Nỗ lực rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa đô thị và nông thôn

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016.
Nỗ lực rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa đô thị và nông thôn ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh phát biểu ý kiến. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, chiều 22/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016; đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

Chú ý rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa đô thị và nông thôn

Cơ bản thống nhất với Báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội của Chính phủ, các đại biểu cho rằng mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, song với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, bức tranh kinh tế-xã hội tiếp tục có nhiều điểm sáng, nổi bật là tình hình kinh tế-xã hội trong 9 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.

Phân tích tình hình chuyển đổi của nền kinh tế đất nước, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Bắc Giang) chỉ rõ thực ra Việt Nam làm kinh tế thị trường mới chỉ từ năm 1986, mới được 30 năm kinh nghiệm, so với thế giới là 200 năm còn rất chập chững. Nhiều vấn đề kinh tế cơ bản như mối quan hệ kinh tế tư nhân và kinh tế Nhà nước, mở cửa và thu hút đầu tư nước ngoài... đều được nhận thức lại và kiểm chứng bằng thực tế trên tinh thần làm tới đâu chắc tới đó.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã được chuẩn bị từ khi ký Hiệp định thương mại với Mỹ vào năm 2000 đến ​gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 và sắp tới là TPP... Hội nhập kinh tế thế giới là một cơ hội và xu thế tất yếu nhưng cũng đặt ra yêu cầu và thách thức phải xây dựng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Muốn đẩy nhanh quá trình này cần tham khảo mô hình nước ngoài, cần nâng cao năng lực đội ngũ luật sư đủ sức giải quyết các vấn đề tranh chấp thương mai quốc tế...

Đặc biệt, trong quá trình phát triển kinh tế phải chú ý tới sự phát triển của đội ngũ nông dân đông đảo của đất nước, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn là điều mà Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trăn trở và kiến nghị cần thực hiện cho bằng được.

“Chúng ta đã làm tốt công tác giảm nghèo rồi, khoảng cách giàu nghèo đã ngắn lại nhưng tương quan thu nhập giữa nông dân với công nhân và khu vực dịch vụ cũng cần rút ngắn. Năng suất lao động của công nghiệp dịch vụ năm 2010 bằng 3,62 lần của nông nghiệp, thu nhập của người nông dân bằng khoảng 1/3 so với năng suất của công nghiệp dịch vụ. Còn bây giờ - năm 2015, năng suất lao động của công nghiệp dịch vụ bằng 3,85 lần năng suất lao động của nông nghiệp. Như vậy, khoảng cách tăng lên, 5 năm qua năng suất lao động có lên nhưng thu nhập của nông dân có lên hay không. Đây là vấn đề mà 5 năm tới cần thực hiện và Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm đưa thành một mục tiêu cụ thể trong báo cáo," đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Nhất trí các nguyên tắc sử dụng vốn dư

Thảo luận về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ.

Trong đó, về vốn dư từ các dự án, theo Tờ trình của Chính phủ, sau khi hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 của Quốc hội còn dư 14.259/61.680 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đã được phân bổ.

Vấn đề này, qua thảo luận đa số ý kiến đại biểu cho rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, dự án mở rộng Quốc lộ 1A và dự án đường Hồ Chí Minh đã đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa công trình vào sử dụng vượt thời gian so với tiến độ. Trong quá trình thực hiện các dự án đã tập trung rà soát tiêu chuẩn kỹ thuật, quy mô dự án, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công nên chi phí thực tế thấp hơn so với mức vốn đã bố trí là kết quả tích cực trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, tỷ trọng vốn dư lớn so với tổng vốn được bố trí (dư 23%) thể hiện việc lập dự toán, thẩm định, phê duyệt chưa sát với thực tiễn. Đồng thời, việc cắt giảm quy mô đầu tư một số dự án có thể ảnh hưởng tới chất lượng công trình, không bảo đảm thực hiện đúng quy mô ban đầu của công trình; chất lượng thi công một số đoạn, tuyến chưa thật sự bảo đảm chất lượng cần được khẩn trương sửa chữa.

Liên quan đến nguyên tắc sử dụng vốn dư, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất với Chính phủ về các nguyên tắc sử dụng vốn dư. Các dự án dự kiến được phân bổ nguồn vốn dư này cần phải nằm trong danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ được Quốc hội quyết định hoặc là các dự án trên tuyến Quốc lộ 1A cải tạo và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; các dự án kết nối, góp phần phát huy hiệu quả đối với 2 tuyến đường này.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ hơn, bảo đảm các dự án được đề xuất phân bổ vốn dư là những dự án thực sự cấp bách, có trong danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.

Theo chương trình, ngày 23/10, các đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục