Nỗ lực giảm thiểu ảnh hưởng của chất độc da cam

Nhiều hoạt động đã được tổ chức nhằm giảm thiểu những tác động của chất độc da cam/dioxin đối với con người và môi trường.
Sau 14 năm thành lập, Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 33) đã chỉ đạo và tổ chức nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu tác động của chất độc này cho con người và môi trường nhất là tại các vùng bị ô nhiễm nặng như sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), sân bay Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng) và sân bay Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Lê Kế Sơn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 33, từ năm 1961 đến 1971, với chiến dịch Ranch Hand, quân đội Mỹ đã sử dụng hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ ở miền Nam, trong đó phần lớn là chất da cam có chứa dioxin. Ước tính có từ 2,1 triệu đến 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc này.

Sau nhiều năm do tác động của tự nhiên, nồng độ dioxin tại các vùng bị rải đã xuống mức bình thường, hoặc dưới bình thường, không còn tác động đến môi trường và con người, nhưng hậu quả của dioxin đối với con người và môi trường vẫn còn nặng nề.

Đặc biệt, tại 3 sân bay là Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát trước đây dùng để lưu giữ, pha trộn chất diệt cỏ, nồng độ dioxin vẫn còn cao và đặc biệt cao.

Ngay từ năm 1980, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm và đầu tư đến việc nghiên cứu và khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin. Cụ thể, Ủy ban điều tra hậu quả chất độc này đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu xác định quy mô và hậu quả chất diệt cỏ ở Việt Nam, trong đó có những công trình hợp tác với các nhà khoa học Mỹ, Nhật Bản và một số nước khác. Năm 2007, Bộ Quốc phòng đã tiến hành chôn lấp an toàn gần 100.000m3 đất thuộc khu ô nhiễm nặng nhất trong sân bay Biên Hòa.

Từ năm 1999 đến năm 2005, Ban Chỉ đạo 33 đã tổ chức thực hiện 22 đề tài, dự án nghiên cứu có giá trị, góp phần khẳng định tác hại của chất da cam/dioxin đối với con người, tiêu biểu như đề tài điều tra dịch tễ học trên 47.000 cựu chiến binh tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ và con cháu của họ của nhà khoa học Lê Bách Quang và cộng sự thuộc Học viện Quân y; đề tài biến đổi máu và miễn dịch ở những người phơi nhiễm chất diệt cỏ/dioxin của Trịnh Văn Bảo ở Đại học Y Hà Nội...

Những công nghiên cứu này đã góp phần quan trọng làm rõ hậu quả của dioxin đối với môi trường và con người Việt Nam.

Mặt khác, hơn 200.000 nạn nhân chất da cam/dioxin là những người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ được Chính phủ trợ cấp hàng tháng. Đồng thời, Chính phủ cũng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ như Quỹ bảo trợ nạn nhân chất da cam, Hội Nạn nhân chất da cam... tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ các nạn nhân khác.

Tháng 6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Song song với Kế hoạch hành động là Chương trình cấp Nhà nước về tác hại của dioxin, nhằm làm rõ hơn tác hại của chất này và tìm kiếm các biện pháp khắc phục hậu quả đối với môi trường và con người.

Với sự tài trợ 5 triệu USD của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), gần 7.500m3 đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát được xử lý bằng phương pháp chôn cất an toàn. Dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng bằng nguồn tài chính của Chính phủ Mỹ và một phần đối ứng của Chính phủ Việt Nam cũng đang được triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016.

Riêng sân bay Biên Hòa, do quy mô và mức độ ô nhiễm rất phức tạp nên cần có những đánh giá bổ sung và lựu chọn phương pháp xử lý phù hợp. Vì vậy, để hạn chế sự lan tỏa của dioxin ra bên ngoài và xuống hạ lưu sông Đồng Nai, hơn 10.000m3 đất nhiễm dioxin ở đây đã được ngăn chặn, cô lập bằng các tuyến mương và tường chắn, ngăn không cho nước mặt chảy qua khu ô nhiễm cuốn theo đất nhiễm gây ô nhiễm thứ cấp trên diện rộng./.

Văn Hào (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục