Nỗi khao khát trở lại quê hương của một người Triều Tiên đào tẩu

Kim Ryon Hui, một người phụ nữ từng hành nghề may váy ở Bình Nhưỡng, đã đào tẩu sang Hàn Quốc và nay đang tuyệt vọng muốn trở về với gia đình.
Nỗi khao khát trở lại quê hương của một người Triều Tiên đào tẩu ảnh 1Kim Ryon Hui khao khát được trở lại quê nhà. (Nguồn: cnn)

Trong số hàng vạn người Triều Tiên đã chạy trốn sang Hàn Quốc kể từ cuối những năm 1990, chỉ có một số ít xin được trở về quê hương.

Kim Ryon Hui là một trong số họ. Người phụ nữ từng hành nghề may váy ở Bình Nhưỡng đã đào tẩu sang Hàn Quốc và nay đang tuyệt vọng muốn trở về với gia đình.

Quyết định sai lầm

Trước khi đào tẩu vào năm 2011, Kim có cuộc sống khá dư dật, theo tiêu chuẩn Triều Tiên. Chồng bà là bác sỹ và gần đây gia đình mới được chính quyền cấp cho một căn hộ mới.

Kim đã tới Trung Quốc cách nay 4 năm để trị bệnh về gan. Bà đã nhập viện trong vòng 6 tháng ở Triều Tiên, trước khi chồng bà hay tin Trung Quốc có phương thức điều trị tiên tiến hơn. Bà tưởng rằng chữa bệnh ở Trung Quốc cũng miễn phí như ở Triều Tiên, nơi nhà nước chi trả hầu hết các chi phí gồm nhà ở, chăm sóc y tế và giáo dục bậc cao.

Nhưng ngay khi tới Trung Quốc, Kim tá hỏa khi biết rằng bà sẽ không thể trả được khoản phí điều trị khổng lồ. Bà không thể vay tiền họ hàng để trả viện phí nên đã bắt đầu làm việc tại một nhà hàng ở Thẩm Dương để có tiền trị bệnh.

Tuy nhiên mức thu nhập mà công việc mang lại là rất thấp và như thế, Kim sẽ khó gom đủ tiền, trong khi các bác sỹ Trung Quốc đòi được thanh toán trước.

"Khi ấy một kẻ môi giới nói với tôi rằng người Trung Quốc thường lẻn qua Hàn Quốc và kiếm được rất nhiều tiền trước khi trở về nhà. Kẻ này nói rằng một hàng xóm của mình cũng làm điều tương tự và đã ở Hàn Quốc trong 2 tháng," bà kể với CNN. "Tôi đã nghĩ tới việc chữa cho khỏi bệnh rồi trở về nhà thăm cha mẹ già. Tôi muốn trở về trong trạng thái khỏe mạnh. Vì thế tôi nói với những kẻ môi giới rằng mình sẽ tới Hàn Quốc trong 2 tháng."

Tuy nhiên đó là một quyết định sai lầm, như lời của Kim.

Bà cùng một nhóm người đào tẩu khác được đưa tới Hàn Quốc. Nhưng trước khi tới nơi, bà đột ngột suy nghĩ lại. Bà nói rằng đã không hề biết rằng một khi ký giấy tờ tuyên bố từ bỏ quốc tịch Triều Tiên, bà sẽ không bao giờ có thể trở về quê.

"Tôi nói với họ rằng mình không hề biết điều này nên muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên kẻ môi giới đã lấy hộ chiếu khỏi tay tôi và không trả lại nữa," bà nói. "Những người đào tẩu khác đi cùng tôi cũng nói rằng nếu tôi trở lại và bị bắt, họ cũng sẽ bị bắt, bị trao lại cho cơ quan công an Trung Quốc và cuộc sống của họ sẽ tan nát. Bởi chẳng còn hộ chiếu, tôi buộc phải theo chân họ và cuối cùng đã tới Hàn Quốc."

Kim cho biết vào thời điểm đó, bà còn không biết một người đào tẩu khỏi Triều Tiên là gì. Vì thế ngay khi tới Hàn Quốc, bà đã đòi về Triều Tiên.

Nhưng với Hàn quốc, chuyện lại không dễ dàng như vậy. Nước này có các quy trình để đưa người đào tẩu ra khỏi Triều Tiên. Nhưng gửi người đào tẩu trở lại Triều Tiên lại là hành vi phất hợp pháp.

Không có đường về nhà

Để được ra khỏi một trung tâm thẩm vấn của Hàn Quốc, Kim phải ký vào tài liệu lên án Triều Tiên và đồng ý tuân thủ luật của Hàn Quốc. Sau khi ký những giấy tờ ấy, bà đã trở thành công dân Hàn Quốc.

Kim cho biết bà đã cố tìm kẻ buôn người. Bà cũng liên tục gọi điện về tòa lãnh sự Triều Tiên ở Thẩm Dương, trước khi thực hiện các biện pháp dại dột khác. Theo đó, bà giả vờ làm một điệp viên Triều Tiên để được trục xuất. Nhưng Hàn Quốc không trục xuất điệp viên mà chỉ tống giam.

Vì thế sau khi đầu thú, Kim đã bị tuyên phạt 2 năm tù giam vì tội làm giả hộ chiếu và gián điệp. Tháng 4 năm nay, Kim được phóng thích sớm và giờ chỉ còn chịu quản thúc đặc biệt. Việc là một kẻ phạm tội khiến cho Kim không thể xuất cảnh ra khỏi Hàn Quốc.

Bà nói với CNN: "Tôi chẳng còn biết nói gì khác ngoài xin lỗi. tôi thậm chí còn không thể tưởng tượng rằng mình có thể tạo ra vấn đề lớn tới vậy."

"Sự lựa chọn sai lầm mà tôi đã thực hiện, chỉ vì muốn có tiền trị bệnh, đã dẫn tới tình tế tồi tệ nhất đời tôi. Giờ tôi vô cùng tiếc nuối và rất xin lỗi vì đã mang khổ đau tới cho cha mẹ đang già yếu, cho chồng và con gái tôi," bà nói.

Kim cho biết giờ bà mắc kẹt ở Hàn Quốc và chẳng có lựa chọn nào cả. Bà phải làm công việc vận hành máy tại một nhà máy tái chế để có tiền sinh nhai. "Tôi sống ở Deagu và sắp được điều trị tại một bệnh viện ở đó," bà cho biết.

Dù sức khỏe thể xác của Kim đã cải thiện, những đau khổ trong tinh thần là không thể chịu đựng nổi. Tay bà giờ đầy vết sẹo, hình thành sau những lần tự sát không thành.

Nỗi khao khát trở lại quê hương của một người Triều Tiên đào tẩu ảnh 2

Thông điệp gửi xuyên biên giới

Tại Bình Nhưỡng, phóng viên CNN đã gặp chồng của bà Kim và cô con gái 21 tuổi, người chưa được gặp mẹ suốt 4 năm qua.

"Tại sao? Tại sao mẹ tôi không thể trở lại?" con gái bà Kim là Ri Gyon Gum vừa khóc vừa hỏi: "Tại sao chúng tôi phải trải qua nhiều nỗi khổ đau tới vậy?"

"Tại sao họ cố tình kéo mẹ tôi qua đó, dù bà đã muốn trở lại? Tại sao họ không để mẹ tôi đi? Mẹ tôi còn có gia đình, chồng và con gái ở quê hương. Mẹ tôi còn đứa con gái rất nhớ bà, có người chồng rất nhớ vợ. Họ (những kẻ buôn người) không có con tim và dòng máu chảy trong người hay sao?" - cô hỏi.

Khi được hỏi có muốn nhắn gửi cho bà Kim điều gì không, chồng bà là ông Ri Gum Ryong nhìn vào camera, đôi lúc bật khóc.

"Gửi tới vợ tôi ở Hàn Quốc, đừng quên rằng ở đây em còn có cha mẹ, một người chồng, một đứa con gái và một đất nước xã hội chủ nghĩa. Hãy chiến đấu cho tới phút chót," ông nói.

Tại Hàn Quốc, Kim giơ tay che lấy miệng khi bà xem đoạn video rồi bật khóc nức nở. Đây là lần đầu tiên bà thấy lại gia đình sau 4 năm.

"Làm sao chuyện lại thành ra thế này? Tôi sẽ làm gì đây?" - bà hỏi.

Kim cũng ghi lại một lời xin lỗi đầy nước mắt để gửi tới gia đình, nói với họ rằng các bác sỹ đang điều trị cho bà. Kim cho biết bà vẫn chưa từng quên họ, cũng như đất nước Triều Tiên. Bà hứa sẽ làm tất cả để trở về quê hương.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói rằng luật không cho phép họ mang Kim trở về với gia đình bà. Giống nhiều gia đình khác trên bán đảo Triều Tiên, nay nhà bà Kim bắt đầu phải chịu cảnh ly tán, hình thành do sự thù địch kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua.

Phóng viên CNN đã trở lại Triều Tiên thêm một lần nữa để gặp chồng, con gái Kim ở Bình Nhưỡng và cho họ xem tin nhắn của bà. Tuy nhiên cả hai cha con đều không biết tới khi nào gia đình họ mới đoàn tụ.

Khi đoạn video bắt đầu chạy trên màn hình máy tính, con gái Kim đã vội giơ tay lên che miệng giống hệt mẹ đẻ. Cả hai người đặc biệt giống nhau. Người mẹ ở trên màn hình và người con đang nhìn vào hình ảnh mẹ, cả hai đều khóc như mưa.

Chẳng ai nói một lời nào trong buổi hôm đó, chỉ có cảm giác đau lòng là hiển hiện rất rõ ràng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục