Nợ xấu ngân hàng: Con số chính xác nằm ở đâu?

Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo về con số nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có một số lĩnh vực vốn được coi là nhạy cảm. Thời gian qua, có rất nhiều số liệu về nợ xấu được các tổ chức tín dụng trong nước, các tổ chức quốc tế đưa ra có sự chênh lệch khá lớn.

Lý giải về sự khác nhau giữa các cơn số, Chánh thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, trên thực tế không có chuẩn mực quốc tế về phân loại nợ. Việc sử dụng các hệ thống tiêu chí phân loại nợ khác nhau sẽ cho kết quả nợ xấu không giống nhau. Do có sự khác biệt giữa các hệ thống phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, vì vậy, khi xác định đo lường, phân tích đánh giá nợ xấu phải xem xét, hiểu được các hệ thống phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro được sử dụng.
Chiều ngày 12/7, Ngân hàng Nhà nước chính thức lên tiếng về con số nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó có một số lĩnh vực vốn được coi là nhạy cảm.

4,47%, 10% hay 13%?

Thời gian qua, có rất nhiều số liệu về nợ xấu được các tổ chức tín dụng trong nước, các tổ chức quốc tế đưa ra có sự chênh lệch khá lớn. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng đến ngày 31/5/2012, nợ xấu là hơn 117.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng.

Trong khi đó, một số tổ chức quốc tế lại đánh giá nợ xấu của Việt Nam trên 10% tổng dư nợ tín dụng. Chẳng hạn, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cho rằng, nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam là khoảng 13% tổng dư nợ tín dụng.

Tuy nhiên, theo thông báo chính thức của Ngân hàng Nhà nước vào chiều ngày 12/7, đến ngày 31/3/2012, nợ xấu của các tổ chức tín dụng là hơn 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng. Con số này là kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đối với gần 1,01 triệu khách hàng vay được chọn mẫu của 57 tổ chức tín dụng của Việt Nam, chiếm tới 90,1% tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng này.

Lý giải về sự khác nhau giữa các cơn số, Quyền Chánh thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, trên thực tế không có chuẩn mực quốc tế về phân loại nợ. Việc sử dụng các hệ thống tiêu chí phân loại nợ khác nhau sẽ cho kết quả nợ xấu không giống nhau. Do có sự khác biệt giữa các hệ thống phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, vì vậy, khi xác định đo lường, phân tích đánh giá nợ xấu phải xem xét, hiểu được các hệ thống phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro được sử dụng.

Tại các tổ chức tín dụng, do năng lực quản trị rủi ro của các tổ chức này ở Việt Nam khác nhau nên có sự đánh giá khác nhau trong khả năng trả nợ của khách hàng. Bên cạnh đó có không ít ngân hàng cố ý vi phạm trong phân loại nợ nhằm giảm chi phí dự phòng và để bảng báo cáo tài chính tốt hơn, do đó số liệu nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng thường thấp hơn.

Theo ông Nghĩa, mức nợ xấu 10%, thậm chí là 13% do quốc tế đưa ra, khi nhận định phải rất thận trọng vì cần phải nói rõ hệ thống phân loại nợ theo tiêu chí nào?

Có nhiều tổ chức dựa trên tiêu chí phân loại của họ nhưng họ không có được kết quả cụ thể của toàn hệ thống, số liệu chỉ khảo sát ở vài ngân hàng rồi họ đánh giá toàn hệ thống. Có tổ chức tín dụng tính toàn bộ nợ quá hạn đều đưa vào nợ xấu, nếu tính thế này thì hết tháng Năm, con số nợ xấu phải là 12% tổng dư nợ.

Câu chuyện này còn nhiều tranh cãi, có con nợ mất khả năng về dòng tiền một thời gian nhưng không có nghĩa mất khả năng chi trả. Vì thế, tuổi nợ là điều cần nhất trong đánh giá nợ xấu, chúng ta tính từ 90-180 ngày là thuộc nhóm 3, đến 360 ngày nhóm 4 và trên 360 là nhóm 5.

Vì những nguyên nhân nói trên, tình trạng tồn tại nhiều con số về nợ xấu không phải vấn đề riêng có ở Việt Nam. Do đó, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Số liệu nợ xấu chính thức của toàn hệ thống ngân hàng do cơ quan quản lý, giám sát ngân hàng công bố và được chấp nhận do được giải thích rõ ràng và pháp luật quy định cụ thể về phương pháp phân loại nợ.”

Nợ xấu không đáng ngại

Theo Ngân hàng Nhà nước, so với tổng dư nợ cấp tín dụng cho nền kinh tế Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu hiện nay ở mức 4,47% theo báo cáo của tổ chức tín dụng hay 8,6% theo kết quả giám sát vẫn thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu của một số nước trong khu vực tại thời điểm chính phủ phải đứng ra xử lý nợ xấu. Cụ thể, Hàn Quốc 17% (tháng 3/1998), Thái Lan là 47,7% (tháng 5/1999), Malaysia là 11,4% (tháng 9/1998), Indonesia hơn 50% (năm 1999).

Bên cạnh đó, bản chất nợ xấu hiện nay của các tổ chức tín dụng có nhiều yếu tố góp phần làm giảm thiểu tổn thất. Đến cuối tháng 5/2012, các tổ chức tín dụng đã trích lập dự phòng rủi ro được 67,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,18% nợ xấu.

Phần lớn nợ xấu được bảo đảm bằng tài sản, nhờ đó tổ chức tín dụng có thể thu hồi được một phần hoặc toàn bộ khoản nợ xấu từ việc bán, xử lý tài sản bảo đảm. Tính đến cuối tháng 3/2012, trong tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng có 84,16% được bảo đảm bằng tài sản và 15,84% không được bảo đảm bẳng tài sản. Tổng giá trị tài sản bảo đảm bằng 134,8% tổng nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 5, dư nợ cho vay bất động sản là 197.000 tỷ đồng, chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng dư nợ 2,6 triệu tỷ đồng, tuy nhiên, nợ xấu chiếm 13% tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán còn khoảng gần 12.000 tỷ đồng, nợ xấu thấp khoảng 485 tỷ đồng, chiếm 4,1%.

Tuy nhiên, hầu hết các khoản nợ này đều có tài sản bảo đảm, chỉ xét riêng giá trị bảo đảm tài sản bằng bất động sản là 180% trong dư nợ xấu về bất động sản. Vì thế, có thể bớt lo lắng về nợ xấu trong ngân hàng.

Kiềm chế gia tăng nợ xấu

Chánh thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong điều kiện bình thường chỉ có số liệu thông qua báo cáo thống kê, việc phát hiện vi phạm của các tổ chức tín dụng trong phân loại nợ chỉ được phát hiện qua các đoàn thanh tra.

Với hơn 100 tổ chức tín dụng như hiện nay thì Ngân hàng Nhà nước không thể thanh kiểm tra hết để phát hiện quy định phân loại nợ và xử lý dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, qua hệ thống giám sát rủi ro, Ngân hàng nhà nước đang tích cực hoàn thiện cơ sở dữ liệu khách hàng để xác định ghi nhận chất lượng tín dụng thực tế, buộc các ngân hàng điều chỉnh số liệu theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước rà soát, hoàn thiện các quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam, đồng thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về cấp tín dụng và an toàn hoạt động ngân hàng.

Còn trước mắt, các tổ chức tín dụng chủ động phối hợp với khách hàng vay để cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ và xem xét giảm lãi suất một cách hợp lý cho khách hàng có khó khăn tài chính tạm thời, có chiều hướng cải thiện sản xuất kinh doanh tích cực, được đánh giá có khả năng trả nợ theo thời gian cơ cấu lại nợ./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục