Nỗ lực đưa ASEAN thành một thị trường chung

Để ASEAN trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất chung, các nước ASEAN còn phải tiếp tục nỗ lực trải qua 2 giai đoạn.
Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 đã được tổ chức vào ngày 28/10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Đây là hội nghị thường niên của ASEAN cũng là hội nghị cuối cùng của Hội đồng trong năm ASEAN 2010.

Đến thời điểm hiện nay, trên con đường tiến tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ASEAN đã gần như hoàn thành thực hiện các biện pháp đề ra cho giai đoạn thứ nhất 2008-2009 và đã chuyển sang các bước của giai đoạn sau 2010-2011.

Để đạt mục tiêu cuối cùng là đưa ASEAN trở thành một thị trường và cơ sở sản xuất chung, một khu vực kinh tế cạnh tranh cao, phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu vào năm 2015; các nước ASEAN còn phải tiếp tục nỗ lực để trải qua hai giai đoạn thực hiện là giai đoạn 2012-2013; và 2014-2015.

Về xây dựng một thị trường và cơ sở sản xuất chung, kể từ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 16 (tháng 4/2010) đến nay, ASEAN đã đạt được nhiều tiến bộ trong tiến trình hiện thực hóa AEC vào năm 2015. Hiệp định về Thương mại hàng hóa ASEAN đã bắt đầu có hiệu lực vào 17/5/2010 và trở thành một công cụ pháp lý toàn diện với hàng loạt các biện pháp hướng tới sự lưu chuyển hàng hóa tự do hơn trong ASEAN.

Trong lĩnh vực dịch vụ, các nước ASEAN đã hoàn tất Nghị định thư về gói cam kết dịch vụ thứ 8 và tiến hành ký kết tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17. ASEAN đang nỗ lực hoàn thiện các nội dung cơ bản để tự do hóa hơn nữa các cam kết về dịch vụ trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS). Về đầu tư, ASEAN đang tiến hành các biện pháp nhằm cắt giảm/xóa bỏ những hạn chế về đầu tư, nhằm thu hút đầu tư, tăng cường cạnh tranh của các nền kinh tế trong khu vực.

Trong lĩnh vực tài chính, sau khi Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM) chính thức có hiệu lực vào ngày 24/3/2010 sẽ hỗ trợ các nhiệm vụ của CMIM thông qua việc thiết lập một cơ quan giám sát khu vực đáng tin cậy và độc lập.

Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 đã được các Bộ trưởng Tài chính ASEAN giao chức năng giám sát kinh tế vĩ mô khu vực cho sự vận hành của CMIM và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý I năm 2011. Hiện ASEAN đang thảo luận để hình thành Quỹ Cơ sở Hạ tầng ASEAN (AIF) nhằm hỗ trợ về tài chính cho các yêu cầu về cơ sở hạ tầng lớn của khu vực.

Về an ninh lương thực, ASEAN đã thiết lập Khung khổ An ninh Lương thực ASEAN và Chương trình Hành động Chiến lược Trung hạn về An ninh Lương thực. Giai đoạn chuẩn bị cho Hệ thống kho gạo khẩn cấp của ASEAN+3 như là một cơ chế thường xuyên đã được bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2010 và sẽ thay thế cho Hệ thống Kho gạo Khẩn cấp Đông Á.

Liên quan đến trụ cột thứ 2 của AEC về một khu vực kinh tế có khả năng cạnh tranh, các ấn phẩm “Hướng dẫn về chính sách cạnh tranh khu vực ASEAN” và “Sổ tay về luật và chính sách cạnh tranh cho doanh nghiệp ASEAN" do Nhóm chuyên gia về luật và chính sách cạnh tranh ASEAN (AEGC) xây dựng đã được giới thiệu tại Đà Nẵng vào ngày 24/8/2010 dưới sự chứng kiến của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN.

Với mục tiêu hướng tới việc thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng và lành mạnh trong khu vực, hai ấn phẩm này của ASEAN sẽ là những đóng góp mới cho việc xây dựng và duy trì một sân chơi bình đẳng, cải thiện môi trường kinh doanh khu vực cho các doanh nghiệp trong nước và xuyên quốc gia, đồng thời thúc đẩy các nước ASEAN xây dựng/hoàn thiện chính sách cạnh tranh và áp dụng cơ chế thực thi luật cạnh tranh hiệu quả ở nước mình.

Đồng thời, Chương trình Hợp tác Thẩm định sáng chế ASEAN (ASPEC) và Nguồn Thông tin về Dịch vụ Sở hữu Trí tuệ ASEAN (ASEAN IP DIRECT) là hai sáng kiến chính đóng góp cho việc xây dựng AEC và thúc đẩy việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ trong khu vực. Hiện nay, Kế hoạch Chiến lược về quyền Sở hữu Trí tuệ 2011-2015 của ASEAN đang được xây dựng.

Trong hợp tác năng lượng, việc thực hiện Chương trình Hành động về Hợp tác Năng lượng (APAEC) 2010-2015, được các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN (AMEM) thông qua vào tháng 7/2010, đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể.

Để đảm bảo việc thực hiện hiệu quả Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN, AMEM cũng đã yêu cầu các quan chức cấp cao ngành năng lượng phải nỗ lực thực hiện các sáng kiến kết nối có liên quan như sáng kiến về Lưới điện ASEAN và sáng kiến về Đường ống Dẫn dầu xuyên ASEAN.

Nhằm tiến tới mục tiêu giảm cường độ năng lượng trong khu vực ít nhất 8 % vào năm 2015 ( trên cơ sở mức của năm 2005), ASEAN đã đồng ý thực hiện việc rà soát, đánh giá lại việc thực hiện mục tiêu “Hiệu quả và bảo toàn năng lượng ASEAN” và xây dựng một chương trình hành động và một cơ chế giám sát một cách hệ thống để đạt được mục tiêu .

Đối với hợp tác giao thông vận tải, Hiệp định Đa phương về Tự do hóa hoàn toàn Dịch vụ Vận tải Hành khách bằng đường Hàng không (MAFLPAS) đã được hoàn thành để sẵn sàng cho việc ký kết tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải lần thứ 16 tại Bandar Seri Begawan, Brunei vào tháng 11 tới.

Hiệp định này, cùng với Hiệp định Đa phương về Dịch vụ Vận tải Hàng không (MAAS) và Hiệp định Đa phương về Tự do hóa hoàn toàn Dịch vụ Vận tải Hàng hóa bằng đường Hàng không (MAFLAFS) ký vào năm 2009, sẽ giúp hiện thực hóa chính sách của ASEAN về Bầu trời mở, và tiếp theo đó là mục tiêu xây dựng một Thị trường Hàng không chung ASEAN (ASAM) vào năm 2015.

Kế hoạch Giao thông Vận tải Chiến lược của ASEAN (ASTP) 2011-2015 cũng sẽ được các Bộ trưởng Giao thông Vận tải thông qua vào phiên họp tháng 11 năm 2010. Kế hoạch này sẽ tăng cường và đẩy nhanh các công việc về kết nối hạ tầng giao thông vận tải ASEAN, thuận lợi hóa giao thông vận tải và thiết lập một Thị trường Vận tải Hàng không chung của ASEAN và Thị trường Vận tải Đường biển chung ASEAN, cũng như tăng cường kết nối giao thông vận tải với các Đối tác Đối thoại của ASEAN, đặc biệt là các đối tác trong khu vực Đông Á.

Trong hợp tác công nghệ thông tin (ICT), Kế hoạch Tổng thể về ICT ASEAN 2011-2015 được dự kiến thông qua tại Hội nghị các Bộ trưởng Công nghệ Thông tin và Viễn thông vào tháng 11/2010 và sẽ là một tài liệu hướng dẫn chung cho việc thúc đẩy phát triển hợp tác ICT trong khu vực, nhằm đưa ICT trở thành động lực mạnh mẽ cho chuyển đổi đời sống nhân dân và kinh tế của khu vực nhờ công nghệ kỹ thuật số, củng cố khả năng cạnh tranh thông qua việc thực hiện hàng loạt những sáng kiến và hoạt động chính khác nhau.

Tiếp theo Lộ trình Hội nhập ngành Du lịch 2005-2010, Kế hoạch Chiến lược về Du lịch (ATSP) 2011-2015 cũng đang được xây dựng để cố gắng thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch tháng 01/2011.

Bản ATSP 2011-2015 sẽ đưa ra những chỉ dẫn đường lối cần thiết mang tính chiến lược cho việc hội nhập lĩnh vực du lịch của ASEAN nhằm đạt mục tiêu “đến năm 2015, ASEAN sẽ đón số lượng ngày càng lớn khách du lịch đến khu vực với những sản phẩm đa dạng và đảm bảo, tăng cường kết nối và một môi trường an toàn, chất lượng dịch vụ ngày càng gia tăng, đồng thời đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống và cơ hội cho người dân thông qua việc phát triển ngành du lịch một cách ổn định và tin cậy.”

Đối với trụ cột thứ ba của AEC về phát triển khu vực kinh tế đồng đều, các nước thành viên ASEAN đã xây dựng Chương trình Hành động Chiến lược cho Phát triển Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ (SME) 2010-2015 để thay thế cho Kế hoạch Chính sách Phát triển SME của ASEAN 2004-2014. Hội đồng Tư vấn SME gồm các Lãnh đạo của các Cơ quan về SME của ASEAN cũng sẽ được thành lập để trở thành diễn đàn trao đổi thông tin và là cơ quan tư vấn cho các Bộ trưởng về các dự án khu vực cũng như các vấn đề về chính sách liên quan đến SME.

Mặc dù đã đạt được rất nhiều thành tựu như đã nêu trên, ASEAN vẫn còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện các kế hoạch đã đề ra với gần 20% các mục tiêu trong Kế hoạch tổng thể AEC 2008-2009 dựa trên Biểu đánh giá AEC (AEC Scorecard) hiện vẫn chưa đạt được.

Nguyên nhân chủ yếu là do sự chậm trễ trong việc phê chuẩn các thỏa thuận đã ký kết cũng như việc nội luật hóa các hiệp định này tại các nước thành viên ASEAN, đặc biệt ở các lĩnh vực hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, và các lĩnh vực vận tải. Trong giai đoạn 2010-2011, dự kiến cũng có thể có sự chậm trễ tương tự trong các lĩnh vực hàng hóa ,dịch vụ và vận tải, cũng như các khu vực khác như tài chính và thực hiện các cam kết trong FTA của ASEAN cộng.

Tại Hội nghị lần này, các nước ASEAN nhận thấy trong thời gian tới, ASEAN cần đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện các thỏa thuận nội khối cũng như các cam kết ASEAN cộng. Và để hiện thực hóa điều đó, ASEAN cần củng cố vai trò điều phối việc thực hiện các cam kết ở cả cấp độ quốc gia và khu vực.

Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 đã thành công tốt đẹp. Các nước ASEAN ghi nhận nỗ lực và đóng góp của Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế của khu vực trong năm ASEAN 2010./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục