Nỗi ám ảnh “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”

Họ không kể lại lịch sử cuộc chiến qua những con số, sự kiện, nhân vật anh hùng hay các chiến thuật, các loại vũ khí… Thay vào đó là những câu chuyện đời tư đầy nữ tính.
Nỗi ám ảnh “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” ảnh 1Nhà văn Svetlana Alexievich (Ảnh: Getty Images)

Với “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” (Svetlana Alexievich), độc giả khó có thể đọc nhanh.

Ký ức của những phụ nữ Liên Xô (cũ) từng đi qua Thế chiến thứ hai - chất liệu để làm nên cuốn sách sẽ khiến trái tim người đọc thắt lại hoặc sẽ đưa tới cảm giác rợn người. Đó là câu chuyện của một nữ quân nhân trong lúc bị địch bao vây đã buộc phải tự dìm đứa con xuống nước hay nỗi ám ảnh về dòng sông mùa băng tan, làm lộ ra những xác người…

Chiến tranh trong hồi ức của nữ giới mang một sắc điệu khác. Họ không kể lại lịch sử cuộc chiến qua những con số, sự kiện, nhân vật anh hùng hay các chiến thuật, các loại vũ khí… Thay vào đó là những câu chuyện đời tư đầy nữ tính: sự tiếc nuối khi phải chia tay với mái tóc dài ngay tại phòng tuyển quân, cảm giác thèm được quàng một chiếc khăn màu đỏ hay mang một đôi giày cao…

Nữ tác giả Svetlana Alexievich vẫn được coi là một “ca lạ” của giải Nobel Văn học bởi tác phẩm của bà mang tính chất phi hư cấu. Trong thập niên 70 của thế kỷ trước, chủ nhân của giải Nobel Văn học 2015 đã đi qua hơn 100 thành phố, thị trấn… để tìm gặp, trò chuyện và lắng nghe tâm sự của những người phụ nữ từng tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Từ đó, với khả năng chọn lọc những chi tiết đắt giá và tư duy tổng hợp sắc sảo, bà đã dựng lại khuôn mặt của chiến tranh qua góc nhìn của người phụ nữ.

Với nữ giới, chiến tranh trước hết là một cuộc giết người. Dù trở về trong tâm thế của người chiến thắng thì những cảnh tượng tang thương, ký ức kinh hoàng về sự chết chóc vẫn cứ đeo bám họ, tàn phá tâm hồn những nữ cựu binh thời hậu chiến.

Đặc biệt, với phụ nữ - những người vốn mang thiên chức tạo ra sự sống thì sự giày vò ấy càng tăng lên gấp bội; bởi trong chiến tranh, chính tay họ đã cướp đi mạng sống của bao nhiêu con người ở phía bên kia chiến tuyến.

Nỗi ám ảnh “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” ảnh 2(Ảnh: PV/Vietnam+)

Tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Nga vào năm 1983. Đến năm 2013, Svetlana Alexievich đã bổ sung thêm nhiều tư liệu để cho ra đời một “phiên bản” đa diện hơn của “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ.”

Bản dịch tiếng Việt “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” do dịch giả Nguyên Ngọc chuyển ngữ, Nhà xuất bản Văn học và Công ty Cổ phần Sách Tao Đàn phát hành tháng 6/2016./.

Nhà văn Svetlana Alexievich sinh ngày 31/5/1948 tại Ukraine trong một gia đình công chức.

Năm 2015, bà được trao giải Nobel Văn học. Theo Viện Hàn lâm Thụy Điển, giải thưởng này được trao cho bà để “tôn vinh những dòng văn phức điệu của bà. Văn của bà là tượng đài tri ân sự đau khổ và lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta.”

Bên cạnh “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ,” bà còn nổi tiếng trên văn đàn thế giới với những tác phẩm có góc nhìn đặc biệt về chiến tranh cũng như thảm họa hạt nhân trong lịch sử như: “Những nhân chứng cuối cùng,”“Quan tài kẽm,” “Tiếng vọng từ Chernobyl.”
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục