Nỗi ám ảnh nợ công đẩy giá dầu châu Á “lún sâu”

Phiên giao dịch 14/12 tại châu Á, giá 2 loại dầu chính đồng loạt giảm do khủng hoảng nợ dai dẳng tại châu Âu không được cải thiện.
Trong phiên giao dịch ngày 14/12 tại thị trường châu Á, giá hai loại dầu chính đồng loạt “lao dốc,” do những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ dai dẳng tại châu Âu không có dấu hiệu được cải thiện.

Kết thúc phiên này tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ hay còn gọi là dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giao tháng 1/2012 giảm 7 xu, xuống còn 100,07 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 39 xu, đóng cửa ở mức 109,11 USD/thùng.

Các chuyên gia phân tích thuộc tập đoàn tài chính Barclays Capital cho rằng những mối quan ngại ngày càng lan rộng về tình hình kinh tế tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục kéo giá dầu đi xuống. Trong khi đó, giới đầu tư đang chờ đợi kết quả cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ ( OPEC ) tại Vienna (Áo) vào ngày 14/12, nhằm bàn về sản lượng dầu mỏ.

Tuy nhiên, báo cáo cho hay Iran đang lên kế hoạch diễn tập quân sự tại eo biển chiến lược Hormuz thuộc vùng Vịnh đã khiến giá dầu Mỹ đồng loạt đi lên trong phiên giao dịch đêm hôm trước (13/12), một ngày trước thềm cuộc họp của OPEC. Thêm vào đó, thị trường năng lượng còn được hỗ trợ bởi chỉ số theo dõi lòng tin kinh tế của Đức được cải thiện đáng kể, mang tới một tín hiệu tích cực cho bức tranh kinh tế đang trong thời kỳ “u ám” của châu Âu.

Chốt phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 1/2012 tăng 2,37 USD, đóng cửa ở mức 100,14 USD/thùng, sau khi có lúc vọt lên tới 101,25 USD/thùng. Trong khi tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tăng 2,24 USD, chốt ở mức 109,5 USD/thùng, sau khi chạm mức 111,1 USD/thùng vào đầu phiên.

Mặc dù báo cáo về các cuộc tập trận hải quân của Iran tại eo biển Hormuz đã bị Bộ Ngoại giao nước này bác bỏ, trong bối cảnh căng thẳng giữa Tehran và các nước phương Tây về chương trình hạt nhân của nước này ngày một gia tăng, tâm lý của giới đầu tư vẫn bị tác động bởi thông tin trên, bởi eo biển Hormuz là khu vực đặc biệt nhạy cảm, nơi trung chuyển dầu mỏ giữa vùng Vịnh và vùng biển Arập.

Ngoài ra, thị trường năng lượng còn được hỗ trợ bởi chỉ số theo dõi lòng tin kinh tế của Đức (ZEW) bất ngờ tăng trở lại sau 9 tháng sụt giảm liên tiếp, thắp lên tia hy vọng mong manh cho giới đầu tư vào sự cải thiện của tình hình kinh tế châu Âu hiện đang quá “thê thảm.” Trong khi đó, việc Chính phủ Tây Ban Nha vừa chào bán thành công đợt trái phiếu chính phủ mới cũng góp phần đẩy giá dầu đi lên.

Các thương nhân còn hướng sự chú ý vào phiên họp ngày 14/12 của OPEC, với hy vọng rằng cácten này sẽ duy trì sản lượng ở mức hiện tại là 24,84 triệu thùng/ngày, ngay cả khi báo cáo mới đây cho thấy sản lượng dầu thô của OPEC trong tháng 11/2011 đạt mức cao nhất trong hơn ba năm qua./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục