Nội các Italy họp khẩn để bàn cách đối phó nợ công

Thủ tướng Italy ngày 12/8 đã triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp để thảo luận các biện pháp ngăn chặn khủng hoảng nợ.
Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi ngày 12/8 đã triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp để thảo luận các biện pháp ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ đang có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát.

Chính phủ Italy đang tìm kiếm thêm 20 tỷ euro từ các khoản tiết kiệm và trong ngân khố quốc gia nhằm nỗ lực cân đối ngân sách vào năm 2013, cũng như trấn an thị trường toàn cầu về khả năng tài chính của mình. Trước đó ông Berlusconi và Bộ trưởng Kinh tế Giulio Tremonti đã gặp Tổng thống Giorgio Napolitano để thảo luận về cuộc khủng hoảng kinh tế này.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 11/8 cho biết tăng trưởng thấp là vấn đề chính của nền kinh tế Italy. Các nhà kinh tế cũng nhận định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Italy sẽ gặp khó khăn, do đó ECB và EU đã đề xuất Italy thực hiện cắt giảm ngân sách, đạt mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2013 thay vì mục tiêu ban đầu vào năm 2014 - sau khi cổ phiếu và trái phiếu của Italy liên tục mất điểm trên thị trường trong thời gian gần đây.

Trong 10 năm qua, tăng trưởng trung bình của Italy đều chưa đạt 0,3%/năm - mức thấp nhất trong các nước EU. Ngược lại, thâm hụt ngân sách là 3,9% GDP - trên mức trung bình của các quốc gia EU, trong khi nợ công của Italy chiếm khoảng 120% Tổng sản phẩm quốc nội.

Cũng trong ngày, Bộ trưởng Kinh tế Tremonti đã đệ trình Thượng viện Italy kế hoạch cân đối ngân sách tới năm 2013 nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công và kêu gọi sửa đổi Hiến pháp nhằm thực hiện cân đối ngân sách bắt buộc.

Mặc dù không đi vào chi tiết các biện pháp khác trong kế hoạch sắp tới, nhưng ông Tremonti cho biết chính phủ cũng đang xem xét đề nghị của ECB về việc sửa đổi luật lao động Italy nhằm tạo thuận lợi cho việc sa thải công chức.

Thời gian tới, Chính phủ Italy dự định sẽ trấn áp mạnh tay với nạn trốn thuế và thực hiện một chương trình đầy tham vọng như tư nhân hóa các dịch vụ công cộng ở địa phương, ngoại trừ ngành nước sinh hoạt - một vấn đề đã bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý mới đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục