Nỗ lực thu hẹp phần nổi của tảng băng chìm tình báo Mỹ

Tổng thống Mỹ đang phải đau đầu giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao với các quốc gia đồng minh liên quan đến việc nghe lén điện thoại.
Nỗ lực thu hẹp phần nổi của tảng băng chìm tình báo Mỹ ảnh 1Tổng thống Mỹ đang phải đau đầu giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao với các quốc gia đồng minh liên quan đến việc nghe lén điện thoại. (Ảnh: AP) 

Vụ bê bối tình báo Mỹ nghe lén điện thoại không chỉ đẩy “xứ cờ hoa” rơi vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao với nhiều nước, mà còn khiến người dân Mỹ bất bình trước thực trạng các quyền riêng tư bị xâm phạm.

Vừa tìm cách xoa dịu đồng minh, vừa phải trấn an dư luận trong nước vốn đang hoang mang trước những luồng thông tin xuất hiện dồn dập trên các tờ báo lớn, Chính phủ Mỹ đã thể hiện thái độ sẵn sàng thực thi những biện pháp cần thiết chấn chỉnh lại hoạt động tình báo nhằm khôi phục lòng tin của các đồng minh cũng như người dân Mỹ.

Trong phản ứng đầu tiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố "gần như không biết" về những hoạt động do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).

Những lời biện hộ này còn nhận được sự hỗ trợ của các quan chức đứng đầu cơ quan tình báo khi họ nói rằng: "Có thể giới chức tình báo chưa kịp báo cáo cho Tổng thống Mỹ những hoạt động họ đang tiến hành."

Tuy nhiên, cho dù không được báo cáo, rõ ràng Tổng thống Mỹ cùng với lưỡng viện Quốc hội không thể chối bỏ trách nhiệm trong vụ việc này. Vì vậy, dù vẫn còn tồn tại khá nhiều bất đồng trong nhiều vấn đề, song trong việc xử lý vụ bê bối của tình báo Mỹ, về cơ bản Chính phủ và Quốc hội có sự phối hợp khá ăn ý.

Cả Thượng viện và Nhà Trắng đều thông báo kế hoạch tiến hành chương trình rà soát lại toàn bộ hoạt động tình báo trên quy mô lớn.

Trong động thái đầu tiên, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật tăng cường giám sát các chương trình do thám điện tử tràn lan.

Về phía Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã ra lệnh cho NSA chấm dứt việc thu và nghe lén thư điện tử và các cuộc nói chuyện điện thoại nhằm vào một loạt các nguyên thủ đồng minh, quan chức cấp cao và các thể chế quốc tế như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Bên cạnh đó, nhằm hàn gắn quan hệ với Đức sau khi thông tin NSA do thám cả Thủ tướng Angela Merkel bị tiết lộ, Washington đã tìm cách ký thỏa thuận song phương về việc không do thám lẫn nhau với Berlin.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper cho biết theo chỉ thị của Tổng thống, ông sẽ công bố nhiều thông tin nhất trong khả năng của mình về cách thức hoạt động của tình báo Mỹ căn cứ theo Đạo luật Giám sát Tình báo.

NSA cũng công bố hàng chục trang tài liệu tối mật để chứng minh hoạt động ghi âm hàng triệu cuộc điện thoại của công dân Mỹ do NSA thực hiện là hoàn toàn hợp pháp.

Hàng loạt đại gia Internet như Google, Facebook và mới nhất là Apple, được sự cho phép của chính phủ, đã công khai nhiều chỉ thị của chính phủ yêu cầu các tập đoàn này cung cấp thông tin.

Những biện pháp trên nhằm chứng tỏ Washington đang nỗ lực cứu vãn tình hình.

Tuy nhiên, mọi việc có vẻ sẽ dừng lại ở mức độ "chứng tỏ" khi các quan chức Mỹ vẫn tìm cách bảo vệ các phương thức do thám trên.

Tổng thanh tra Cơ quan Tình báo quốc gia (DNI) Robert Litt, cùng với các quan chức chóp bu của NSA, Cục Điều tra liên bang (FBI) và Bộ Tư pháp, dù cam kết sẽ có những điều chỉnh, song vẫn khẳng định mọi sự cải cách đều không được làm ảnh hưởng tới các hoạt động thu thập tin tức tình báo và làm giảm hiệu quả của một chương trình được đánh giá là "đã giúp nước Mỹ tránh được nhiều vụ khủng bố."

Chính vì thế, song song với dự luật về chấn chỉnh lại hoạt động tình báo, Thượng viện Mỹ cũng đã giới thiệu một dự luật khác với mục tiêu ngăn chặn sự rò rỉ thông tin trong cộng đồng tình báo, một dự luật có thể hiểu là sẽ tiếp tục phủ bức màn lên những bí mật động trời trong hoạt động tình báo Mỹ.

Ngay trong nội bộ của Nhà Trắng và Quốc hội, tranh cãi vẫn xảy ra xung quanh việc làm thế nào để vừa bảo đảm những bí mật cá nhân của công dân không bị xâm phạm, trong khi vẫn có thể ngăn chặn được các âm mưu tấn công khủng bố.

Hiện có hai chương trình của NSA đang là trọng tâm rà soát, bao gồm chương trình thu âm các cuộc đàm thoại và chương trình theo dõi hàng triệu cuộc trao đổi và email trên Internet.

Nhà Trắng đang chờ đợi động thái từ Quốc hội trước khi đưa ra đề xuất chi tiết về kế hoạch rà soát hoạt động tình báo. Sự khó khăn trong việc tìm ra giải pháp có thể sẽ buộc các nhà lập pháp đi đến thỏa hiệp: hủy bỏ hoạt động nghe lén điện thoại, song vẫn cho phép theo dõi qua Internet.

Hoạt động thu thập tin tức tình báo và không xâm phạm bí mật cá nhân là hai khái niệm khó song hành một khi giới chức Mỹ viện dẫn lý do ngăn chặn tấn công khủng bố.

Điều đó có nghĩa là cho dù các cơ quan tình báo Mỹ thông báo rằng họ đã điều chỉnh, nhưng trên thực tế sẽ không có sự thay đổi trong những nguyên tắc cơ bản.

Có thể nói những biện pháp của Chính phủ Mỹ đã và sẽ thực hiện chỉ nhằm thu hẹp phần nổi của tảng băng chìm về toàn bộ hoạt động do thám của tình báo Mỹ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục