Kinh tế Việt Nam: Kỳ vọng vào chính sách mới

Nỗ lực cải cách giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế bền vững

Năm 2014-2015 có nhiều nhân tố để tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi dần tốc độ tăng trưởng.
Nỗ lực cải cách giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế bền vững ảnh 1(Ảnh minh họa: Hoàng Hải/TTXVN)

Năm 2014-2015 có nhiều nhân tố để tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi dần tốc độ tăng trưởng, niềm tin của thị trường được củng cố và doanh nghiệp có triển vọng phát triển bền vững.

Tất cả những điều này kỳ vọng vào những nỗ lực của Chính phủ, trong đổi mới mạnh mẽ về thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo sự vận hành của cơ chế thị trường và lành mạnh.

Nhận định này đã được nhiều chuyên gia kinh tế chia sẻ tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2014 “Vấn đề và Giải pháp cho doanh nghiệp” tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 21/2.

Tăng trưởng nhưng nhiều rủi ro

Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi, trong năm 2014 sẽ tăng 3,6% và năm 2015 là 3,9%. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo thương mại thế giới năm nay tăng 4% so với mức tăng 2,5% trong năm 2013.

Dòng đầu tư FDI sẽ tăng so với năm trước, dự kiến đạt 1.600 tỷ USD và có xu hướng chuyển dịch giữa các châu lục. Trong năm 2014, giá cả thế giới có xu hướng giảm, đặc biệt giá cả lương thực sẽ giảm mạnh.

Theo đó, dự báo bức tranh kinh tế thế giới trong hai năm 2014-2015 cho thấy, ngoài những thuận lợi thì kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với những khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu nông sản.

Ông Sandeep Mahajan, chuyên gia Kinh tế trưởng của đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng năm 2014, kinh tế thế giới sẽ hồi phục nhưng chưa diễn ra mạnh mẽ và vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Các nước đang phát triển có tiềm năng tăng trưởng giảm dần, đồng thời nếu chỉ sử dụng chính sách tài khóa, ngân sách, tiền tệ… thì sẽ không giải quyết được các rủi ro mà phải thực hiện cải cách kịp thời.

Tiềm năng tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam phụ thuộc vào những chính sách và cải cách thể chế của chính quốc gia đó.

Hiện nay, nhiều quốc gia đang phát triển dù đã tích cực triển khai chính sách khá tốt nhưng thực hiện cải cách thể chế còn chậm nên chưa đủ sức hấp dẫn và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quốc tế.

Nhằm tăng trưởng và hạn chế rủi ro, Việt Nam cần chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực tài chính-ngân hàng với sự tham gia của thành phần kinh tế tư nhân, đồng thời tiếp tục thắt chặt lĩnh vực này sẽ dẫn đến khó tiếp cận vốn nhưng giảm rủi ro về tiền tệ.

Tiến sỹ Trần Du Lịch nhận định hành trang Việt Nam bước vào năm 2014 tuy những khó khăn sẽ giảm hơn so với đầu năm 2013, nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức cả ngắn hạn lẫn trung-dài hạn.

Một nền công nghiệp chủ yếu dựa vào gia công, lao động rẻ, giá trị gia tăng thấp đã mất sức cạnh tranh khi hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu.

Giai đoạn năm 2012-2013, Việt Nam gia tăng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước rất hạn chế về khả năng tăng trưởng xuất khẩu.

Trong khi đó công nghiệp hỗ trợ-yếu tố then chốt để nâng tỷ trọng nội địa hóa trong cơ cấu giá trị sản phẩm, giảm giá thành cho đến nay vẫn chưa phát triển đáp ứng nhu cầu thực tế.

Việt Nam có nền nông nghiệp nhiều lợi thế nhưng dựa vào xuất khẩu thô với giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự đặt vào khuôn khổ cạnh tranh toàn cầu.

Đồng thời thị trường nông thôn có số lượng người tiêu dùng chiếm gần 70% dân số nhưng không thể mở rộng cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Kỳ vọng chính sách mới

Chính sách của Chính phủ hai năm 2014-2015 là củng cố và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô với những nỗ lực nhất định để phục hồi kinh tế, đồng thời tăng cường thực hiện chương trình tái cấu trúc nền kinh tế.

Bên cạnh đó chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt hướng đến mục tiêu tăng tín dụng khoảng trên dưới 15%/năm.

Đồng thời một số chính sách như miễn giảm thuế, xử lý nợ xấu, hỗ trợ người thu nhập thấp thuê-mua nhà ở… sẽ tiếp tục được thực hiện.

Đáng chú ý là mức nâng bội chi ngân sách từ mục tiêu 4,8% GDP lên 5,3% GDP kết hợp cùng việc phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng trong ba năm 2014-2016 chủ yếu để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Với chính sách như vậy có thể kỳ vọng Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,8% năm 2014 và khoảng 6% năm 2015, trong khi ổn định kinh tế vĩ mô được cải thiện, lạm phát chỉ khoảng 7%/năm.

Ông Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện kinh tế Trung ương cho biết điều đáng chú ý là việc nâng trần bội chi ngân sách và phát hành thêm trái phiếu chính phủ để đầu tư có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu.

Tuy nhiên, rủi ro đi kèm sẽ là mức lạm phát, thâm hụt thương mại lớn hơn, đó là chưa kể đến một số khó khăn trong ứng xử với tỷ giá và lãi suất để duy trì tính hấp dẫn của đồng Việt Nam.

Theo tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, năm nay xuất khẩu có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng như năm 2013 hoặc cao hơn, trong đó tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa cũng cao hơn.

Về đầu tư FDI ngoài tăng bằng hoặc cao hơn năm trước, sẽ còn tăng về mức độ giải ngân thực tế. Đồng thời đầu tư công của Chính phủ tăng ít nhưng việc sắp xếp lại dự án, lựa chọn khắt khe hơn để tạo ra hiệu quả cao.

Riêng đầu tư khu vực tư nhân và doanh nghiệp nội địa phụ thuộc rất lớn vào chương trình tái cấu trúc tài chính của các ngân hàng thương mại và xử lý nợ xấu, đồng thời phụ thuộc khá lớn vào lòng tin người tiêu dùng và nhà đầu tư./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục