Nợ xấu của ngân hàng Tây Ban Nha tăng kỷ lục mới

Theo số liệu mới công bố, nợ xấu của các ngân hàng Tây Ban Nha trong tháng Năm là 155,8 tỷ euro, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1994.
Bị tác động nặng nề bởi cuộc khủng hoảng nợ vẫn đang hoành hành ở châu Âu, Tây Ban Nha lại có thêm lo ngại khi tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng nước này tăng lên mức kỷ lục mới, còn Hy Lạp hiện không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm chi tiêu để nhận được thêm các khoản vay từ các nhà tài trợ.

Theo số liệu mới công bố, nợ xấu của các ngân hàng Tây Ban Nha trong tháng Năm là 155,8 tỷ euro (192 tỷ USD), tương đương 8,95% tổng số nợ ngân hàng, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1994.

[Nợ xấu của các ngân hàng Tây Ban Nha cao kỷ lục]

Tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng nước này tăng từ 8,15% trong tháng Hai lên 8,37% và 8,72% trong hai tháng sau đó, và vẫn có thể tăng cao hơn nữa.

Khi các điều kiện cho vay bị thắt chặt hơn, người tiêu dùng hạn chế vay mượn trong lúc tình hình thị trường việc làm đáng quan ngại và nguy cơ suy thoái kinh tế kéo dài và nghiêm trọng.

Vào cuối năm 2008, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Tây Ban Nha chỉ là 3,37%, song bong bóng bất động sản vỡ đã phơi bày những yếu kém căn bản của hệ thống ngân hàng, buộc chính phủ nước này phải tìm kiếm sự trợ giúp từ các đối tác trong Khu vực đồng euro (Eurozone).

Các nước Eurozone ngày 9/6 đã nhất trí về kế hoạch cấp cho Tây Ban Nha 100 tỷ euro để cứu các ngân hàng yếu kém.

Các bộ trưởng tài chính Eurozone sẽ hoàn tất chi tiết của kế hoạch này vào ngày 20/7 để có thể giải ngân 30 tỷ euro ban đầu vào cuối tháng.

Tình hình của các ngân hàng Tây Ban Nha càng trở nên đáng lo ngại hơn khi vào đầu tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo kinh tế nước này sẽ vẫn trong tình trạng suy thoái trong năm tới.

Trong khi đó, Chính phủ Tây Ban Nha dự kiến nền kinh tế sẽ giảm 1,7% trong năm nay. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng nước này được dự báo sẽ tiếp tục tăng và có thể tăng lên tới 10% trong nửa cuối năm 2013.

Trong khi Tây Ban Nha đang tập trung cứu trợ các ngân hàng, Hy Lạp lại đang phải tìm cách tiết kiệm chi tiêu 11,5 tỷ euro theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) và IMF để có thể nhận được các khoản vay mới trị giá 31,5 tỷ euro vào tháng Chín này.

Tại cuộc họp ngày 18/7, các nhà lãnh đạo Hy Lạp đã đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản cho việc tiết kiệm số tiền trên.

Các nhà kiểm toán của bộ ba nhà tài trợ là EU, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ đến Hy Lạp trong tuần tới để xem xét chương trình kinh tế của chính phủ mới ở nước này.

Báo cáo của các nhà kiểm toán sẽ là căn cứ cho quyết định từ bộ ba nhà tài trợ về các khoản vay mới cho Hy Lạp.

Bên cạnh đó, Hy Lạp cũng sẽ nỗ lực cho việc thương lượng lại gói cứu trợ từ bộ ba trên, với mục tiêu chính là kéo dài thời hạn cho việc thực hiện các điều chỉnh về tài chính.

Tuần trước, cựu Thủ tướng Hy Lạp Lucas Venizelos đã cảnh báo nước này gần như là không thể thực hiện được các mục tiêu tài chính vào năm 2014, nhất là khi kinh tế đang suy thoái nghiêm trọng.

Chính phủ Hy Lạp dự kiến kinh tế nước này sẽ suy giảm 6,7% trong năm nay, thay vì 4,5% như dự báo trước, một phần do việc thực hiện các biện pháp khắc khổ theo yêu cầu của các nhà tài trợ./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục