Nỗ lực vì một bữa cơm lành: Bữa cơm nhỏ, nỗi lo lớn

Chưa bao giờ nỗ lực vì một bữa cơm lành, một bữa cơm không thực phẩm bẩn lại trở thành một quyết tâm to lớn của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội như thời gian này.
Nỗ lực vì một bữa cơm lành: Bữa cơm nhỏ, nỗi lo lớn ảnh 1Nhân viên Thú y kiểm tra sản phẩm thịt lợn tại một hộ kinh doanh. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Chưa bao giờ nỗ lực vì một bữa cơm lành, một bữa cơm không thực phẩm bẩn lại trở thành một quyết tâm to lớn của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội như thời gian này.

Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau khi được kiện toàn, tân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định một trong những công việc đầu tiên của Chính phủ là tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cũng chỉ sau hai tuần đầu tiên của Chính phủ mới kiện toàn, một hội nghị quy mô lớn nhất từ trước tới nay liên quan đến an toàn thực phẩm đã được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của cả Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tất cả các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước.

Với tinh thần nhìn thẳng vào những hạn chế, vào những tồn tại cần khắc phục, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nhìn nhận việc để tồn tại tình trạng thực phẩm bẩn, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân có phần trách nhiệm chưa được làm tròn của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Lộn xộn trong quản lý

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tồn tại thực phẩm bẩn trong đời sống người dân, song theo đánh giá của các cơ quan quản lý Nhà nước, những nguyên nhân chủ yếu nổi lên là nhiều địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong quản lý an toàn thực phẩm, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm.

Việc xử lý vi phạm còn cho thấy nhiều biểu hiện chưa nghiêm minh. Hay nói như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Cơ quan thường trực đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của Chính phủ, công tác xử lý mới chỉ dừng lại ở việc phát hiện, xử phạt các cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh có hành vi vi phạm chứ chưa chú ý đến việc xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức, cơ quan chức năng làm nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thẳng thắn hơn, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng còn khẳng định có biểu hiện thông đồng giữa cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng có chức năng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với cơ sở kinh doanh. Lý do được đưa ra cũng hết sức đơn giản do lợi nhuận quá lớn.

Ngoài ra, theo phản ánh của hầu hết các địa phương, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn bị vướng ở chỗ chưa có cơ chế tài chính đặc thù, phù hợp để đảm bảo có đủ kinh phí thường xuyên cho các hoạt động kiểm tra, giám định, bảo quản. Trong khi đó, lực lượng kiểm tra thì còn hạn chế về số lượng và chất lượng, đội ngũ nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Điều đáng nói là trong quá trình triển khai, dường như các cơ quan chức năng lãng quên vai trò và hệ thống rộng rãi của các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội, công luận và người dân tham gia giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là tại cơ sở.

Rối về trách nhiệm

Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống nên luôn được nhân dân đặc biệt quan tâm. Mặc dù thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt được những kết quả nhất định; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đầy đủ, trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành, địa phương được phân định rõ ràng, nhiều vụ việc vi phạm lớn đã được phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, tình hình an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, cần được tiếp tục chỉ đạo quyết lệt hơn nữa.

Một thực tế cần được thống nhất cách hiểu để giải quyết đó là tình trạng không chỉ người dân mà cả cơ quan quản lý Nhà nước chưa thực sự có cách hiểu đúng về vấn đề thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức bộ máy quản lý, xử lý khi để xảy ra vi phạm về an toàn thực phẩm dẫn đến tình trạng lộn xộn trong quản lý.

Thực trạng một mâm cơm ba bộ liên quan vẫn đang tồn tại và gây tâm lý e ngại trong nhân dân bởi không xác định được điểm đầu và điểm cuối trong vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước.

Vấn đề nữa nổi lên là ở Việt Nam có tới hàng triệu hộ nhỏ lẻ tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm nên việc quản lý cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy nguy cơ cao trong việc không bảo đảm an toàn thực phẩm xảy ra nhiều tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nhất là tại các hộ nông dân, trang trại nhỏ.

Sự tinh vi, trốn tránh cơ quan chức năng diễn ra ở nhiều nơi. Một số cơ sở, trang trại nuôi, lò mổ vẫn tiếp tục sử dụng chất cấm nhưng qua kiểm tra phát hiện thấy tỷ lệ vi phạm thấp hơn so với thời gian trước.

Còn nhiều cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các khâu sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến khâu bảo quản, sơ chế, chế biến đặc biệt tại cơ sở giết mổ, sơ chế nội tạng, cơ sở chế biến mỡ động vật rất mất vệ sinh... Tuy nhiên, các vụ việc vi phạm, bị phát hiện và xử lý vẫn chưa đủ sức răn đe. Đây cũng là những bất cập lớn trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Trăn trở với công tác này ở một địa phương có nhiều thế mạnh về du lịch, Bí thư tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến cho rằng có ba điều quan trọng nhất cho sinh tồn của con người là ăn-uống-thở. Nhưng thực trạng hiện nay, ăn thì nhiều thực phẩm bẩn; uống thì nhiều nước giải khát không đảm bảo chất lượng, bị làm giả, buôn lậu; thở thì ô nhiễm không khí, nhất là ở các thành phố lớn. Chính vì thế càng ngày có nhiều người bị ung thư cũng là điều dễ hiểu.

Hay trong việc quản lý chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, Bí thư của một tỉnh thuộc diện đông dân nhất cả nước kiến nghị nếu các cơ quan trung ương không xiết chặt quản lý chất cấm từ đầu vào thì địa phương sẽ rất khó khăn quản lý và giám sát. Ông Trịnh Văn Chiến cho rằng phải thể hiện rõ trách nhiệm của trung ương, nhất là ở khâu đầu vào từ hóa chất, chất cấm cho đến thực phẩm nhập khẩu vào.

Ngoài ra, tính chủ động trong tổ chức, phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thực sự có vấn đề. Có thể thấy, hầu hết các vụ vi phạm vừa qua là do báo chí và các cơ quan chức năng của trung ương phát hiện; rất ít vụ vi phạm do địa phương phát hiện.

Hiện tại, vẫn còn rất nhiều vấn đề nổi cộm cần được quan tâm xử lý để giải quyết dứt điểm như vấn đề sử dụng sabutamol, vàng ô, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, quản lý tại các chợ, nhập khẩu rượu giả, kinh doanh thực phẩm chức năng.

Đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phải lo lắng: “Không thể một vấn đề lớn trong xã hội như vậy, ảnh trực tiếp đến nhân dân như vậy mà không ai chịu trách nhiệm. Ở xã chịu trách nhiệm ở xã, huyện chịu trách nhiệm của huyện, tỉnh và trung ương cũng vậy chứ,” Thủ tướng nói.

Còn Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng thì nghi ngờ: “Chẳng lẽ có lò mổ ở địa phương mà phường, quận huyện không biết, không ai bị xử lý cả”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục