Nỗ lực nối lại đàm phán về tái thống nhất đảo Cyprus lại thất bại

Nỗ lực nối lại đàm phán hòa bình về vấn đề tái thống nhất đảo Cyprus lại đi vào bế tắc sau khi các nhà lãnh đạo hai cộng đồng không thể thống nhất được ngày tái khởi động các cuộc đàm phán.
Nỗ lực nối lại đàm phán về tái thống nhất đảo Cyprus lại thất bại ảnh 1Một cuộc họp bàn về tái thống nhất đảo Cyprus. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nỗ lực nối lại đàm phán hòa bình về vấn đề tái thống nhất đảo Cyprus lại đi vào bế tắc sau khi các nhà lãnh đạo hai cộng đồng không thể thống nhất được ngày tái khởi động các cuộc đàm phán trong cuộc họp do Liên hợp quốc bảo trợ diễn ra tối 2/4.

Cuộc họp diễn ra tại khách sạn Ledra Palace Hotel, Nicosia, với sự tham gia của Đặc phái viên Liên hợp quốc về tái thống nhất đảo Cyprus Espen Barth Eide, Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades, đại diện cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp và ông Mustafa Akinci, đại diện cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây là cuộc họp đầu tiên kể từ khi các cuộc đàm phán kết thúc trong bế tắc hồi tháng Hai vừa qua.

Trong một thông báo được đưa ra cuối buổi họp, Liên hợp quốc cho biết các nhà lãnh đạo đã có những trao đổi "cởi mở mang tính chất xây dựng" về những thách thức mà cả hai bên đã trải qua trong những tháng vừa qua và các kế hoạch trước mắt.

Phía Liên hợp quốc với vai trò trung gian sẽ chuẩn bị thêm những "điều kiện cần thiết" để nối lại các cuộc đàm phán song phương nhằm tái thống nhất đảo Cyprus trong thời gian sớm nhất có thể.

Vòng đàm phán gần đây nhất giữa hai bên bắt đầu được nối lại từ tháng 5/2015. Tuy nhiên "cơ hội ngàn vàng" để thống nhất hòn đảo phía đông Địa Trung Hải này đã bị gián đoạn hồi tháng 2/2016 sau khi căng thẳng nảy sinh liên quan tới hoạt động kỷ niệm cuộc trưng cầu dân ý không chính thức diễn ra năm 1950 của cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp nhằm ủng hộ vùng lãnh thổ này sáp nhập với Hy Lạp.

Đảo Cyprus bị chia cắt sau cuộc đảo chính của những người Cyprus gốc Hy Lạp vào năm 1974 dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm nửa phía Bắc của hòn đảo này và hậu thuẫn thành lập "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus." Tuy nhiên, đến nay cộng đồng quốc tế chỉ công nhận Cộng hòa Cyprus do người gốc Hy Lạp quản lý.

Sự chia cắt của hòn đảo từng là thuộc địa của Anh là nguyên nhân chủ yếu gây căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ từ nhiều thập kỷ qua, và từng đẩy hai quốc gia láng giềng bên bờ Địa Trung Hải này vào bờ vực chiến tranh trong quá khứ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục