ra tại khu vực đồng euro, với biểu hiện rõ nhất là kim ngạch xuất khẩu sang các quốc gia khu vực này có thể giảm mạnh trong thời gian tới.

Tại hội thảo về "Tác động của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đối với kinh tế châu Phi" diễn ra ngày 6/3 tại thành phố Johannesburg, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nam Phi, Lesetja Kganyago, cho biết các nước châu Phi, nhất là các cơ quan quản lý tài chính, tiền tệ và ngân hàng trung ương, cần sớm xây dựng kịch bản để giảm thiểu rủi ro như là một trong những biện pháp ưu tiên hàng đầu.

Ông Lesetja Kganyago cũng lưu ý do cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay có thể làm cho nhiều ngân hàng châu Âu phải tái cơ cấu nguồn tín dụng và điều chỉnh các khoản cho vay đối với các nước, nhất là ở "lục địa Đen."

Hiện các ngân hàng châu Âu đang cung cấp khoảng 30% lượng tín dụng ngân hàng ở châu Phi và 40% lượng tín dụng ở châu Âu.

Việc các khoản vay từ châu Âu cho một số quốc gia châu Phi và các khu vực khác trên thế giới bị hạn chế có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của khu vực và toàn cầu. Nếu kinh tế toàn cầu lại rơi vào một cuộc khủng hoảng kéo dài, chắc chắn kinh tế Nam Phi, nhất là xuất khẩu và các dự án đầu tư nước ngoài, sẽ không tránh khỏi bị tác động.

Hiện nay, hơn 1/3 kim ngạch thương mại của châu Phi có liên quan đến các thị trường châu Âu, với một nửa số bạn hàng và đối tác thương mại lớn, truyền thống của châu Phi là ở châu Âu.

Do đó, nhằm giảm thiểu những rủi ro, ông Kganyago nêu rõ châu Phi nói chung và Nam Phi nói riêng cần sớm tổ chức lại hệ thống quản lý tài chính trong nước cũng như mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các thị trường mới nổi khác, nhất là các nước trong nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) cũng như khu vực châu Á, Mỹ Latinh đầy tiềm năng, để giải quyết những thách thức to lớn có thể phát sinh trong tương lai gần./.

Mạnh Hùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục