Nỗ lực hạn chế cắt giảm ngân sách quân sự tại châu Âu

Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF) mới, nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu và phát triển công nghệ cũng như trang thiết bị quân sự, dự kiến sẽ nhận được 8 tỷ euro.
Biểu tượng đồng euro. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biểu tượng đồng euro. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng politico.eu, tham vọng quân sự của Liên minh châu Âu (EU) dù vấp phải cuộc chiến ngân sách và thách thức từ dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) song vẫn không hề suy chuyển.

Giới chức và các nhà ngoại giao EU cho rằng việc củng cố năng lực quốc phòng là yếu tố quan trọng trong nỗ lực của khối nhằm đóng vai trò địa chính trị lớn hơn.

Tuy nhiên, trong số các kế hoạch mới về ngân sách 7 năm cho liên minh mà Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến, vốn đã được điều chỉnh do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, ngân sách dành cho hai dự án quốc phòng quan trọng đã bị cắt giảm so với con số từng được dự trù cách đây 2 năm.

Đề xuất của ủy ban chỉ là khởi đầu cho các cuộc đàm phán căng thẳng và phức tạp giữa 27 nước thành viên EU về kế hoạch ngân sách trị giá 1.100 tỷ euro và quỹ hồi phục 750 tỷ euro, đồng nghĩa với việc con số cuối cùng có thể sẽ rất khác những gì được đưa ra trong tuần này. 

Theo kế hoạch kể trên, Quỹ Quốc phòng châu Âu (EDF) mới, nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác trong nghiên cứu và phát triển công nghệ cũng như trang thiết bị quân sự, dự kiến sẽ nhận được 8 tỷ euro.

Con số này thấp hơn so với đề xuất mà EC đưa ra vào năm 2018 cho ngân sách dài hạn - Khuôn khổ Tài chính Nhiều năm (MFF) - vốn dự kiến chi 11,5 tỷ euro cho quỹ này.

Ngân sách nhằm đảm bảo tính cơ động của quân đội, những nỗ lực nhằm hạn chế việc phải di chuyển quân lực và vật lực trên toàn châu Âu, một trong những ưu tiên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng bị cắt giảm trong bản kế hoạch của EC.

Ngân sách dành cho các hoạt động này được phân bổ 1,5 tỷ euro thay vì đề xuất 5,7 tỷ euro ban đầu.

[Bế tắc tài chính liệu có khiến EU tan rã hậu COVID-19?]

Xét tổng thể, khoản ngân sách trên là đủ đối với những người ủng hộ việc tăng cường vai trò quốc phòng của EU, song vẫn có những ý kiến không đồng tình.

Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Jüri Luik nói với phóng viên Politico: “Tính cơ động của quân đội là một dự án trọng tâm của hợp tác NATO-EU và EU đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư cho hạ tầng chiến lược châu Âu… Chúng tôi tin rằng liên minh có cơ hội để khôi phục những tham vọng của mình.”

Trên thực tế không phải chính phủ EU nào cũng ủng hộ việc khối thúc đẩy vai trò quân sự mạnh mẽ hơn.

Một số người lo ngại rằng những nỗ lực này có thể chồng chéo với hoạt động của NATO, trong khi số khác lại chần chừ trước nguy cơ liên minh vốn thành lập trên nền tảng một dự án hòa bình sẽ có những chuyển đổi từ quyền lực mềm sang vũ lực.

Ngân sách quốc phòng trong kế hoạch MEF mới bị cắt giảm, trong khi chi tiêu cho các vấn đề kinh tế và y tế tại tăng lên - phản ánh quan điểm rộng rãi cho rằng dịch COVID-19 đồng nghĩa với việc EU cần phải xét lại các ưu tiên của mình.

Dù vậy, những người ủng hộ nỗ lực tăng cường quốc phòng cho rằng khối cần phải cân nhắc nghiêm túc đề xuất này nếu muốn được xem là một lực lượng chính trên trường quốc tế, ngay cả khi dịch COVID-19 khiến những mối đe dọa phi quân sự khác đang là các mối lo ngại hàng đầu.

Phát biểu sau cuộc họp bộ trưởng quốc phòng EU tháng này, Josep Borrell, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của khối, cho rằng dịch COVID-19 nhiều khả năng sẽ dẫn tới những bất ổn nghiêm trọng hơn trên thế giới.

Nhiều người nhấn mạnh tới các kế hoạch phục hồi kinh tế, song cựu Ngoại trưởng Tây Ban Nha Borrell lại hối thúc các nước thành viên EU đảm bảo ngân sách phục vụ an ninh và quốc phòng cho châu Âu. 

Nỗ lực hạn chế cắt giảm ngân sách quân sự tại châu Âu ảnh 1Đại diện Cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những quan chức muốn tăng chi tiêu cho các dự án quân sự chưa đầu hàng. Thậm chí nhiều quan chức quân sự còn nhấn mạnh rằng bên cạnh những mối đe dọa truyền thống, thực tế nền kinh tế trực tuyến - nền kinh tế Zoom (lấy tên một phần mềm họp trực tuyến) - càng nhấn mạnh tới những nguy cơ nảy sinh từ tấn công an ninh mạng.

Giám đốc Ủy ban Quân sự EU Claudio Graziano cảnh báo: “Chúng ta luôn sẵn sàng cho một cuộc chiến mà chúng ta không bao giờ muốn xảy ra, song chiến tranh mạng diễn ra mỗi ngày… chúng ta luôn bị tấn công an ninh mạng… Chúng ta đã chuyển từ mối đe dọa truyền thống, mối đe dọa giữa các quốc gia, sang những mối đe dọa như chủ nghĩa khủng bố, các nhà nước sụp đổ, chiến tranh hỗn hợp… và giờ… những mối đe dọa mới mà chúng ta cần phải sẵn sàng… Thay vì cắt giảm ngân sách (quân sự) chúng ta cần nghĩ về việc tăng cường nó, bởi nỗ lực này có thể giúp phục hồi (cả nền kinh tế).”

Các nhà ngoại giao cho rằng những dự án về tăng cường tính cơ động của quân đội là cần thiết đối với nhiều quốc gia, đặc biệt là những nước vùng Baltic vốn rất lo ngại về Nga và muốn có được sự đảm bảo an ninh nhất định.

Những kế hoạch như nâng cấp cơ sở hạ tầng, cầu đường và giải tỏa những bế tắc quan liêu đều nhằm đơn giản hóa việc di chuyển quân lực và vật lực. Tuy nhiên, theo một nhà ngoại giao cấp cao, số tiền 1,5 tỷ euro phân bổ cho 7 năm “chẳng đáng là bao.”

Pháp, cường quốc quân sự hàng đầu EU, được cho là sẽ thúc đẩy nỗ lực tăng chi tiêu quốc phòng.

Một quan chức tại Điện Elysée cho biết Paris muốn ngân sách cho EDF được duy trì ở mức hơn 10 tỷ euro. Tuy nhiên, dù Pháp có thể thuận lợi với mục tiêu này thì mọi chuyện cũng sẽ không hoàn toàn dễ dàng.

Cơ chế Hòa bình châu Âu - một công cụ ngoài ngân sách trị giá 9,2 tỷ euro nhằm phục vụ các hoạt động quân sự, cơ chế mà các nhà ngoại giao cho là Pháp muốn chủ yếu dùng cho các hoạt động tại châu Phi - nhiều khả năng cũng sẽ bị cắt giảm trong các cuộc đàm phán sắp tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục