Nỗ lực giải quyết hậu quả ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật

Việt Nam là nước sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với khối lượng rất lớn, điều này đã, đang và sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Nỗ lực giải quyết hậu quả ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật ảnh 1Phun thuốc trừ sâu cuốn lá và rầy nâu cho lúa Hè Thu. (Ảnh: Lan Xuân/TTXVN)

Thuốc bảo vệ thực vật đóng vai trò quan trọng trong việc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm, tuy nhiên tại Việt Nam, việc lạm dụng hóa chất này đang gây nhiều hậu quả.

Trước năm 1985, Việt Nam sử dụng khoảng 6.500-9.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật mỗi năm, nhưng trong 3 năm gần đây, hằng năm, Việt Nam nhập và sử dụng từ 70.000-100.000 tấn hóa chất thành phẩm để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Có thể thấy Việt Nam là một trong số những nước có lượng tiêu thụ thuốc bảo vệ thực vật rất lớn, đã và đang tác động xấu dến môi trường cũng như sức khỏe cộng đồng trong hiện tại và tương lai.

Nguy cơ đe dọa môi trường và sức khỏe cộng đồng

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường-Tổng Cục Môi trường, cho biết thống kê về các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật từ năm 2007-2009, phát hiện 1.153 khu vực gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn 35 tỉnh, thành phố, trong đó có khoảng 864 khu vực môi trường đất bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn 17 tỉnh, thành phố và 289 kho hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn 35 tỉnh, thành phố.

Trong 289 kho hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, hiện đang lưu giữ khoảng 217 tấn 37.000 lít hóa chất bảo vệ thực vật và 29 tấn bao bì (trong đó có nhiều loại bao bì, vỏ chai, thùng phuy chứa đựng hóa chất bảo vệ thực vật không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xử chủ yếu gồm các loại hóa chất: DDT, Basal, Lindan, thuốc diệt chuột, gián, muỗi của Trung Quốc, Vinizeb-Exho, Xibuta, Kayazinno, Hinossan,...).

Theo các kết quả điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổng cục Môi trường, thuốc bảo vệ thực vật hiện còn tồn lưu ở Việt Nam chủ yếu là DDT (lẫn với Lindan). Đây là những loại hóa chất còn tồn lưu tại các kho từ trước năm 1990.

Ngoài ra, ở Việt Nam hiện còn tồn đọng hai loại thuốc bảo vệ thực vật là 2,4-D và thiodan nằm ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật là các hợp chất POP theo Công ước Stockholm, nhưng lại thuộc nhóm thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ khó phân hủy, lượng tồn đọng khoảng 400kg dạng bột và 5,8 lít dạng lỏng.

Từ năm 1993 một số loại hợp chất như DDT, lindan, HCB đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam, tuy nhiên hàm lượng hiện nay của chúng trong các thành phần môi trường vẫn tương đối cao.

Kết quả điều tra, thống kê mới đây của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định số 1946 của Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung mới 409 khu vực bị ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Yên Bái, Lạng Sơn, Hải Dương, Phú Thọ, Thái Bình, Hải Phòng, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Quảng Ngãi, Bến Tre, Long An, Hà Nội, Quảng Nam, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sơn La, Ninh Bình, Bắc Giang, Hưng Yên...

Bên cạnh đó, tình trạng hóa chất bảo vệ thực vật nhập lậu vào Việt Nam vẫn xảy ra và trong thời gian gần đây có xu hướng gia tăng. Các loại hóa chất bảo vệ thực vật này được đóng gói bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn mác, không biết thành phần hoạt chất, không có hướng dẫn sử dụng.

Điều đáng lo ngại là hầu hết các loại hóa chất tồn đọng này được lưu giữ trong các kho chứa tồi tàn hoặc bị chôn vùi dưới đất không đúng kỹ thuật nên nguy cơ rò rỉ vào môi trường là rất đáng báo động.

Các kho hóa chất hầu hết được xây dựng từ những năm 1980 trở về trước, khi xây dựng chưa quan tâm đến việc xử lý, kết cấu, nền móng nên việc ô nhiễm đất tại các kho thuốc này là điều không thể tránh khỏi.

Ngoài ra, việc không tuân thủ thời gian cách ly sau khi phun thuốc, tình trạng vứt bao bì hóa chất bảo vệ thực vật bừa bãi sau sử dụng khá phổ biến.

Thói quen rửa bình bơm và dụng cụ pha chế hóa chất không đúng nơi quy định gây ô nhiễm nguồn nước, ngộ độc cho động vật thủy sinh cũng cần được cảnh báo và khắc phục ngay.

Cùng với hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, các loại thuốc và bao bì, đồ đựng hóa chất bảo vệ thực vật đang là nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng và gây ô nhiễm môi trường nếu không được áp dụng các biện pháp giải quyết khẩn cấp.

Không chỉ gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu với bốn tính chất độc hại, khó phân hủy, khả năng di chuyển xa, tích lũy sinh học còn gây ra những ảnh hưởng có hại đối với khả năng sinh sản, sự phát triển, hệ thần kinh, tuyến nội tiết và hệ miễn dịch của người và động vật.

Giải pháp loại bỏ tác hại của thuốc bảo vệ thực vật

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước, các giải pháp về chính sách đã được đưa ra thảo luận và ban hành.

Ngày 22/7/2002, Chủ tịch nước đã ký phê chuẩn tham gia Công ước Stockholm về loại bỏ các chất gây ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, trong đó chủ yếu là các loại hóa chất bảo vệ thực vật.

Năm 2007, Quốc hội đã ban hành Luật Hóa chất, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố quy định việc xử lý, thải bỏ hóa chất tồn dư, chất thải và dụng cụ chứa hóa chất theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và xây dựng kế hoạch xử lý các khu vực, kho (gọi tắt là điểm) hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường, các điểm tồn dư hóa chất trong thời kỳ chiến tranh trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Ngày 21/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1946 về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước. Sau 3 năm triển khai, cơ chế chính sách từng bước được xây dựng và hoàn thiện.

Nỗ lực giải quyết hậu quả ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật ảnh 2Các thùng phuy chứa thuốc trừ sâu hết hạn được người dân đào được tại Công ty Thanh Thái, Thanh Hóa tháng 9/2013. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Bên cạnh những giải pháp về chính sách kể trên, hiện nay có nhiều giải pháp về kỹ thuật đang được áp dụng để tiêu hủy hóa chất bảo vệ thực vật.

Hiện nay ở Việt Nam có hai đơn vị được cấp phép áp dụng công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung ximăng để xử lý hóa chất bảo vệ thực vật POP là Công ty xi măng Holcim và Công ty xi măng Thành Công.

Đối với các lò đốt chất thải chuyên dụng, có khá nhiều các lò đốt chất thải thông thường và chất thải nguy hại được áp dụng và cấp phép, nhưng chưa có cơ sở nào được cấp phép để đốt hóa chất bảo vệ thực vật POP.

Nhóm giải pháp không đốt hiện có nhiều phương pháp đang được áp dụng tại Việt Nam bao gồm phương pháp cô lập triệt để, công nghệ chôn lấp, công nghệ khử bằng natri, phân hủy bằng tia cực tím hay công nghệ Fenton, công nghệ vi sinh…

Cùng với những giải pháp về chính sách, kỹ thuật, các giải pháp về truyền thông cũng cần được đẩy mạnh như việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự bảo vệ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiện hành một cách có ý thức.

Cho đến nay, kết quả triển khai các nhiệm vụ xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Nhận thức về vấn đề ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu của các cấp chính quyền và người dân đã được tăng lên rõ rệt.

Sau khi ban hành và triển khai Kế hoạch, các Bộ và địa phương tích cực triển khai các chương trình điều tra, khảo sát và lập kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu.

Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua Dự án POP- PEST đã xử lý 9 khu vực ô nhiễm tại Thái Nguyên, Nghệ An và Hà Tĩnh; hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương cho 49 dự án xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường các khu vực ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu cho 12 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí hỗ trợ là 242.045.124.931 đồng.

Nguồn lực cho công tác khắc phục ô nhiễm các khu vực tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật đã tăng lên rõ rệt, phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy.

Ngoài ra, các Bộ, ngành và địa phương đều thúc đẩy hợp tác quốc tế và huy động các nguồn lực tài chính khác để góp phần triển khai thành công kế hoạch đề ra. Công nghệ xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường được thúc đẩy và chuyển giao.

Hiện đã có khá nhiều các nghiên cứu, áp dụng, thí điểm các công nghệ mới như công nghệ Fenton, công nghệ sắt TAML, công nghệ nghiền bi, công nghệ giải hấp nhiệt, công nghệ đốt, đồng xử lý chất thải trong lò nung ximăng...

Việc phát triển thị trường công nghệ sẽ góp phần giảm thiểu chi phí, tăng hiệu quả xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất tồn lưu nói riêng và hoạt động bảo vệ môi trường nói chung.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại trong quá trình xử lý hóa chất bảo vệ môi trường mà chúng ta cần phải khắc phục và có hướng giải quyết trong thời gian tới.

Nếu không quan tâm kiểm soát việc sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hoá chất và không kiểm soát chất lượng phun dải hóa chất ngay từ bây giờ, tương lai sẽ còn phát sinh nhiều điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật và số tiền phải chi phí cho xử lý ô nhiễm, khám chữa bệnh sẽ tăng, đặc biệt là việc thoái hóa đất, chất lượng đất sẽ bị suy giảm và các thế hệ tương lai sẽ thiếu nghiêm trọng đất canh tác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục