Nội địa hóa yếu, giá ôtô sản xuất trong nước cao hơn ôtô nhập

Các sản phẩm đã được nội địa hóa vẫn còn mang hàm lượng công nghệ thấp dẫn đến tình trạng giá bán ôtô trong nước vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực.
Nội địa hóa yếu, giá ôtô sản xuất trong nước cao hơn ôtô nhập ảnh 1Công nhân lắp ráp ôtô tại Nhà máy ôtô Huyndai Thành Công Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo báo cáo gửi Quốc hội số 27/BC-BCT mới đây, Bộ Công Thương cho hay đến nay, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.

Các sản phẩm đã được nội địa hóa vẫn còn mang hàm lượng công nghệ thấp như săm, lốp ôtô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắcquy, sản phẩm nhựa... Điều này dẫn đến tình trạng giá bán ôtô trong nước vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực.

Ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ôtô và phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ôtô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.

[Honda Việt Nam có khả năng chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu xe]

Bộ Công Thương cũng đánh giá, ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước chưa tạo được sự hợp tác-liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất-lắp ráp ôtô và sản xuất phụ tùng linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do Việt Nam là quốc gia có xuất phát điểm thấp. Các ngành công nghiệp của Việt Nam đi sau các nước trong khu vực từ 2-3 thế hệ.

Việt Nam chưa có hệ sinh thái công nghiệp để tạo môi trường thuận lợi cho ngành ôtô phát triển; dung lượng thị trường đối với ngành ôtô còn nhỏ, chưa đảm bảo tính kinh tế trong việc đầu tư sản xuất; trình độ doanh nghiệp cũng như nguồn nhân lực ngành ôtô còn thấp.

Đồng thời công tác nghiên cứu, phát triển chưa được các doanh nghiệp chủ động quan tâm; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, dẫn đến chưa tự chủ được các vật liệu cơ bản cũng như các linh phụ kiện đầu vào cho ngành công nghiệp ôtô...

Để hỗ trợ ngành ôtô trong nước phát triển, Bộ Công Thương cho biết, sẽ sớm xem xét thống nhất phương án sửa đổi quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô, khuyến khích gia tăng tỷ lệ giá trị nội địa đối với sản phẩm ôtô sản xuất trong nước nhằm duy trì và từng bước phát triển công nghiệp ôtô cũng như công nghiệp hỗ trợ cho ngành ôtô tại Việt Nam, trình Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp gần nhất.

Nội địa hóa yếu, giá ôtô sản xuất trong nước cao hơn ôtô nhập ảnh 2Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn - Samco (TP. Hồ Chí Minh) chuyên sản xuất, lắp ráp ôtô từ 28-80 chỗ. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Mục đích của chính sách này là nhằm khắc phục bất lợi về giá thành giữa ôtô sản xuất trong nước và ôtô nhập khẩu, do quy mô sản xuất nhỏ, cùng với ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước kém phát triển khiến giá thành ôtô sản xuất trong nước cao hơn so với ôtô nhập khẩu từ khu vực ASEAN; từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho ôtô nội địa, đặc biệt là ôtô chở người đến 9 chỗ trong bối cảnh các công cụ bảo hộ bằng thuế quan, hàng rào kỹ thuật đã được gỡ bỏ và sức ép của ôtô nhập khẩu từ khu vực ASEAN ngày càng quyết liệt.

Ngoài ra, để phát triển nhanh ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, công nghiệp hỗ trợ cho các ngành nói chung và ngành ôtô nói riêng, Bộ này cũng kiến nghị Chính phủ sớm thông qua Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ để có căn cứ xây dựng các chính sách lớn và tổ chức triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương các giải pháp phát triển ngành.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ôtô, cơ khí, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của ôtô sản xuất trong nước.

Các chính sách dù đã có tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước nhưng hiện nay không còn duy trì được lợi thế do lượng ôtô nhập khẩu nguyên chiếc tăng mạnh từ đầu năm 2019 đến nay.

Các chính sách nhằm mục tiêu phát triển sản xuất ôtô, cơ khí tại Việt Nam để chủ động đáp ứng nhu cầu trong nước, lộ trình phát triển phù hợp với sự phát triển của hệ thống hạ tầng; tạo công ăn việc làm cho người lao động, thay thế sản phẩm nhập khẩu.

Đồng thời, tăng dần tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước đối với xe ôtô sản xuất tại Việt Nam, phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu thuộc mọi thành phần kinh tế để tiến tới tạo ra thương hiệu ôtô của Việt Nam.

Nhờ những chính sách này, bước đầu, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã khẳng định vai trò, vị trị đối với thị trường ôtô trong nước, hướng tới thị trường khu vực, có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất.

Cụ thể như Tổ hợp sản xuất ôtô Vinfast tại Hải Phòng; các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô du lịch thương hiệu Mazda, ôtô tải, ôtô bus của Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco); các dự án mở rộng sản xuất ôtô du lịch và ôtô thương mại thương hiệu Hyundai của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công...

Gần đây nhất, Công ty cổ phần ôtô Trường Hải đã xuất khẩu lô xe đầu tiên (xe bus mang thương hiệu riêng của Thaco và xe du lịch thương hiệu Kia Motors) sang các quốc gia Đông Nam Á (Philippines, Thái Lan).

Tương quan về sản lượng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu trong trung và ngắn hạn thay đổi theo hướng tăng về số lượng xe sản xuất, lắp ráp. Tuy nhiên, do lượng ôtô nhập khẩu ngày càng tăng nên lợi thế này đang mất dần.

Các nhà nhập khẩu chuyên nghiệp hơn do có vai trò của chính hãng. Nguồn gốc xuất xứ xe nhập khẩu được đảm bảo, trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đảm bảo hơn.

Các dịch vụ phục vụ bảo hành, bảo dưỡng cũng như triệu hồi sản phẩm đảm bảo hơn. Nguồn vật tư, phụ tùng thay thế trong quá trình bảo hành bảo dưỡng, sửa chữa qua hệ thống các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng được chứng nhận và đảm bảo.

Các doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến công tác bảo hành, bảo dưỡng ôtô, thể hiện qua số lượng cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đạt chuẩn quốc gia của các hãng xe tăng mạnh.

Chẳng hạn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Honda Việt Nam tăng 61%, Công ty cổ phần ôtô Trường Hải tăng 33%, Công ty cổ phần Hyundai Thành Công Việt Nam tăng 120%.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục